Tài chính quốc tế

Bị chỉ trích dữ dội về việc thuê Trung Quốc in tiền, giới chức Ấn Độ vội vã cải chính

(VNF) - "Thông tin về bất kỳ công ty in tiền nào của Trung Quốc nhận đơn đặt hàng in đồng nội tệ của Ấn Độ là hoàn toàn vô căn cứ. Tiền Ấn Độ đã, đang và sẽ được các nhà máy in tiền thuộc chính phủ và Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) in ấn", Indiatoday ngày 14/8 dẫn lời một quan chức thuộc Bộ Tài chính Ấn Độ.

Bị chỉ trích dữ dội về việc thuê Trung Quốc in tiền, giới chức Ấn Độ vội vã cải chính

SCMP cho biết một công ty Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận in tiền cho nhiều nước, trong đó có đồng rupee của Ấn Độ.

Thông tin trên được đưa ra sau khi tờ SCMP cho biết một công ty Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận in tiền cho nhiều nước, trong đó có đồng rupee của Ấn Độ trong một bài báo ngày 12/8.

Nhiều người Ấn Độ bày tỏ sự phẫn nộ trước thông tin này. Các chính trị gia Ấn Độ cũng cảnh báo động thái này sẽ đe dọa tới an ninh quốc gia và gây nguy hiểm cho "chủ quyền tài chính" của Ấn Độ và yêu cầu chính phủ đưa ra lời giải thích.

Đáp lại, Ngoại trưởng Kinh tế Ấn Độ Subhash Chandra Garg cho biết nước này có quy trình in tiền phức tạp, từ trước đến nay, Ấn Độ đều tự in đồng nội tệ của mình ở 4 nhà máy in tiền được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt.

SCMP: Trung Quốc trở thành “xưởng in tiền” của thế giới

Bài báo của SCMP dẫn lời ông Liu Guisheng, chủ tịch Tập đoàn In và Đúc tiền Trung Quốc, cho biết, trước đây, các doanh nghiệp Trung Quốc không sản xuất ngoại tệ. Nhưng điều này bắt đầu thay đổi vào năm 2013, khi Bắc Kinh công bố chính sách Vành đai, Con đường.

Đây là kế hoạch phát triển toàn cầu nhằm mục tiêu kích thích tăng trưởng kinh tế, có liên quan đến hơn 60 quốc gia châu Á, châu Âu và châu Phi với nhiều dự án đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn.

Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Hai năm sau, Trung Quốc bắt đầu in ngoại tệ bằng việc sản xuất đồng 100 rupee cho Nepal. "Từ đó, Tập đoàn In và Đúc tiền Trung Quốc đã ký được nhiều hợp đồng sản xuất tiền cho các quốc gia như Thái Lan, Bangladesh, Sri Lanka, Malaysia, Ấn Độ, Brazil và Ba Lan", ông Liu cho biết.

Nhưng đó có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, số các nước thực sự đã thuê hoặc đang lên kế hoạch thuê Trung Quốc sản xuất tiền tệ có thể cao hơn nhiều, dựa vào một nguồn tin trong tập đoàn.

Người dân Trung Quốc đang ngày càng hạn chế việc dùng tiền mặt.

Một số quốc gia yêu cầu Bắc Kinh không công khai hợp đồng vì lo lắng những thông tin này có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia hoặc gây ra "những cuộc tranh luận không cần thiết trong nội bộ", nguồn tin cho biết.

Ông Hu Xingdou, giáo sư kinh tế tại Viện Bắc Kinh về Công nghệ, cho rằng bất cứ quốc gia nào ký hợp đồng in tiền với công ty Trung Quốc cũng có sự tin tưởng nhất định đối với chính phủ Trung Quốc.

Trong hơn 1 thế kỷ qua, thị trường in tiền theo đơn đặt hàng của các quốc gia trên thế giới chủ yếu do các công ty phương Tây đảm nhiệm. Một số quốc gia tự sản xuất tiền, nhưng cũng có nhiều nước thuê các công ty ở nước ngoài in tiền.

Thị trường in tiền theo đơn đặt hàng của các quốc gia trên thế giới chủ yếu do các công ty phương Tây đảm nhiệm.

Chẳng hạn, công ty in tiền De La Rue có hơn 140 quốc gia là khách hàng. Một số công ty lớn khác trong lĩnh vực này bao gồm Giesecke & Devrient ở Đức với hơn 60 quốc gia là khách hàng, hay Crane Currency ở Mỹ với lịch sử hơn 200 năm hoạt động. Trở ngại lớn nhất đối với một quốc gia khi thuê in tiền ngoài lãnh thổ của mình là rủi ro về an ninh.

Cách đây 7 năm, khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi còn cầm quyền ở Libya, Chính phủ Anh đã thu giữ số tiền Dinar trị giá gần 1,5 tỷ USD mà De La Rue sản xuất cho Libya. Vụ bắt giữ lô tiền này đã gây ra tình trạng thiếu tiền mặt nghiêm trọng ở Libya, góp phần gây sức ép khiến chính quyền Gaddafi sụp đổ.

Xem thêm >> Cảnh tượng hoang tàn sau vụ sập cầu tại Ý

Tin mới lên