Tài chính

Bí ẩn khoản thu nhập ‘khủng’ trên 4.000 tỷ của Vinalines

(VNF) – Khoản thu nhập "khủng" trên 4.000 tỷ đồng của Vinalines vẫn nằm trong vòng bí mật.

Bí ẩn khoản thu nhập ‘khủng’ trên 4.000 tỷ của Vinalines

Dù đã thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin trên công thông tin doanh nghiệp (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhưng tổng công ty này vẫn "giấu nhẹm" nhiều thông tin quan trọng

Như VietnamFinance đã đưa tin, Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines) đạt lợi nhuận trước thuế lên đến 2.148 tỷ đồng trong năm 2016, gấp 2,2 lần năm 2015, theo báo cáo tài chính riêng năm 2016 chưa kiểm toán và không bao gồm thuyết minh báo cáo tài chính của Vinalines.

Điều đáng chú ý là, mức lợi nhuận cao bất ngờ trên của Vinalines không phải đến từ sự khởi sắc trong hoạt động kinh doanh chính, mà là do tổng công ty này đột ngột ghi nhận khoản thu nhập khác lên đến 4.043 tỷ đồng trong năm qua.

Nhiều dự đoán về khoản thu nhập "khủng" này đã được giới tài chính đưa ra, chẳng hạn như xuất phát từ việc "quả đấm thép một thời" này tiến hành thanh lý tài sản, hoặc được xóa nợ…

Mới đây, Vinalines đã công bố báo cáo tài chính riêng đã kiểm toán năm 2016 và có thuyết minh báo cáo tài chính trên cổng thông tin doanh nghiệp (địa chỉ: business.gov.vn) theo quy định công bố thông tin, tuy nhiên, riêng phần thuyết minh số 28 cho khoản thu nhập khác 4.043 tỷ đồng trên, Vinalines lại "giấu nhẹm".

Cụ thể hơn, ngay sau trang số 48 (bao gồm thuyết minh số 24, 25, 26) là trang số… 50 (bao gồm thuyết minh số 29, 30, 31), nghĩa là báo cáo tài chính mà Vinalines công bố theo quy định trên cổng thông tin doanh nghiệp (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thiếu mất đi trang số 49, cũng như thiếu mất đi thuyết minh số 28 về khoản Thu nhập khác.

Như vậy, Vinalines đã công bố thông tin không đầy đủ theo quy định về việc công bố thông tin về hoạt động của các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP ngày 18/09/2015.

Khoản thu nhập "khủng" trên 4.000 tỷ của Vinalines, theo đó, vẫn nằm trong vòng bí mật.

Bên cạnh việc thuyết minh về khoản Thu nhập khác trị giá trên 4.000 tỷ bị giấu đi, Vinalines cũng đồng thời "giấu nhẹm" ý kiến kiểm toán ngoại trừ của Công ty Kiểm toán KPMG.

Cụ thể, vốn dĩ Kiểm toán KPMG đưa ra tới 5 "cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ", tuy nhiên, trên báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2016 vừa công bố trên cổng thông tin doanh nghiệp, Vinalines đã cắt mất 2 ý kiến (iii) và (iv). Trang số 5 vốn dĩ bao gồm 2 ý kiến này theo đó cũng không tồn tại.

Vinalines

Vinalines vẫn giấu thông tin liên quan đến khoản thu nhập "khủng" trên 4.000 tỷ đồng

Mặc dù nhiều thông tin quan trọng bị che giấu, tuy nhiên, báo cáo tài chính đã kiểm toán và có thuyết minh mà Vinalines công bố vẫn còn có nhiều điểm đáng chú ý khác, đầu tiên phải kể đến khoản mục Chi phí khác.

Trong năm 2016, Vinalines ghi nhận 274 tỷ đồng chi phí khác, vượt trội so với con số 7,7 tỷ đồng của năm 2015. Theo thuyết minh số 29, sự tăng vọt này chủ yếu đến từ việc Vinalines đột ngột ghi nhận chi phí thanh lý xây dựng cơ bản dở dang lên đến 230,9 tỷ đồng, trong khi năm ngoái, Vinalines không ghi nhận khoản chi phí này.

Đồng thời, tổng công ty cũng ghi nhận 17,9 tỷ đồng xây dựng cơ bản dở dang xóa sổ trong năm. Năm 2015, Vinalines cũng không ghi nhận khoản chi phí này.

Điều này cho thấy, gần như chắc chắn khoản thu nhập "khủng" trên 4.000 tỷ đồng của Vinalines có bao gồm thu nhập từ thanh lý tài sản, tuy nhiên, chưa rõ lượng thu nhập thực tế là bao nhiêu.

Đối chiếu sang thuyết minh số 13 về Xây dựng cơ bản dở dang cho thấy, Vinalines đã thanh lý 245,2 tỷ đồng và xóa số 17,9 tỷ đồng tài sản xây dựng cơ bản dở dang trong năm 2016, chủ yếu là các dự án đóng tàu.

Điểm đáng chú ý thứ hai là các ý kiến kiểm toán ngoại trừ của Kiểm toán KPMG về (i) Khả năng thu hồi của các khoản phải thu (ii) Hàng tồn kho và (v) Các nghĩa vụ liên quan đến các công ty con sẽ thực hiện phá sản.

Tóm lược, về khả năng thu hồi của các khoản phải thu, Kiểm toán KPMG cho biết ban lãnh đạo Vinalines chưa tiến hành đánh giá khả năng thu hồi đối với một loạt các khoản phải thu thương mại và các khoản phải thu từ các công ty đang làm thủ tục phá sản và một số cá nhân liên quan đến vụ án Ụ nổi 83M đã quá hạn với tổng trị giá trên 700 tỷ đồng.

Về hàng tồn kho, Kiểm toán KPMG không thể thực hiện thủ tục kiểm toán thay thế nào để thu thập bằng chứng về lượng hàng tồn kho trị giá trên 186 tỷ đồng tại ngày 31/12/2015, do KMPG được bổ nhiệm là đơn vị kiểm toán cho Vinalines sau ngày 31/12/2015.

Về các nghĩa vụ liên quan đến các công ty con sẽ thực hiện phá sản, Kiểm toán KPMG cho biết, Vinalines có thể phát sinh nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ của Công ty Vinashinlines tương ứng với mức vốn điều lệ đã đăng ký là 1.500 tỷ đồng, mặc dù Vinalines mới chỉ góp 414,3 tỷ đồng.

Được biết, Vinashinlines hiện đang thực hiện thủ tục phá sản, cùng với 2 công ty con khác của Vinalines là Công ty Falcon và Công ty Công nghiệp Tàu thủy Cà Mau.

Tin mới lên