Diễn đàn VNF

'Brexit cho thấy toàn cầu hoá, nhất thể hoá đang bị thách thức'

(VNF) - Tại cuộc tọa đàm "Thiên nga đen" Brexit và ứng xử của Việt Nam" tổ chức chiều 28/6, các chuyên gia kinh tế đã nhấn mạnh tới những tác động to lớn của sự kiện này lên nền kinh tế thế giới.

'Brexit cho thấy toàn cầu hoá, nhất thể hoá đang bị thách thức'

Theo TS.Lê Đăng Doanh, người Anh đã có cuộc tranh luận hết sức gay gắt về việc có ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay không trong đó có 2 luồng ý kiến, một luồng ý kiến cho rằng nước Anh đã phải đóng góp tài chính quá nhiều đối với EU, tuy nhiên điều này không chính xác lắm.

Thứ hai, người Anh không chấp nhận EU có thể cho người dân của Liên minh châu Âu sang cư trú tại Anh, làm việc tại Anh lấy đi chỗ lao động của người Anh và được hưởng chế độ phúc lợi rất cao, hào phóng của Anh.

Thứ ba, người Anh không muốn Liên minh châu Âu áp đặt cho người Anh những tiêu chí phải tiếp nhận người tị nạn và người Anh vốn tự hào, rất có ý thức về quyền độc lập của mình nên người Anh tỏ ra khó chịu về việc phải tuân thủ theo những quyết định của Hội đồng châu Âu mà họ cho rằng đây là hoạt động không dân chủ vì những người này không được người Anh trực tiếp bầu ra.Vì vậy cho nên có vận động và đi đến đến quyết định như vậy.

"Thực ra, một số lập luận nêu trên của người Anh có phần không chính xác, chẳng hạn đa số những người ở Liên minh châu Âu vào Anh làm việc là những người Ba Lan đang làm những công việc rất vất vả với đồng lương thấp. Nếu đuổi những người Ba Lan ra, chưa chắc người Anh đã sẵn sàng làm việc này", ông Doanh nói.

Chuyên gia cho rằng điều quan trọng những người già ở Anh bỏ phiếu rời EU còn những người trẻ ở Anh lại hối hận, tức giận, cho rằng những người già đã cướp đi của họ quyền tự do đi lại, quyền tự do tìm việc làm và nhiều lợi ích..."

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng việc bỏ phiếu đã "gây ra chấn động về chính trị trên toàn thế giới, người ta không đón nhận thông tin này và khi thông tin xuất hiện mọi người đều ngỡ ngàng, bản thân những người lãnh đạo tại EU cũng ngã ngửa".

"Người ta nói đến cuộc "tàn sát" của thị trường chứng khoán trên thế giới, số liệu cho thấy thị trường mất đi hơn 2.000 tỷ USD, đồng EU, Bảng Anh mất giá và các quỹ, chỉ số thị trường chứng khoán sụt giảm nghiêm trọng. EU đang đứng trước những thách thức mới, những lực lượng muốn li khai trỗi dậy và ước tính có 43 đề nghị sẽ xin ra khỏi Liên minh châu Âu và nổi lên rõ ràng ở Đan Mạch, Pháp, Hà Lan, Ý… Ngoài ra, ở một số nước khác ít nhiều có lực lượng đề nghị với khẩu hiệu đòi độc lập, nếu như họ không rút ra họ cũng sẽ đòi những đặc quyền như Anh trước khi rút ra khỏi EU đã ký được một thoả thuận về một số đặc quyền", ông nói.

Chuyên gia cho rằng Liên minh châu Âu chắc chắn sẽ phải cải cách, không thể làm theo mô hình như bây giờ. Do đó, có thể thấy quá trình toàn cầu hoá, nhất thể hoá đang bị thách thức, sẽ cần phải sửa đổi, thậm chí có ý kiến cho rằng toàn cầu hoá đang đi đến bước ngoặt và rất khó có thể tiếp tục có mô hình như Liên minh châu Âu.

Còn theo TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc Anh muốn rời Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit) nhưng tựu trung lại chúng ta phải hiểu ngay từ những ngày đầu là thành viên của EU và trong tiến trình thể chế hóa mạnh mẽ, mở rộng EU đã có một bộ phận không nhỏ người Anh, bao gồm cả giới chính khách nghi hoặc, không hài lòng ít nhiều với cách thức liên kết của châu Âu.

