Ngân hàng

Bloomberg: Chính phủ chưa chấp thuận cho GIC mua cổ phần Vietcombank

(VNF) - Chính phủ đã từ chối chấp thuận đề nghị của GIC mua cổ phiếu của ngân hàng Vietcombank tại mức giá thấp hơn giá thị trường, nguồn tin giấu tên nói với Bloomberg.

Bloomberg: Chính phủ chưa chấp thuận cho GIC mua cổ phần Vietcombank

Theo thông tin từ Bloomberg, Chính phủ chưa chấp thận đề nghị mua cổ phần Vietcombank của quỹ GIC

Kế hoạch mua cổ phần Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - mã chứng khoán VCB) của Quỹ đầu tư GIC - quỹ đầu tư thuộc chính phủ Singapore - vẫn chưa được Chính phủ Việt Nam phê duyệt, theo nguồn tin từ Bloomberg.

Thương vụ này ban đầu được dự kiến hoàn tất vào quý IV năm 2016, tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được sự chấp thuận của Chính phủ Việt Nam. Chính phủ đã từ chối chấp thuận đề nghị của GIC mua cổ phiếu VCB ở mức giá thấp hơn giá thị trường, nguồn tin giấu tên cho hay.

"Thị trường đã biết điều này sẽ xảy ra, thỏa thuận này đã được công bố, giá thị trường cũng thay đổi", Kevin Snowball, Giám đốc điều hành quỹ PXP Vietnam Asset Management cho biết. "Tôi sẽ ngạc nhiên nếu thỏa thuận xảy ra".

Giá cổ phiếu VCB đã tăng 36% trong vòng một năm qua, đưa vốn hóa ngân hàng Vietcombank lên 6,2 tỷ USD. Theo dữ liệu của Bloomberg, cổ phiếu này đang giao dịch ở mức gấp 3 lần so với giá trị sổ sách, cao hơn so với mức trung bình 1,1 lần của các ngân hàng Việt Nam đang niêm yết trên thị trường.

Hồi tháng 8/2016, tại Singapore, đại diện Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore (GIC) đã ký kết một bản thỏa thuận ghi nhớ, theo đó GIC sẽ mua 7,73% cổ phần tính trên toàn bộ cổ phần của Vietcombank trong khuôn khổ của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Singapore nhân chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Việt Nam tại Singapore diễn ra từ ngày 28-30/8/2016.

Vietcombank ký kết biên bản thỏa thuận ghi nhớ mua 7,73% cổ phần với Quỹ đầu tư GIC của Singapore vào ngày 29/08/2016

Theo thỏa thuận ghi nhớ, GIC sẽ mua 305.810.895 cổ phần mới của Vietcombank. Theo Vietcombank tại thời điểm đó, việc đầu tư cổ phần của GIC sẽ làm tăng vốn điều lệ của Vietcombank và giúp ngân hàng chuẩn bị cho việc triển khai BASEL II cũng như duy trì vị thế dẫn đầu trong ngành ngân hàng tại Việt Nam. Khoản đầu tư của GIC là một phần trong giao dịch phát hành riêng lẻ 359.777.745 cổ phần mới của Vietcombank.

Giá trị thương vụ chưa được công bố vì phải đợi Chính phủ Việt Nam phê duyệt, nhưng theo thông tin rò rỉ, số tiền mà GIC chào mua khoảng 400 triệu USD, tương đương 9.000 tỷ đồng. Đây cũng là khoản đầu tư vào ngân hàng Việt Nam đầu tiên của GIC. 

Nếu thành công đây cũng là khoản đầu tư gián tiếp nước ngoài lớn nhất vào lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam và nằm trong số những thương vụ M&A hàng đầu.

GIC được thành lập vào năm 1981 để đảm bảo tương lai tài chính của Singapore, công ty quản lý các dự trữ ngoại hối của Singapore. GIC đang quản lý số tài sản trên 100 tỷ USD, do Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long làm Chủ tịch.

GIC tập trung vào các khoản đầu tư chủ yếu như bất động sản, cổ phần tư nhân, các loại vốn cổ phần và thu nhập cố định. Qũy có các khoản đầu tư ở trên 40 quốc gia và đã và đang đầu tư vào các thị trường mới nổi trong hơn hai thập kỷ vừa qua. 

GIC đang quản lý số tài sản trên 100 tỷ USD, do Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long làm Chủ tịch

GIC hiện đang tích cực mở rộng hoạt động ở khu vực Đông Nam Á. Hồi tháng 2, quỹ đầu tư này đã chi 5,2 nghìn tỷ rupiah (tương đương 392 triệu USD) để đổi lấy số cổ phần thiểu số ở công ty CT Corp của tỷ phú Indonesia Chairul Tanjung. Bên cạnh đó, GIC cùng Century Pacific Group Inc. Hồi tháng 3 cũng thông báo sẽ mua International Family Food Services Inc. - hãng điều hành chuỗi pizza Shakey của Philippines với một mức giá không được tiết lộ.

Theo Bloomberg, Chính phủ hiện vẫn chưa đưa ra quyết định từ bỏ hẳn thương vụ và GIC có thể nộp đơn xin phê duyệt lại.

Đại diện từ GIC, văn phòng Chính phủ Việt Nam cũng như bộ phận truyền thông của Ngân hàng Nhà nước đều từ chối bình luận. Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành và Tổng giám đốc Phạm Quang Dũng không trả lời các cuộc gọi điện thoại từ Bloomberg.

Tin mới lên