Tài chính

Bộ Tài chính lên tiếng về việc nhiều dự án đầu tư bị ‘đội vốn’

(VNF) - Chiều 25/5, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo chuyên đề về tăng cường kỷ luật, kỷ cương ngân sách nhà nước. Tại buổi họp báo, đại diện Bộ Tài chính đã lên tiếng về việc nhiều dự án đầu tư bị “đội vốn”.

Bộ Tài chính lên tiếng về việc nhiều dự án đầu tư bị ‘đội vốn’

Bộ Tài chính lên tiếng về việc nhiều dự án đầu tư bị ‘đội vốn’. (Ảnh minh hoạ)

Cụ thể, trả lời câu hỏi của báo giới về nguyên nhân nhiều dự án đầu tư bị "đội vốn" nhiều lần so với mức đầu tư được phê duyệt ban đầu, ông Lê Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho biết pháp luật về đầu tư và xây dựng hiện hành (Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng) đã quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp trong lập, thẩm định và quyết định đầu tư dự án; đồng thời cũng đã quy định rõ điều kiện được điều chỉnh dự án. Đối với dự án đầu tư công, bộ trưởng và chủ tịch UBND tỉnh, thành là người quyết định đầu tư.


Do vậy, quá trình thực hiện nếu có điều chỉnh không đúng thì trách nhiệm đầu tiên thuộc chủ đầu tư, cơ quan thẩm định và người phê duyệt điều chỉnh; các cá nhân, tổ chức sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.



Theo đại diện Bộ Tài chính, có nhiều nguyên nhân dẫn đến "đội vốn", gồm cả khách quan và chủ quan. Với các nguyên nhân khách quan, có thể việc điều chỉnh dự án và tăng vốn là cần thiết.
“Đối với các nguyên nhân chủ quan, cần có phân tích, đánh giá cụ thể đối với từng dự án để xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện, từ đó quy đúng trách nhiệm...”, ông Lê Tuấn Anh nói.



Theo ông Tuấn Anh, những nguyên nhân dẫn đến đội vốn được xác định như: chất lượng khâu lập dự án ban đầu kém, dự án được lập sơ sài, thiếu thực tế; chất lượng thẩm định dự án không cao, khi đi vào thực hiện mới phát sinh, đòi hỏi phải điều chỉnh, tăng vốn; khâu tổ chức thực hiện không đồng bộ dẫn đến kéo dài thời gian dự án (giải tỏa mặt bằng chậm, vốn bố trí không đủ, nhà thầu không đủ năng lực, thi công kéo dài...); thiếu kiên quyết trong chỉ đạo, thực hiện của các cấp quản lý, theo dõi và thực hiện.



Để hạn chế việc các dự án “đội vốn”, theo ông Lê Tuấn Anh, các đơn vị cần nghiêm túc thực hiện đúng quy định khi triển khai dự án. Bên cạnh đó, cần tăng cường phản biện độc lập trong lựa chọn quyết định đầu tư; giám sát, kiểm tra nghiêm túc và có chế tài xử lý mạnh và ngay.

Lo ngại rủi ro nợ công


Cũng tại buổi họp báo, đại diện Bộ Tài chính cho biết cơ bản đồng tình với nhận định của WB về việc nợ công có xu hướng tăng cao trong một số năm vừa qua, đặc biệt là giai đoạn 2011 - 2015. Nợ công tăng nhanh trong giai đoạn này, chủ yếu là do bội chi ngân sách nhà nước còn cao. Trong khi đó Chính phủ vẫn phải huy động vốn trái phiếu cho các công trình, dự án trọng điểm. 

Bộ Tài chính cũng lý giải, trong điều kiện còn thâm hụt ngân sách, đương nhiên nợ của Chính phủ sẽ tiếp tục tăng về giá trị tuyệt đối. Nghĩa vụ trả nợ gốc do đó cũng tăng lên. Mặt khác, trong giai đoạn 2011-2014, thị trường trái phiếu trong nước còn chưa phát triển, thanh khoản thị trường chưa cao nên Chính phủ phải huy động trái phiếu kỳ hạn ngắn, lãi suất cao dẫn đến áp lực trả nợ lớn.

Theo cơ quan này, thời gian gần đây, Chính phủ đã thành công trong việc giảm tốc độ tăng nợ công, kiểm soát và giảm dần bội chi ngân sách. Tỷ lệ nợ công trên GDP tính đến cuối năm 2017 đã giảm. Dư nợ công đến năm 2017 ở mức 61,4% GDP (năm 2016 là 63,8%), nợ Chính phủ ở mức 51,8% GDP (năm 2016 là 52,8%), trong giới hạn được Quốc hội cho phép.

Nợ được Chính phủ bảo lãnh cũng đã giảm, hiện bằng khoảng 9% GDP từ mức khoảng gần 12% trong một số năm qua.

Để kiểm soát tình trạng này, tới đây, Bộ Tài chính cho biết đầu tư từ nguồn vốn vay công chỉ tập trung cho các dự án quan trọng, kiểm soát tốc độ gia tăng dư nợ công thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ trượt giá. Việc giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi chỉ giới hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Hiện hạn mức được Quốc hội quy định không quá 300.000 tỷ đồng giai đoạn 2016-2020.

Trước đó, một báo cáo đánh giá chi tiêu công của Việt Nam do Ngân hàng thế giới (WB) công bố cuối năm 2017 đã chỉ ra chi ngân sách đang tiếp tục tăng cao. Trong đó chi thường xuyên chiếm tỷ trọng ngày càng lớn (70% tổng chi ngân sách hàng năm, thậm chí có năm lớn hơn). Cùng với chi nuôi bộ máy, chi trả nợ cũng ngày càng tăng và trở thành gánh nặng lớn. 

Bên cạnh đó, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của Việt Nam tiếp tục tăng lên. Dù Chính phủ vẫn đảm bảo trả nợ nhưng hệ số thanh toán trả nợ khá cao. Mặt khác, lãi suất vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài tăng lên làm tăng chi phí huy động vốn và nghĩa vụ trả nợ. Đại diện WB cho rằng nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những quan ngại nghiêm trọng về bền vững tài khóa.

Tin mới lên