Tiêu điểm

Bộ Xây dựng xin giữ lại 6 tổng công ty

Trong khi tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đang được thúc đẩy, Bộ Xây dựng lại đang muốn giữ lại 6 tổng công ty thay vì chuyển giao cho SCIC

Bộ Xây dựng xin giữ lại 6 tổng công ty

Bộ Xây dựng vẫn muốn các doanh nghiệp như Lilama tiếp tục là "doanh nghiệp trực thuộc"

Bộ Xây dựng vừa có văn bản xin Thủ tướng được giữ lại một số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã cổ phần hóa thay vì phải chuyển về SCIC theo quy định, trong bối cảnh Bộ này là đơn vị thực hiện tái cơ cấu DNNN rất chậm. 

Theo văn bản số 2600/BXD-QLDN ngày 4/11/2015, Bộ Xây dựng đã xin giữ lại một số DNNN đã cổ phần hóa cho đến hết năm 2020. Lý do được Bộ đưa ra là rất cần những doanh nghiệp đã cổ phần hóa có năng lực vượt trội này. 

Các doanh nghiệp bộ "xin được giữ lại" gồm Tổng công ty Viglacera - CTCP đang thực hiện nhiệm vụ và chiến lược nhà ở xã hội, an sinh xã hội; Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) thực hiện chiến lược ngành cơ khí trọng điểm của quốc gia; Tổng công ty xây dựng và phát triển hạ tầng (Licogi) thực hiện các công trình ngầm đặc thù; Tổng công ty đầu tư nước và môi trường Việt Nam - CTCP (Viwaseen) thực hiện chiến lược xử lý môi trường và chất thải mang tính vĩ mô; Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng - CTCP và Tổng công ty xây dựng Hà Nội - CTCP thực hiện chiến lược xây dựng những công trình dân dụng lớn, phức tạp và đặc thù, đòi hỏi phải có trình độ năng lực quản lý, chuyên môn sâu về kỹ thuật và công nhân lành nghề đã được đào tạo và trải qua nhiều công trình lớn của quốc gia.

Theo một chuyên gia về cải cách DNNN, dây không phải là trường hợp đặc biệt. Một số bộ, ngành, địa phương vẫn hay khất lần việc chuyển đổi sở hữu này. Thậm chí, một số bộ, ngành sau khi chuyển còn "xin lại" với nhiều lý do khác nhau. 

Điều đáng nói, Bộ Xây dựng là một trong những bộ thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn chậm nhất hiện nay. Theo kế hoạch năm 2015, Bộ Xây dựng phải thực hiện cổ phần hóa 15 doanh nghiệp. Nhưng đến ngày 20/10, Bộ này mới chỉ thực hiện được 1 doanh nghiệp. 

Đối với việc thoái vốn đầu tư thuộc 05 lĩnh vực nhạy cảm, rất nhiều doanh nghiệp do Bộ Xây dựng làm chủ sở hữu cũng chưa đạt tiến độ đề ra. Chẳng hạn, tại Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), tính đến ngày 7/10 vẫn còn mắc kẹt 60,6 tỉ đồngđầu tư vào Ngân hàng SHB. 

Đến nay, Lilama vẫn chưa có kế hoạch cụ thể thoái 58,5 tỷ đồng đầu tư tại Công ty cổ phần Lilama Land như kế hoạch đã được phê duyệt. Tương tự là khoản đầu tư 190 tỷ đồng của Tổng công ty Sông Đà tại Công ty Tài chính cổ phần Sông Đà; trong khi Tổng công ty Vật liệu Xây dựng Số 1 còn phải thoái 6,7 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Chứng khoán Sen Vàng. 

Với Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và Khu công nghiệp Sông Đà, Công ty TNHH một thành viên Phát triển nhà Khánh Hòa thuộc Tổng công ty Sông Đà, đến nay Bộ Xây dựng vẫn chưa phê duyệt phương án thoái vốn.

Tin mới lên