Thị trường

Bộ Công Thương tiếp tục ‘khai tử’ Nghị định 19 về kinh doanh khí

(VNF) - Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ký quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định thay thế Nghị định số 19 của Chính phủ ban hành ngày 22/3/2016 về kinh doanh khí.

Bộ Công Thương tiếp tục ‘khai tử’ Nghị định 19 về kinh doanh khí

Sau khi loại bỏ, đơn giản hóa 18 thủ tục về kinh doanh khí, Bộ Công Thương tiếp tục sửa đổi Nghị định 19

Ban soạn thảo sẽ có 17 thành viên do Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa làm trưởng ban. Còn Tổ biên tập Nghị định sửa đổi có 16 thành viên do Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công Thương làm Tổ trưởng.

Các thành viên còn lại thuộc Ban soạn thảo và Tổ biên tập là đại diện các Vụ, Cục thuộc các Bộ ngành như Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, Bộ Tư pháp...

"Ban soạn thảo, Tổ biên tập có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thành việc soạn thảo Nghị định đảm bảo chất lượng, theo đúng tiến độ và các thủ tục do pháp luật quy định, đồng thời tự giải thể sau khi Nghị định được ban hành", Bộ Công Thương cho biết.

Điều kiện kinh doanh khí quy định tại Nghị định 19 thay thế Nghị định 107 có hiệu lực thi hành ngày 15/5/2016. Các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp kinh  doanh khí cho rằng Nghị định 19 đòi hỏi điều kiện quá cao về cơ sở vật chất như số lượng bình gas quá nhiều, kho chứa quá lớn… Điều này vừa không phù hợp với yêu cầu của thị trường vừa gây khó khăn, tạo rào cản rất lớn cho các doanh nghiệp nhỏ, tạo vị thế độc quyền cho các doanh nghiệp lớn...

Bộ Công Thương tiếp tục ‘khai tử’ Nghị định 19 về kinh doanh khí ảnh 1

Nghị định 19 bị đánh giá có nhiều quy định bất hợp lý, tạo rào cản cho các doanh nghiệp kinh doanh khí

Tại "Hội nghị lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về quy định thủ tục hành chính ngành Công Thương năm 2016", tổ chức hồi tháng 9 năm ngoái, đại diện các doanh nghiệp kinh doanh khí đã nêu ra một loạt điểm bất hợp lý của Nghị định 19.

Chẳng hạn đại diện doanh nghiệp cho rằng quy định tại Điều 11 "tổng đại lý kinh doanh LPG phải có kho tối thiểu 2.000 chai LPG thuộc sở hữu, đồng sở hữu hoặc thuê tối thiểu một năm; có hệ thống phân phối gồm cửa hàng bán gas hoặc trạm cấp, trạm nạp gas với tối thiểu 10 đại lý" là không phù hợp.

Quy định tại Điều 23 về quyền và nghĩa vụ của đại lý kinh doanh LPG: lựa chọn, ký hợp đồng làm đại lý cho một tổng hoặc 3 thương nhân kinh doanh gas đầu mối cũng hoàn toàn bất cập.

Ngay cả đối với việc cấp Giấy chứng nhận làm tổng đại lý kinh doanh gas, Nghị định 19 và Thông tư 03 cũng quy định luẩn quẩn, mâu thuẫn lẫn nhau và đánh đố doanh nghiệp. Đó là muốn làm tổng đại lý kinh doanh gas thì phải có cửa hàng bán gas nhưng để có cửa hàng bán gas thì phải có điều kiện làm tổng đại lý.

Do đó, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị Bộ Công Thương tiến hành sửa đổi, bổ sung các nội dung của Nghị định 19 để "cởi trói" cho lĩnh vực kinh doanh khí.

Trước đó, vào giữa tháng 12/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký "Quyết định Phê duyệt Phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương năm 2017", xóa bỏ 15 thủ tục hành chính và đơn giản hóa 108 thủ tục khác trong số 443 thủ tục ở 19 lĩnh vực kinh doanh từ cấp xã tới cấp trung ương, tương đương với đơn giản hóa 27,8% tổng số thủ tục hành chính hiện có.

Các lĩnh vực đơn giản hóa thủ tục của Bộ gồm kiểm tra chất lượng thép sản xuất, nhập khẩu (5 thủ tục), thương mại quốc tế (3 thủ tục), công nghiệp nặng (2 thủ tục), sản xuất kinh doanh thuốc lá (6 thủ tục), kinh doanh rượu (19 thủ tục), xăng dầu (15 thủ tục), an toàn thực phẩm (12 thủ tục), xuất nhập khẩu (8 thủ tục), xúc tiến thương mại (5 thủ tục), quản lý cạnh tranh (1 thủ tục)... Và đối với lĩnh vực kinh doanh khí là 18 thủ tục.

Tin mới lên