Thị trường

Bia Sài Gòn 'tấn công' thị trường Israel qua kênh siêu thị

(VNF) - Đại diện công ty Diplomat cho hay công ty này đã bán hết sạch số lượng bia Sài Gòn lần đầu tiên được nhập khẩu vào Israel.

Bia Sài Gòn 'tấn công' thị trường Israel qua kênh siêu thị

Theo TTXVN, tại Hội chợ ẩm thực châu Á lần đầu tiên tổ chức tại thành phố Tel Aviv, Israel, sản phẩm bia Sài Gòn của Việt Nam đã chính thức xuất hiện.

Bia Sài Gòn đã được giới thiệu và quảng bá tại hội chợ thông qua công ty Diplomat, một trong những công ty xuất nhập khẩu và phân phối hàng đầu của Israel, có hệ thống phân phối rộng khắp các siêu thị và nhà hàng lớn tại Israel.

Tổng Giám đốc Diplomat, ông Roni Bornstein cho biết ông rất ấn tượng với các sản phẩm của Việt Nam trong hội chợ lần này. Lý do cho việc Diplomat quyết định nhập khẩu bia của Việt Nam vào thị trường Israel là bia Sài Gòn là một trong những sản phẩm có tiếng, có thiết kế mẫu mã đẹp cũng như chất lượng cao.

Đặc biệt, Diplomat phải mất hơn hai năm để thuyết phục các cơ quan quản lý của Israel cho nhập khẩu bia Sài Gòn vào Israel do xuất hiện nhiều rào cản từ chất lượng cho đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay, toàn bộ nhãn hiệu trên vỏ chai bia được in bằng tiếng Hebrew và theo tiêu chuẩn Koser của người Do Thái.

Theo tiết lộ của ông Roni, tại hội chợ lần này, công ty của ông đã bán hết sạch số lượng bia Sài Gòn từ lô hàng nhập khẩu đầu tiên vào Israel.

Trong khi đó, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Israel Cao Hoàng Quốc Hải cho hay để đưa được thương hiệu bia Sài Gòn vào Israel, Đại sứ quán Việt Nam đã tích cực hỗ trợ các thủ tục và giới thiệu các sản phẩm bia Việt Nam.

Đại sứ cho biết hội chợ ẩm thực lần này cũng chính là cơ hội nhằm quảng bá về ngành công nghiệp đồ uống Việt Nam tại thị trường Israel và là dịp để các doanh nghiệp và khách hàng Israel tiếp cận với các món ăn và đồ uống nổi tiếng của Việt Nam.

Hiện tại, khu vực phía Nam đang là thị trường có sức tiêu thụ lớn nhất cả nước của Sabeco. Trong nửa đầu năm 2017, doanh thu của Sabeco tăng hơn 7% cùng kỳ, đạt 15.779 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với Habeco.

Tuy nhiên, áp lực từ chi phí quảng cáo khiến lợi nhuận trước thuế của Sabeco chỉ tương đương cùng kỳ, xấp xỉ 3.000 tỷ đồng.

Trong báo cáo tại phiên họp thường niên năm 2017, Hội đồng quản trị của Sabeco cho rằng dù thị trường bia Việt Nam không còn duy trì tốc độ tăng trưởng cao như giai đoạn 2010 - 2015, nhưng Việt Nam vẫn thu hút sự gia nhập của nhiều công ty lớn với nguồn lực tài chính và kinh nghiệm.

Trong một diễn biến khác, Bộ Công Thương mới đây đã chỉ đạo bộ phận đại diện vốn nhà nước tại Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước Giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB) giới thiệu cơ hội tìm kiếm đầu tư (roadshow) cho các nhà đầu tư nước ngoài tại hai thị trường lớn là Singapore và Vương quốc Anh.

Tại các buổi roadshow này, các nhà đầu tư sẽ được đại diện Sabeco giới thiệu chung về tình hình sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp như: hệ thống các nhà máy sản xuất; các công ty con, các công ty liên doanh, liên kết; mạng lưới phân phối sản phẩm; kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong 3 năm gần nhất; tình hình tài chính; hoạt động quảng bá thương hiệu và phát triển thị trường; kế hoạch sản xuất kinh doanh năm tiếp theo …

Tin mới lên