Tài chính quốc tế

Bí quyết thành công của Samsung: 'Hãy thay đổi mọi thứ, trừ gia đình'

(VNF) - Samsung rõ ràng là một công ty đáng ngưỡng mộ với đầy những thành công cá nhân mà các nhà quản lý trên thế giới nên học hỏi. Samsung thành công dựa nhiều vào cái bóng của Lee Byung Chull - người sáng lập Tập đoàn Samsung theo mô hình gia đình trị chặt chẽ.

Bí quyết thành công của Samsung: 'Hãy thay đổi mọi thứ, trừ gia đình'

"Chaebol", ("chae" là "sở hữu" và "mumbol" là "gia đình quyền quý"), tức tài phiệt, là tên gọi ám chỉ các tập đoàn gia đình lớn của Hàn Quốc. Chaebol chính là những công cụ kéo Hàn Quốc ra khỏi tình trạng nghèo khó sau chiến tranh, vươn lên xếp thứ 13 thế giới về mức thu nhập GDP. Lotte, Samsung, Huyndai hay LG... đều là những gia tộc tài phiệt như vậy. 

80 năm trước, Lee Byung Chull thành lập công ty thương mại nhỏ tại Daegu và phát triển thành đế chế TV và smartphones lớn nhất thế giới ngày nay. Vào những năm 1990, đế chế này chia thành 4 phần độc lập gồm: Samsung, CJ, Shinsegae và Hansol. Cả 4 công ty này đều đang được điều hành bởi con cháu họ Lee đời thứ 2 và 3 với doanh thu hàng năm hàng trăm tỷ USD đến từ các ngành điện tử, bán lẻ, thực phẩm, giải trí…

Bí quyết thành công của Samsung

Samsung thành công dựa nhiều vào cái bóng của Lee Byung Chull - người sáng lập Tập đoàn Samsung theo mô hình gia đình trị chặt chẽ.

Gia đình họ Lee sở hữu tập đoàn đoàn Samsung với 35% tài sản đến từ Samsung Electronics. Hiện chủ tịch tập đoàn này vẫn trong tình trạng hôn mê sau cơn suy tim hồi tháng 5/2014. Con trai duy nhất cũng là người thừa kế nghiệp đoàn, Lee Jae Yong đang phải đối mặt với bê bối lớn khi Samsung phải thu hồi điện thoại Galaxy Note 7 trên toàn cầu và quyết định dừng sản xuất dòng điện thoại này vĩnh viễn. Trong khi đó, anh họ của Lee Jae Yong, Lee Jay Hyun, giám đốc điều hành tập đoàn CJ, được Tổng thống Park Guen Hye ân xá sau khi bị kết tội tham ô và trốn thuế.

Tuy nhiên, Samsung rõ ràng vẫn là một công ty đáng ngưỡng mộ với đầy những thành công cá nhân mà các nhà quản lý trên thế giới nên học hỏi. Samsung thành công dựa nhiều vào cái bóng của Lee Byung Chull - người sáng lập Tập đoàn Samsung theo mô hình gia đình trị chặt chẽ.

Lee Kun Hee, cựu CEO huyền thoại của Samsung

"Hãy thay đổi tất cả trừ vợ và con" là câu nói bất hủ của Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Kun Hee, người dẫn dắt và có công lớn nhất trong việc thúc đẩy Samsung trở thành tập đoàn điện tử lớn nhất Hàn Quốc và toàn cầu. Ông là con trai thứ ba của Lee Byung Chul, người sáng lập Tập đoàn Samsung.

Lee Kun Hee chính thức trở thành chủ tịch của Samsung vào ngày 1/12/1987, chỉ 2 tuần sau khi bố của ông, Lee Byung Chull - người thành lập ra Samsung - qua đời. Đời con nối tiếp đời cha, chính chính sách "gia đình trị" này đã mang đến thành công không thể ngờ đến cho công ty, một đặc điểm đặc trưng của các chaebol. 

