Tiêu điểm

Bộ Y tế ban hành văn bản trái ý kiến Thủ tướng

(VNF) – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam không yêu cầu doanh nghiệp phải sử dụng muối Iod trong chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế thừa lệnh Bộ trưởng ký một công văn hoàn toàn trái ý kiến kết luận.

Bộ Y tế ban hành văn bản trái ý kiến Thủ tướng

Ảnh minh họa

Ngày 20/9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra Bộ Y tế về công tác kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Tại buổi họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu 5 vấn đề thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.

Thứ nhất là việc ban hành văn bản hành chính không đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Cụ thể, sau nhiều cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã kết luận không quy định yêu cầu doanh nghiệp phải sử dụng muối iod trong chế biến thực phẩm mà chỉ yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất muối phải bổ sung iod. Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế thừa lệnh Bộ trưởng ký một công văn hoàn toàn trái ý kiến kết luận.

Thứ hai là việc thực hiện Quyết định 2026 của Thủ tướng, Bộ đã thực hiện 5 nhiệm vụ được giao về sửa đổi các văn bản liên quan tới quản lý chuyên ngành, còn 4 nhiệm vụ đang thực hiện. Trong đó, doanh nghiệp quan tâm nhất tới việc sửa đổi Nghị định 38 năm 2012 về an toàn thực phẩm. Còn tại Nghị quyết 19 năm 2017, Bộ được giao 7 nhiệm vụ.

Thứ ba, Bộ còn chậm sửa đổi các văn bản liên quan tới ghi nhãn phụ, công bố hợp quy, công bố sự phù hợp. Hiện danh mục hàng hóa bị kiểm tra còn chồng chéo. Hiện còn nhiều mặt hàng như nước đá chịu sự quản lý của cả Bộ Y tế và Bộ Công Thương, mặt hàng men sống vừa chịu sự quản lý của Bộ Y tế, vừa của Bộ NN&PTNT.

Thứ tư, danh mục hàng hóa đã ban hành nhưng chưa có mã HS hoặc chưa có danh mục.

Thứ năm, bất cập trong phương thức kiểm tra, đây là vấn đề doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng quan tâm nhất.

"Chúng ta đặt vấn đề an toàn sức khỏe, nhưng nói một đằng làm một nẻo. Tại cảng kiểm tra mà không có sản phẩm, chỉ kiểm tra hồ sơ. Còn thực tế thì doanh nghiệp mang một sản phẩm khác lên Núi Trúc làm. Chúng tôi có đủ cơ sở để nói việc này, các doanh nghiệp kêu rất nhiều, chúng ta không thể bao biện được. Xin phép Bộ trưởng phải nói rõ như thế.

Như tinh thần của Thủ tướng là phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp, loại bỏ lợi ích nhóm. Đây là dư địa cho tăng trưởng trong bối cảnh chúng ta quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay" Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chỉ ra rằng: "Trong số 30 triệu ngày công và 14.300 tỷ mà doanh nghiệp phải tốn kém cho kiểm tra chuyên ngành thì riêng 5 nội dung kiểm tra của Bộ Y tế đã tốn 28 triệu ngày công và 12.208 tỷ đồng" .

Bộ Y tế tiến hành kiểm tra còn chồng chéo, một mặt hàng chịu điều chỉnh nhiều văn bản, chịu sự kiểm tra của nhiều bộ, nhiều cơ quan.

Tỷ lệ kiểm tra rất nhiều, nhưng làm hồ sơ rất nhiều, kiểm tra sản phẩm thì ít, tỷ lệ phát hiện chỉ 0,06%, tỷ lệ rất nhỏ, trong khi kiểm tra chủ yếu bằng thủ công, bằng cảm quan, không có quy chuẩn, tiêu chuẩn.

Tổng hợp lại năm 2016, các doanh nghiệp phải tốn 30 triệu ngày công cho kiểm tra chuyên ngành với chi phí 14.300 tỷ đồng.

Được biết, tại buổi họp Chính phủ tháng 8, Thủ tướng đã nói năm 2017 là năm giảm chi phí chính thức và chi phí chính thức phục vụ cho tăng trưởng. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Bộ Y tế là Bộ đầu tiên xung phong giảm mặt hàng, thủ tục phải kiểm tra, thay đổi phương thức kiểm tra. Tuy nhiên, cho đến nay, với 5 nội dung kiểm tra chuyên ngành, Bộ Y tế chiếm tới 86% trong tất cả các Bộ.

Tin mới lên