Thị trường

Bầu Đức chán nuôi bò, bầu Long bắt đầu nuôi heo

(VNF) - Hòa Phát vừa nhập lô heo giống đầu tiên từ Đan Mạch về Việt Nam với tham vọng có 650.000 đầu lợn vào năm 2021, trong khi Hoàng Anh Gia Lai chấm dứt hoạt động dự án trồng cỏ và nuôi bò quy mô 111.880 con tại Kon Tum.

Bầu Đức chán nuôi bò, bầu Long bắt đầu nuôi heo

Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) và ông Trần Đình Long (bầu Long)

Chấm dứt dự án nuôi bò nghìn tỷ của Hoàng Anh Gia Lai

Tỉnh Kon Tum vừa giao Sở Kế hoạch & Đầu tư lập thủ tục thu hồi giấy chứng nhận và chấm dứt hoạt động dự án trồng cỏ và nuôi bò thịt công nghệ cao của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - do ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Nguyên nhân thu hồi là do nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án. Văn bản của UBND tỉnh Kon Tum cũng yêu cầu Sở Kế hoạch & Đầu tư Kon Tum lập thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư và chấm dứt hoat động của dự án trên.

Được biết, dự án trồng cỏ, nuôi bò thịt công nghệ cao của Hoàng Anh Gia Lai với tổng vốn 1.600 tỷ đồng, được trao quyết định đầu tư hồi tháng 5/2015. Quy trình chăn nuôi của dự án là khép kín và áp dụng công nghệ cao và cơ giới hóa vào chăn nuôi.

Dự án có quy mô đàn bò ban đầu là 35.700 con bò sinh sản (gồm bò cái sinh sản và bò đực để lai tạo giống), sau đó sẽ nâng lên 111.880 con, gồm bò sinh sản và bò vỗ béo.

Dự án này được kỳ vọng sẽ có đóng góp đáng kể vào ngân sách tỉnh Kon Tum, giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 500 lao động. Trước đó, trong quý I/2016, doanh thu từ bán bò tại các dự án của Hoàng Anh Gia Lai đạt 1.233 tỷ đồng, chiếm 62,5% trong cơ cấu doanh thu. Tuy nhiên, sau một thời gian dự án đã phải tạm dừng, nguyên nhân là diện tích, địa hình đất để thực hiện dự án không đáp ứng được biện pháp cơ giới hóa khi triển khai dự án.

Hoàng Anh Gia Lai bắt đầu đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi bò thịt và bò sữa từ năm 2014. Sản phẩm bò Úc mang thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai đã bắt đầu đưa ra thị trường từ tháng 2/2015.

Hoà Phát chuyển hướng... nuôi heo

Theo thông tin từ Tập đoàn Hòa Phát do ông Trần Đình Long (bầu Long) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, rạng sáng ngày 27/5/2016, lô heo giống đầu tiên của Hòa Phát trong mảng chăn nuôi đã về tới sân bay Nội Bài sau hành trình từ Đan Mạch về Việt Nam. Theo đó, doanh nghiệp đã nhập gần 500 con giống thuộc dòng cụ kỵ (GGP) với trọng lượng trung bình 40-60kg (10-18 tuần tuổi). 

Theo tập đoàn này, đây là lô hàng đầu tiên nên nhận được sự chỉ đạo quan tâm sát sao của ban lãnh đạo của Hòa Phát từ việc tìm hiểu nguồn gen, chọn nhà cung cấp, thiết kế xây dựng chuồng trại và quy trình nuôi heo theo đúng tiêu chuẩn châu Âu.

Số heo giống nêu trên được mua từ đối tác DanBred của Đan Mạch, quốc gia đứng đầu thế giới về nguồn gen heo giống chất lương cao.

Dự kiến, sau khoảng 10 tuần nữa, Hòa Phát sẽ tiếp tục nhập đợt heo giống thuần chủng thứ hai về để nhân đàn, sinh sản. Theo tính toán, công ty sẽ bắt đầu cung cấp lợn thịt, lợn giống từ đầu năm 2018 và đặt mục tiêu 650.000 đầu lợn vào năm 2021.

Được biết, trước đó Hòa Phát đã chi 300 tỷ đồng để thành lập công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Hưng Yên với công suất 300.000 tấn/năm.

Có thể thấy khi lĩnh vực bất động sản tuy đem lại lợi nhuận đột biến nhưng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và mang tính chu kỳ. Các "đại gia" Việt Nam đang dần chuyển hướng sang mảng nông nghiệp với phương châm đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh để phân tán rủi ro. 

Đầu năm 2016, Hòa Phát đã góp vốn thành lập Công ty cổ phần Phát triển Nông nghiệp Hòa Phát. Công ty này có vốn điều lệ dự kiến 2.500 tỷ đồng, trong đó Hòa Phát góp 99,99%, hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi và các hoạt động phụ trợ liên quan. 

Tin mới lên