Tiêu điểm

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Bãi bỏ thêm 21 ngành nghề kinh doanh có điều kiện

(VNF) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, trong đó có nội dung bãi bỏ thêm 21 ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Bãi bỏ thêm 21 ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Logistics là một trong 21 ngành nghề sẽ được loại ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện

Bỏ thêm 21 ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Tại dự thảo Luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã bãi bỏ 21 ngành nghề kinh doanh có điều kiện do không đáp ứng yêu cầu đặt ra vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng (theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư).

21 ngành nghề được bãi bỏ, gồm: Kinh doanh dịch vụ xoa bóp; kinh doanh dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại; kinh doanh dịch vụ mua bán nợ; sản xuất, sửa chữa chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (chai LGP);

Xuất khẩu gạo; kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh; nhượng quyền thương mại; kinh doanh dịch vụ logistic; kinh doanh vận tải biển, dịch vụ đại lý tàu biển; kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản;

Kinh doanh xuất khẩu gạo sẽ không còn bị trói bởi điều kiện kinh doanh 

Kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, vận hành nhà chung cư; kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư; kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành cơ sở hỏa táng;

Kinh doanh dịch vụ lập quy hoạch đô thị do tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện; kinh doanh sản phẩm amiăng trắng thuộc nhóm Serpetine; kinh doanh dịch vụ in, trừ in bao bì; sản xuất mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy;

Kinh doanh dịch vụ sản xuất, phát hành và phổ biến phim; kinh doanh dịch vụ lữ hành; kinh doanh dịch vụ biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, tổ chức thi người đẹp, người mẫu; kinh doanh dịch vụ giới thiệu sản phẩm quảng cáo đến công chúng.

Cùng với việc bãi bỏ 21 ngành nghề, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng bổ sung thêm 2 ngành nghề vào danh mục kinh doanh có điều kiện để thống nhất với Luật Lâm nghiệp và Luật Thủy sản, gồm: Tư vấn lập quy hoạch lâm nghiệp và đăng kiểm tàu cá.

Bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài

Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Luật là Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Thay vào đó là cơ chế đăng ký hoạt động chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài tại Cơ quan nhà nước quản lý ngoại hối.

Giải trình về thay đổi này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định việc bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài không phải là giải pháp nhằm tự do hóa dòng vốn đầu tư ra nước ngoài, cũng như không đồng nghĩa với việc từ bỏ hay nới lỏng quản lý nhà nước đối với hoạt động này.

"Việc này chỉ nhằm thay đổi phương thức quản lý nhà nước từ chế độ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sang chế độ quản lý, sử dụng dòng vốn đầu tư ra nước ngoài trên cơ sở phân định rõ trách nhiệm của nhà đầu tư và trách nhiệm của từng cơ quan quản lý chuyên ngành", Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Cụ thể, đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước (đối với dự án sử dụng vốn nhà nước) và người có thẩm quyền của doanh nghiệp theo quy định pháp luật về doanh nghiệp (đối với dự án sử dụng nguồn vốn khác), quyết định và chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động đầu tư ở nước ngoài.

Còn cơ quan quản lý ngoại hối chịu trách nhiệm quản lý, kiểm soát nguồn vốn chuyển ra nước ngoài nhằm đảm bảo để nhà đầu tư sử dụng đúng mục đích và tuân thủ quy định của pháp luật ngoại hối.

Ngoài ra, theo chức năng, thẩm quyền, Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan tham gia quản lý nguồn vốn và tài sản nhà nước chuyển ra nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư. 

Sẽ bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng các nước trên thế giới đều chỉ thực hiện chế độ kiểm soát dòng tiền chuyển ra nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư và có chính sách cấm, hạn chế chuyển tiền ra nước ngoài trong một số trường hợp nhất định để đảm bảo cân đối vĩ mô cũng như tính hợp pháp của nguồn tiền, mà không quản lý toàn bộ hoạt động đầu tư ở nước ngoài. Lý do là những hoạt động này được thực hiện tại nước tiếp nhận đầu tư và phải tuân thủ pháp luật của nước đó.

"Luật Đầu tư và Nghị định số 83/2015/NĐ-CP quy định việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài và quản lý hoạt động của dự án với nội dung khá rộng, bao quát toàn bộ hoạt động đầu tư ở nước ngoài (như mục tiêu, quy mô, địa điểm, phạm vi hoạt động, tổng vốn đầu tư…). Quy định như vậy không rõ ràng về mục tiêu quản lý của nhà nước đồng thời cũng không khả thi bởi các hoạt động đầu tư ở nước ngoài phải tuân thủ pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư", Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.

Ngoài ra, Bộ cũng cho biết cùng với việc đổi mới cơ chế quản lý theo phương án nêu trên, Chính phủ sẽ quy định rõ quyền, nghĩa vụ và tránh nhiệm của nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài.

Như vậy, cơ chế mới không làm mất đi công cụ quản lý hoạt động đầu tư ra nước ngoài, mà trái lại góp phần củng cố công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này phù hợp chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cho nhà đầu tư.

UBND cấp tỉnh được tăng quyền

Một điểm đáng chú ý khác của dự thảo Luật là việc sửa đổi các quy định về hồ sơ, nội dung thẩm định, nội dung quyết định chủ trương đầu tư.

Theo đó, dự thảo Luật bãi bỏ quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án có quy mô vốn đầu tư từ 5.000 tỷ đồng trở lên; bổ sung thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án thực hiện tại địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

Đồng thời, phân cấp cho UBND cấp tỉnh và Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế quyết định chủ trương đầu tư đối với một số dự án phù hợp với quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc ủy quyền phê duyệt.

Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung Điều 32 để quy định rõ phạm vi dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh; bổ sung thẩm quyền của UBND cấp tỉnh trong việc quyết định chủ trương đầu tư dự án của nhà đầu tư nước ngoài trong một số địa bàn; phân cấp cho UBND cấp huyện quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án do hộ gia đình, cá nhân thực hiện.

Thời hạn góp vốn điều lệ được nâng lên 36 tháng

Đối với việc sửa đổi các quy định của Luật Doanh nghiệp, dự thảo Luật có điểm đáng chú ý là sửa đổi khoản 2, Điều 48; Khoản 2 Điều 74 và Khoản 1 Điều 112 Luật Doanh nghiệp theo hướng thay đổi thời hạn góp vốn điều lệ khi thành lập doanh nghiệp từ 90 ngày thành 36 tháng.

Việc này theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư là "để bảo đảm tính khả thi, đủ thời gian cần thiết cho thành viên, cổ đông góp vốn điều lệ, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn".

Ngoài ra, dự thảo cũng sửa đổi một số điều nhằm thống nhất với các quy định của Luật Căn cước công dân và Luật Hộ tịch.

Được biết dự thảo Luật sẽ trình Quốc hội khoá XIV xem xét cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2018) theo quy trình một kỳ họp và soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn. 

Tin mới lên