Ông Lee Kun Hee giữ vị trí giàu nhất Hàn Quốc với tổng tài sản 9,2 tỷ USD theo thống kê của Forbes tính đến năm 2015. Ông cũng là người dẫn dắt và thay đổi vận mệnh của Samsung Electronics từ một công ty bị xem là kẻ chuyên gia công các linh kiện công nghệ cao cho các tập đoàn lớn, đã bước từ ranh giới của một công ty châu Á gia nhập địa hạt các tập đoàn công nghệ toàn cầu và trở thành tập đoàn điện tử lớn nhất toàn cầu (năm 2015) tính theo doanh thu và đứng thứ 18 trong bảng xếp hạng 500 công ty lớn nhất toàn cầu của Fortune.

chủ tịch Samsung Lee Kun Hee
Lee Kun Hee -  người dẫn dắt và thay đổi vận mệnh của Samsung Electronics.

Nhận định "Thiết kế mẫu mã sẽ là tài sản quý báu của doanh nghiệp và cũng chính là yếu tố quyết định thành bại trong kinh doanh hiện đại", Samsung tạo ra các nhóm đa ngành gồm các nhà thiết kế, kỹ sư, tiếp thị, nhà dân tộc học, nhạc sĩ, nhà văn để tiến hành nghiên cứu hành vi, sở thích và nhu cầu chưa được đáp ứng của khách hàng từ đó tạo ra các sản phẩm thiết kế đón đầu xu hướng về văn hóa, kinh tế và công nghệ. 

Triết lý này mang lại quả ngọt đều đặn cho Samsung, nhất là sau cuộc khủng hoảng tiền tệ toàn cầu năm 2008, nhiều công ty đau đầu trong nỗ lực hãm phanh xuống dốc thì Samsung tuyên bố doanh thu tăng 13,4%, lợi nhuận tăng khoảng 60% vào năm 2010. Ngay cả trong năm 2011 với khủng hoảng tài chính Châu Âu và sự đình trệ kinh tế toàn cầu, tuy lãi thực của Samsung có phần giảm sút nhưng doanh thu vẫn tăng thêm 10 tỷ USD, đạt 164 tỷ USD. 

Dưới sự dẫn dắt của Lee Kun Hee, Samsung đã nhận được nhiều giải thưởng hơn bất kỳ công ty nào trong những năm gần đây. Từ năm 1996 đến năm 2010, Samsung nhận được tổng cộng 502 giải thưởng thiết kế uy tín tầm cỡ quốc tế như IDEA, CLION, iF… Tại triển lãm CES 2016, Samsung Electronics, giành được 100 giải thưởng ở các hạng mục gồm thiết bị gia dụng, điện tử, di động. Bên cạnh đó, Samsung là tập đoàn đón đầu xu hướng IoT (Internet of Things), tạo ra một hệ sinh thái với các thiết bị điện tử thông minh như ti vi, tủ lạnh, lò vi sóng có thể giao tiếp với nhau, tạo nên những ngôi nhà thông minh giúp thay đổi cách sống của con người.

Lee Jae Yong - người thừa kế kín tiếng

Hiện tại, Lee Jae Yong -  con trai duy nhất của Chủ tịch Lee Kun Hee đang là nhà điều hành trực tiếp của Samsung sau khi ông Lee Kun Hee phải nhập viện vì đau tim vào năm 2014.

Ở Hàn Quốc, Jay Y. Lee thường được gọi là "thái tử Samsung" và đã đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo trong những năm gần đây như một phần trong kế hoạch kế vị, trước khi đảm nhiệm vị trí phó chủ tịch năm 2012.

Cuộc khủng hoảng tồi tệ chưa từng có trong lịch sử của Samsung Electronic với sự cố Note 7 đang tạo ra "cơn đau đầu" đối với người thừa kế sáng giá của tập đoàn này, Lee Jae Jong - 48 tuổi. Đây giống như một phép thử đối với khả năng lãnh đạo của Lee trước biến cố lớn đầu tiên kể từ khi cầm quyền.

Tuy nhiên, trái với sự xông xáo của cha trong các quyết định chủ chốt của tập đoàn, Lee Jae Yong giữ thái độ kín kẽ. Hiện tại Phó chủ tịch Lee vẫn không trực tiếp đưa ra những quyết định quan trọng hàng ngày đối với mảng kinh doanh điện thoại mà phần lớn ủy quyền xử lý sự cố Note 7 cho các lãnh đạo cấp dưới như ông Koh – Giám đốc phụ trách mảng điện thoại của công ty.

