Thị trường

Bộ Công Thương đồng ý bỏ Thông tư 20, nhưng sẽ có 'văn bản tương đương'

(VNF) - Bộ Công Thương vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đó đồng ý bãi bỏ Thông tư 20, văn bản hiện đang gây tranh cãi gay gắt trên công luận.

Bộ Công Thương đồng ý bỏ Thông tư 20, nhưng sẽ có 'văn bản tương đương'

Tuy nhiên, "nội hàm" của văn bản này sẽ vẫn được giữ nguyên và việc "hạn chế xe ô tô dưới 9 chỗ nhập khẩu vào Việt Nam" đã được Bộ này kiến nghị đưa vào một văn bản cấp bộ khác.

Cụ thể, theo văn bản này này, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ 2 điểm chính như sau:

Thứ nhất, không chấp thuận đề xuất rút ngành, nghề "Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô" khỏi danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư 2014.

Thứ hai, kiến nghị giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan ban hành sớm các quy định trong nước "có tác dụng tương đương Thông tư 20", áp dụng tại khâu đăng ký lưu hành và áp dụng chung cho tất cả các loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ, bảo đảm các loại phương tiện này được bảo hành, bảo dưỡng hoặc sửa chữa theo đúng thông lệ quốc tế và đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn của Việt Nam.

Bộ Công Thương cho rằng, đầu tư kinh doanh (ĐTKD), theo định nghĩa tại khoản 5, Điều 3, Luật Đầu tư 2014, là "việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc thực hiện dự án đầu tư".

Vì thế, đối chiếu với định nghĩa này, Thông tư 20 không phải là điều kiện ĐTKD bởi không can thiệp vào việc "bỏ vốn đầu tư" để thành lập tổ chức kinh tế nhằm thực hiện hoạt động kinh doanh ô tô, mà cụ thể là sản xuất, nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ ô tô. 

Nói cách khác, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào cũng có quyền "bỏ vốn đầu tư" thành lập tổ chức kinh tế để kinh doanh ô tô mà không cần phải tuân thủ Thông tư 20.

Vì thế, Bộ Công Thương khẳng định: "Thông tư 20 đơn thuần là một thủ tục hành chính được áp dụng đối với hàng nhập khẩu tại cửa khẩu để bảo đảm một mục tiêu quản lý". 

Theo đó, nếu thương nhân nhập khẩu không đáp ứng được thủ tục này sẽ không thể hoàn thành thủ tục hải quan cho hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu.

Bộ này giải thích, các thủ tục áp dụng cho hàng nhập khẩu như vậy có rất nhiều và trong tuyệt đại đa số các trường hợp, đều không bị coi là điều kiện ĐTKD (ví dụ như Giấy chứng nhận xuất xứ, Giấy chứng nhận đã qua kiểm dịch động thực vật hay Giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu vào Việt Nam,... do cơ quan có thẩm quyền cấp).

Giới chuyên gia đánh giá rằng nếu Chính phủ chấp thuận kiến nghị này thì những bất cập trong Thông tư 20 sẽ không thay đổi và thị trường ô tô sẽ tiếp tục... gây tranh cãi như trước!

Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, VCCI đều đã khẳng định, các yêu cầu trên là điều kiện kinh doanh, chứ không phải thủ tục hành chính. Vì thế, cần phải bãi bỏ điều kiện kinh doanh này theo Điều 7 của Luật Đầu tư.

Bỏ hay không bỏ Thông tư 20 hiện đã trở thành một "phép thử" mới đối với Chính phủ mới mà người đứng đầu là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mạnh mẽ tuyên bố rằng sẽ quyết tâm cắt bỏ các giấy phép con không phù hợp, phấn đấu là một "Chính phủ kiến tạo" để góp phần thúc đẩy kinh tế!

Tin mới lên