Thị trường

Bộ Công thương nói gì về việc giá thép tăng nhanh?

(VNF) - Bộ Công thương cho rằng, có thể trong thời gian tới, giá thép dài và phôi thép sẽ tăng ở mức độ nhất định để đảm bảo lợi nhuận hợp lý cho ngành sản xuất thép trong nước.

Bộ Công thương nói gì về việc giá thép tăng nhanh?

Bộ Công thương nói gì về việc giá thép tăng nhanh?

Sau khi Bộ Công thương ban hành quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam, giá thép trong nước cũng như nhập khẩu đều tăng mạnh. Có nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp nội đã nhân cơ hội này để đầu cơ, tích trữ hàng chờ cơ hội để đẩy giá lên cao.

Bộ Công thương cho rằng, đây có thể là hiện tượng xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn do tâm lý tích trữ của các nhà nhập khẩu và các doanh nghiệp tiêu thụ thép trên thị trường.

Tuy nhiên, với lượng tồn kho lớn của các doanh nghiệp sản xuất thép hiện nay và việc ngành thép của Việt Nam đang hoạt động ở mức khoảng 50% công suất thiết kế, có thể dễ dàng gia tăng sản lượng khi thị trường có tín hiệu tích cực thì hiện tượng này sẽ sớm chấm dứt.

Theo Bộ Công thương, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất phôi thép trong nước đều chịu thiệt hại nghiêm trọng từ việc giá bán phôi thép Trung Quốc sụt giảm nhanh chóng trong thời gian gần đây, đặc biệt trong năm 2015 (giảm 27%). Các chỉ số về doanh thu, lợi nhuận và công suất sử dụng của ngành sản xuất phôi thép trong nước đều sụt giảm mạnh, tồn kho gia tăng trong năm 2015.

Những doanh nghiệp chỉ sản xuất phôi hầu như đã phải dừng lò hoặc hoạt động cầm chừng, ảnh hưởng lớn đến lực lượng lao động trong ngành. Trong đó, Công ty thép Việt Trung có công suất 500.000 tấn/năm đã phải dừng sản xuất, có nguy cơ phải đóng cửa mặc dù mới chỉ đi vào hoạt động từ năm 2014.

Cũng theo Bộ Công thương, trên thị trường thép hiện nay không có doanh nghiệp nào chiếm vị trí thống lĩnh thị trường (từ 30% thị phần trở lên). Đối với sản phẩm phôi thép, trên thị trường có 14 doanh nghiệp lớn với lượng sản xuất chiếm gần 73% thị phần, trong đó lớn nhất là Hoà Phát chiếm gần 25% thị phần và hàng trăm doanh nghiệp nhỏ với tổng lượng sản xuất chiếm 27% thị phần.

Đối với sản phẩm thép dài, trên thị trường có 21 doanh nghiệp lớn với thị phần chiếm gần 93%, trong đó lớn nhất là Hoà Phát chiếm gần 20% thị phần và hàng chục doanh nghiệp nhỏ với tổng lượng sản xuất chiếm 7% thị phần.

Bộ Công thương cho rằng, có thể trong thời gian tới, giá thép dài và phôi thép sẽ tăng ở mức độ nhất định để đảm bảo lợi nhuận hợp lý của ngành sản xuất trong nước nói chung, không phải của riêng một công ty nào.

Điều này là phù hợp với mục tiêu của biện pháp tự vệ và để giảm bớt thiệt hại của ngành sản xuất trong nước. Tuy nhiên, xem xét mức độ tập trung trên thị trường, mức độ tồn kho hàng hoá và tỷ lệ sử dụng công suất toàn ngành hiện nay, khả năng các doanh nghiệp thép lợi dụng chính sách thuế tự vệ để chi phối thị trường và tăng giá quá mức gây thiệt hại cho người tiêu dùng là khó xảy ra.

Vừa qua, đã có 7 đơn vị sản xuất thép dài trong nước từ phôi nhập khẩu đã đề nghị Bộ Công thương loại bỏ mặt hàng phôi thép ra khỏi phạm vi điều tra. Trong tháng 4/2016, Bộ sẽ làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp phản đối này để làm rõ cơ sở, lập luận của các doanh nghiệp đối với kiến nghị loại bỏ phôi thép ra khỏi phạm vi áp dụng biện pháp tự vệ.

Qua đó, Bộ Công thương sẽ phân tích, đánh giá tất cả các ý kiến bình luận liên quan đến vụ việc dựa trên quy định của WTO và pháp luật Việt Nam, để đưa ra báo cáo cuối cùng trên cơ sở khách quan, có tính đến lợi ích kinh tế - xã hội tổng thể và ảnh hưởng đến từng phân khúc sản xuất.

Tin mới lên