Cụ thể hơn, những điểm không hài lòng được thể hiện ở cách nhìn nhận về việc EU có thực sự đem lại lợi ích cho nước Anh với tư cách là thành viên cùng với chi phí Anh bỏ ra, việc mở rộng thành viên EU. Anh cũng không hài lòng với cách ứng xử của EU trên nhiều vấn đề như cuộc khủng hoảng nợ công, dịch chuyển lao động, người nhập cư…

Ngoài ra, trong chừng mực nhất định, Anh cũng cảm thấy quyền định đoạt đối với mình có thể khó dễ, nên không ngẫu nhiên trong quá trình xây dựng luật lệ châu Âu, như đối với thị trường tài chính Anh có quan điểm, bảo lưu riêng.

Về tác động của Brexit, ông Thành cho rằng sẽ "có tác động nhiều chiều cạnh, không chỉ kinh tế, tài chính, thương mại, mà cả về chính trị, xã hội. Trong tác động nhiều chiều đó, có tác động tức thời, trước mắt, có tác động trong trung, dài hạn".

Chuyên gia cho rằng có ba điều cần nhìn nhận sau sự kiện này.

Thứ nhất là những thay đổi, chuyển động diễn ra ở Anh. Sau Brexit, Scotland nơi đa số người dân phản đối Brexit, có thể đòi độc lập hoặc chí ít muốn ở lại EU. Chưa kể, phản ứng chính sách của nước Anh thời gian tới đây như cải tổ khu vực tài chính nhằm đảm bảo đây vẫn là trung tâm tài chính, đủ lấy lại sự hấp dẫn dòng vốn.  

Thứ hai, đó là các kịch bản mà nước Anh có thể đàm phán với EU. Nhiều người tin rằng những điều khoản liên quan đến tự do hoá thương mại, đầu tư ít chịu áp lực trong đàm phán, song những vấn đề liên quan đến dịch chuyển lao động hay những nguyên tắc gắn với "trò chơi tài chính" có thể sẽ rất khó khăn và căng thẳng. Hiệu ứng domino của Brexit, cùng với chủ nghĩa dân tộc có phần cực đoan và dân túy, phụ thuộc không nhỏ vào những hệ lụy đối với Anh và cách thức "chia tay" Anh và EU.

Thứ ba, mức độ, phạm vi tác động của Brexit còn rất phụ thuộc vào ứng xử của thế giới đối với vấn đề này, đặc biệt là của các nền kinh tế lớn Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản. Nếu thiếu sự phối hợp cần thiết, chẳng hạn như của G7, G20… điều này lại có thể càng gây những xáo trộn khó lường về tài chính và dịch chuyển dòng vốn. Đến lượt nó, lại có tác động xấu đến nền kinh tế thực của thế giới. Không phải ngẫu nhiên, những tác động tiêu cực tức thời sau Brexit còn có lý do gắn với kỳ vọng về sự suy thoái, suy giảm kinh tế toàn cầu.

Còn theo TS. Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, Brexit vẫn là một kết quả khó lường vì từ trước tới nay mọi người vẫn nghĩ xu thế chung trong tương lai là hội nhập, nhưng không ngờ đã có xu thế đi ngược thời đại ở quốc gia văn minh nhất thế giới (nước Anh).

Lúc này là lúc người ta lại đặt dấu hỏi về vấn đề toàn cầu hóa thực sự có phải là xu hướng chung và tất yếu không, nếu không thì cấu trúc chính trị và thể chế của các nước có thể vận hành theo chiều hướng khác cái mà mọi người đang suy nghĩ và như vậy đang có một tương lai bất định, bất trắc hơn cho toàn cầu.

Tuy nhiên, dù Anh rời khỏi EU nhưng EU là một thể chế đồng nhất về kinh tế, khác khối NATO là về quân sự… EU vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới.

"Brexit không hẳn là vấn đề "long trời lở đất", vì Đức và Pháp cũng là những nước lớn, có ảnh hưởng chung tới EU. Thực ra, trong sân chơi toàn cầu Mỹ vẫn là "bá chủ", vai trò của Mỹ vẫn rất lớn trong sắp đặt trật tự thế giới. Do đó, ảnh hưởng của Brexit tới vị thế của EU trong sân chơi toàn cầu không lớn. Điều quan trọng nhất ở đây là xu hướng phân ly, chia tách, tan rã của các khối, việc xây dựng những nước như Hiệp chủng quốc như Hoa Kỳ sẽ giảm đi", ông Du nói.

Tin mới lên