Tài chính

Bộ GTVT không khuyến khích cổ phần hoá trường học, bệnh viện

(VNF) - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh: Bộ GTVT không chủ trương xã hội hoá bệnh viện, trường học. Đồng thời, dừng triển khai cổ phần hoá (CPH) 5 đơn vị sự nghiệp công lập.

Bộ GTVT không khuyến khích cổ phần hoá trường học, bệnh viện

Tập đoàn T&T đang muốn thoái toàn bộ vốn tại Bệnh viện giao thông vận tải

Đó là những nội dung đáng chú ý tại báo cáo số 8357/BGTVT – KHĐT của Bộ GTVT về đánh giá giữa kỳ giai đoạn 2016-2020 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2019.

Dừng CPH nhiều đơn vị sự nghiệp

Ông Nguyễn Ngọc Đông cho biết thêm, 5 đơn vị không CPH gồm 3 bệnh viện (Nam Thăng Long, GTVT Vinh, Đà Nẵng) và 2 trường học (Học viện hàng không và Trung cấp nghề Thăng Long).

“Ngoài ra, Bộ GTVT cũng dừng triển khai CPH 3 Công ty mẹ. Đó là các Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam; Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long; Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ và 7 doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty này do đang phải cơ cấu tài chính nên chưa đủ điều kiện CPH”, ông Đông nói.

Ông Đông cho biết thêm, trong lĩnh vực đăng kiểm, sau khi phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, thẩm định, cơ quan liên bộ đã báo cáo Chính phủ và được Chính phủ chấp thuận chưa CPH các Trung tâm đăng kiểm do Cục đăng kiểm Việt Nam quản lý.

“Đối với trường hợp Bệnh viện Giao thông vận tải (đã chuyển sang mô hình công ty cổ phần trước đó) bắt buộc phải điều chỉnh vốn điều lệ, tăng phần vốn nhà nước tại bệnh viện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, ông Đông nói.

Trục lợi “đất vàng” từ cổ phần hoá

Theo các chuyên gia giao thông, việc cổ phần hoá các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt là các trường học, bệnh viện chưa đem lại hiệu quả cao. Thậm chí, tại một số đơn vị, việc CPH chỉ mang hình thức núp bóng để “thôn tính” vì mục tiêu “đất vàng”. Một số đơn vị sau CPH vài năm bị co hẹp, không làm đúng chuyên ngành. Còn quỹ đất nơi đó để cho thuê, hoặc sử dụng mục đích khác...

Ví dụ như trường hợp Tổng công ty vận tải thuỷ (Vivaso), khi thực hiện CPH chỉ định giá khoảng 327 tỷ đồng, nhưng điều đáng nói là sau CPH một doanh nghiệp lớn của nhà nước với hàng trăm đoàn tàu, rất nhiều tài sản khác, cùng hàng trăm lao động nay đã không còn. Đơn vị này dường như chỉ hoạt động cầm chừng, quy mô dần thu hẹp, lao động bỏ việc.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, ông Nguyễn Thủy Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty Liên hợp Xây dựng Vạn Cường, Chủ tịch Vivaso sau đó còn gây chấn động dư luận khi tham gia vào thương vụ mua bán Hãng Phim truyện Việt Nam. Sự vụ thu hút sự chú ý của nhiều người trong đó có giới văn nghệ sỹ, còn báo giới khi đó hóm hỉnh rằng, sự thật phía sau việc “thủy thủ đi làm phim” chính là khu đất vàng nhiều mặt tiền ven hồ Tây (Hà Nội)?

Một ví dụ khác trong việc CPH ngành giao thông là Công ty Cổ phần Hàng hóa Nội Bài, thuộc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Hiện không rõ thương vụ CPH này ra sao nhưng theo nguồn tin của VietnamFinance, nhiều người lao động bức xúc vì CPH như đánh úp, ngay cả người của công ty cũng không biết. Sau khi CPH nhiều đơn vị của Vietnam Airlines và cả công ty mẹ phải đi thuê lại tài sản của chính công ty được CPH với giá hàng trăm tỷ đồng/năm.

Rõ ràng, câu chuyện CPH không hề đơn giản, nếu không kiểm soát tốt, hàng nghìn tỷ đồng của nhà nước sẽ bị định giá thấp, thất thoát, lợi bất cập hại.

Tin mới lên