Ngân hàng

BIS: Thị trường mới nổi sẽ chịu "đòn đau" khi Fed tăng lãi suất

(VNF) - Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) được công bố vào hôm Chủ nhật cho biết thị trường chứng khoán mới nổi có nguy cơ đối mặt với một cú sốc mạnh khi Fed tăng lãi suất.

BIS: Thị trường mới nổi sẽ chịu "đòn đau" khi Fed tăng lãi suất

Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đã cảnh báo rằng khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2006 sẽ gây ra những thiệt hại nặng nề cho các thị trường mới nổi trong năm 2016. Mức thiệt hại này có thể vượt quá những gì đã xảy ra trong năm 2013, sự kiện mà thị trường gọi là "taper tantrum".

Cộng đồng quốc tế đã từng trải qua sự kiện "taper tantrum", vụ tụt dốc mạnh của thị trường chứng khoán, kéo theo giảm giá trị đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi khi nhà đầu tư quốc tế rút vốn khỏi do kỳ vọng vào việc Mỹ tăng lãi suất và làm suy yếu sự phục hồi mong manh của kinh tế Mỹ từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Vụ việc xảy ra vào năm 2013, sau khi Chủ tịch Fed, Ben Bernanke bật đèn xanh về khả năng tăng lãi suất. Nếu Washington thực hiện tăng lãi suất trong tháng này, đây có thể một cuộc khủng hoảng tương tự sẽ lại bùng nổ và quy mô được BIS dự báo sẽ mạnh hơn nhiều.

Khi Fed tăng lãi suất sẽ trực tiếp giúp USD mạnh lên và kéo giảm giá tài sản định giá bằng USD. Việc lãi suất tăng đồng nghĩa với việc lượng tiền mà Mỹ bơm vào thị trường thế giới thông qua gói nới lỏng định lượng trước đó sẽ quay trở lại Mỹ để hưởng lợi tức cao hơn. Và như vậy, các nền kinh tế mới nổi sẽ phải hứng chịu nhiều rủi ro tài chính phát sinh khi các nguồn tiền nước ngoài đột ngột chảy ra khỏi thị trường. 

BIS cho biết, lãi suất của Fed càng cao sẽ đẩy lợi suất trái phiếu tăng, nghĩa là giá trái phiếu giảm sẽ làm tăng rủi ro lớn thị trường mới nổi trước chính sách thắt chặt của Mỹ. Các nhà đầu tư đặc biệt tại thị trường chứng khoán sẽ có xu hướng bán tháo cổ phiếu và rút vốn khỏi các thị trường này.

Tác động của việc Fed tăng lãi suất được dự báo sẽ hiện hữu ở tất cả các nền kinh tế trên thế giới, từ Trung Quốc đến Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia có tăng trưởng phụ thuộc vào chính sách siêu nới lỏng tiền tệ của Mỹ, cũng như nguồn vốn giá rẻ mà chính sách này tạo ra.

Một khi Mỹ tăng lãi suất liên bang, các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là các quốc gia vốn phải đối mặt với thâm hụt cán cân vãng lai và nợ nước ngoài lớn, tác động là không nhỏ.

Theo BIS, lãi suất tăng khiến áp lực tác động lên thị trường tiền tệ các quốc gia vốn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, sẽ trầm trọng hơn. Kể từ những đợt khủng hoảng trước, chính phủ các quốc gia này đã nỗ lực giảm phụ thuộc vào các khoản vay bằng đồng USD. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, số nợ bằng loại tiền tệ này vẫn đang ở mức cao.

"Lãi suất đồng nội tệ tại các thị trường mới nổi đang ngày càng nhạy cảm với việc Fed tăng lãi suất. Các thời kỳ hậu khủng hoảng trước đó cho thấy lãi suất trái phiếu Mỹ ảnh hưởng mạnh mẽ tới các thị trường mới nổi, ngay cả khi những nước này đều ở các giai đoạn khác nhau của chu kỳ kinh doanh. Và hiệu ứng này dường ngày cảng mạnh mẽ hơn", BIS cho biết thêm.

"Điều kiện thị trường tài chính yếu kết hợp với mức độ nhạy cảm với việc tăng lãi suất của Mỹ có thể nâng cao nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực bao trùm khắp các nền kinh tế thị trường mới nổi khi chính sách lãi suất của Mỹ được bình thường hóa lại", BIS cho hay.

Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) là một tổ chức quốc tế của các ngân hàng trung ương, thậm chí có thể nói nó là ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương trên thế giới. BIS có vai trò thúc đẩy sự hợp tác giữa các ngân hàng trung ương và các cơ quan khác để ổn định tiền tệ và tài chính. BIS cũng cung ứng các dịch vụ ngân hàng, nhưng chỉ cho ngân hàng trung ương, hoặc các tổ chức quốc tế tương tự nó. BIS được thành lập năm 1930 theo Hiệp ước Hague và có trụ sở chính tại Basel, Thụy Sĩ.

Tin mới lên