Lee Jae Jong

Khủng hoảng Note 7 được xem là phép thử đối với khả năng lãnh đạo của Lee trước biến cố lớn đầu tiên kể từ khi cầm quyền.

Giữa những năm 1990, ông Lee Kun Hee đã thẳng tay cho đốt 150.000 chiếc điện thoại Samsung bị lỗi và bắt 2.000 nhân viên chứng kiến. Sau đó, ông điều xe lu đến ủi nát đống tro tàn. Ngược lại, Lee Jae Yong chú tâm hơn tới đường hướng vĩ mô của cả tập đoàn, ví dụ như cải cách cấu trúc sở hữu chéo chằng chịt của tập đoàn gia đình.

Nhìn chung, hiện tại Lee Jae Yong vẫn âm thầm đứng sau cánh gà trong việc giải quyết khủng hoảng nhưng đã có nhiều dấu hiệu cho thấy anh sẽ bắt đầu xuất đầu lộ diện nhiều hơn. Người thừa kế của tập đoàn Samsung, đang cùng chia sẻ trách nhiệm lãnh đạo tập đoàn, với hơn 70 công ty thành viên dù chưa được giữ cương vị cao nhất - Chủ tịch tập đoàn, chừng nào mà cha anh ta còn sống, theo một "thông lệ bất thành văn" của các chaebol Hàn. 

Ái nữ của tập đoàn Samsung - người phụ nữ quyền lực thứ hai xứ Hàn 

Theo danh sách 100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2016 do Tạp chí Forbes mới công bố, Hàn Quốc đóng góp hai cái tên. Đầu tiên là nữ tổng thống đương nhiệm Park Geun Hye xếp ở vị trí thức 12 và sau đó là nữ tỷ phú Lee Boo Jin, con gái của Chủ tịch Samsung xếp ở vị trí thứ 98.

Lee Boo Jin (45 tuổi) là nữ tỷ phú giàu nhất Hàn Quốc khi sở hữu tổng số tài sản lên tới 1,62 tỷ USD. Theo thông tin từ Forbes, có tới 2/3 trong tổng số tài sản của cô đến từ cổ phần công ty Samsung C&T, chuyên về các dịch vụ nghỉ dưỡng và kinh doanh. Hiện nay cô đang giữ chức Chủ tịch chuỗi khách sạn Shilla và đồng Chủ tịch công ty Cheil Industries cùng em gái.

Lee Boo Jin

Xinh đẹp và giỏi giang, cả Lee Boo Jin và em gái Seo Hyun được xem là hình mẫu của những "nữ cường nhân" trong gia đình các chaebol Hàn Quốc.

Nữ tỷ phú là con gái lớn nhất trong gia đình 3 người con của Chủ tịch Samsung, ông Lee Kun Hee. Sinh ra trong một gia đình tài phiệt, Lee Boo Jin được nhắm trước một vị trí thừa kế tập đoàn gia đình này. Tuy nhiên, cô luôn phải làm việc chăm chỉ gấp đôi nhân viên. Từ khi mới 21 tuổi, cô được cha đưa vào công ty để học cách lãnh đạo.

Từ những năm 2010, cô luôn có mặt trong danh sách những người giàu nhất thế giới, với tổng tài sản có thời điểm cao nhất là 2,1 tỷ USD (theo thống kê tháng 8/2015).

Người sáng lập Samsung có rất nhiều tham vọng khi chọn cái tên Samsung với ý nghĩa "Ba ngôi sao", ngụ ý một doanh nghiệp lớn và vĩnh cửu. 

Sự kiểm soát của gia đình được đảm bảo bởi một mạng lưới nắm giữ cổ phần chéo phức tạp. Điều này vẫn sẽ tốt đẹp chừng nào ông chủ là người tài giỏi như Lee và con trai ông.

Người Hàn Quốc thường nói đùa rằng họ có thể sống từ lúc chào đời đến khi nhắm mắt xuôi tay tại "Cộng hòa Samsung". "Hoàng đế của Samsung hiện đang trong bệnh viện và con trai của ông, thái tử, sẽ phải ở nguyên vị trí của mình cho đến khi triều đại của hoàng đế kết thúc với cái chết của ông", Chang Sea Jin, tác giả của cuốn "Sony vs. Samsung: The Inside Story of the Electronics Giants’ Battle For Global Supremacy", cho biết.

Tin mới lên