Tài chính quốc tế

Brexit: ‘Sai lầm lịch sử’ hơn là ‘bi kịch kinh tế’

Trong bài trả lời phỏng vấn báo Le Figaro ngày 1/7, Tổng Giám đốc ngân hàng liên doanh Anh - Pháp Rothschild & Co. David de Rothschild cho rằng Brexit là "sai lầm lịch sử" của người Anh, nhưng không phải là một "bi kịch kinh tế".

Brexit: ‘Sai lầm lịch sử’ hơn là ‘bi kịch kinh tế’

Bà Theresa May, Bộ trưởng Nội vụ nước Anh - ứng viên hàng đầu chạy đua vào ghế Thủ tướng thuộc đảng Bảo thủ Anh, nói rằng mọi người muốn nhiều hơn "một Thủ tướng ủng hộ Brexit". Ảnh nguồn: bbc.com

Cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill hẳn không bao giờ muốn để xảy ra việc nước Anh quay lưng lại với lịch sử. Châu Âu mất đi một quốc gia lớn về chính trị, quân sự và thương mại vào thời điểm mà sự xé lẻ và phân mảnh chắc chắn không phải là câu trả lời cho những thách thức của thời đại và quá trình toàn cầu hóa đang buộc châu Âu phải cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc.

Sự kiện này chắc chắn là một cú sốc về tâm lý và chính trị, nhưng không phải là bi kịch kinh tế. Vì thế, không nên bi kịch hóa mọi chuyện. Châu Âu đang có sự cải thiện về tăng trưởng, việc làm và đầu tư. Những diễn biến tiếp theo cuộc bỏ phiếu là một tác động có thể kiểm soát được.

Vào giai đoạn này, những dự đoán về nguy cơ suy thoái của nước Anh cùng những bất ổn mới ở châu Âu đều không đáng tin cậy. Các nhà kinh tế học có quan điểm khá khác nhau. Song có thể khẳng định rằng cuộc trưng cầu dân ý đã mở ra một giai đoạn không chắc chắn.

Trước tình hình đó, một số người đề nghị phải tiến hành thật nhanh, áp dụng ngay lập tức điều 50 của Hiệp ước Lisbon để khởi động tiến trình Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, ngay cả khi điều đó xảy ra thì vẫn cần rất nhiều thời gian để tiến hành các cuộc đàm phán phức tạp nhằm xác định rõ hơn các bước cần tiến hành.

Thủ tướng David Cameron đã đề xuất tiến hành cuộc trưng cầu dân ý để giải quyết các vấn đề chính trị trong nước và trong nội bộ đảng của ông. Cuộc trưng cầu dân ý là một công cụ tốt, nhưng với điều kiện là nó đặt ra một câu hỏi đơn giản. Thực tế cho thấy điều đó đã không diễn ra.

Đằng sau sự lựa chọn "đi hay ở" là nhiều câu hỏi vô cùng phức tạp trong khi các cuộc tranh luận chủ yếu xoay quanh vấn đề dòng người di cư. Các lập luận cho rằng mọi thứ đều xám xịt hay tương lai toàn màu hồng đều không đúng. Kể từ sáng ngày 24/6, giới chính trị nước Anh - ngoại trừ lãnh tụ đảng thiên hữu UKIP Nigel Farage - đều cảm thấy vô cùng lúng túng...

Còn đối với châu Âu, việc người Anh "dứt áo ra đi" cho thấy cần phải xác định một mô hình mới làm cho châu Âu hấp dẫn trở lại bằng cách rũ bỏ các thủ tục quan liêu, nặng nề và có tính trừng phạt. Chính các thủ tục này đã tạo ra một cảm giác nghẹt thở tại một số nước, đặc biệt là Pháp.

Tuy nhiên, cần nhớ là cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 không có giá trị pháp lý mà chỉ mang tính tham vấn.

Nhưng nếu một quốc gia có đủ khả năng, sự khéo léo và tính thực dụng để sửa chữa một việc nghiêm trọng đến như vậy thì đó chỉ có thể là nước Anh!

Về việc một số người giữ quan điểm cứng nhắc, yêu cầu nước Anh ra khỏi EU càng sớm càng tốt, mọi người đều biết rằng người ta không thể vừa ăn chiếc bánh gatô lại vừa có nó. Sẽ chẳng ai được hưởng lợi cả nếu châu Âu có thái độ hung hăng hoặc đe dọa đối với London. Quá trình đàm phán về mô hình hợp tác sắp tới phải diễn ra hợp lý.

Về những hậu quả kinh tế, chắc chắn là Brexit gây ra tác động tiêu cực nhưng không dẫn đến sụp đổ. Vì thế hậu quả của nó không thể so sánh với "cơn đại hồng thủy" năm 2008.

Trong lĩnh vực ngân hàng, sự kháng cự mạnh hơn cách đây 8 năm rất nhiều. Đây là kết quả của những nỗ lực được thực hiện từ khi ngân hàng Lehman Brothers phá sản. Thực tế cho thấy sau khi Lehman Brothers sụp đổ, khu vực đồng euro đã hình thành liên minh ngân hàng, đồng thời tăng cường an ninh của cả hệ thống với tiêu chuẩn cao về tính thanh khoản và khả năng thanh toán.

Chính vì vậy, chẳng có lý do gì để ngân hàng Rothschild rời nước Anh cả. Còn đối với khu tài chính City of London, tương lai sẽ cho biết City of London tìm thấy sức mạnh từ một quy chế đặc biệt hay một văn hóa kinh doanh cởi mở, linh hoạt và mềm dẻo.

Trong khi đó, tại nước Anh, ứng viên hàng đầu chạy đua vào ghế Thủ tướng thuộc đảng Bảo thủ Anh, bà Theresa May đã bác bỏ tuyên bố của các đối thủ rằng lãnh đạo tiếp theo của đảng này phải là người đã ủng hộ việc bỏ phiếu rời EU trong cuộc trưng cầu dân ‎ý ngày 23/6. Nữ Bộ trưởng Nội vụ nước Anh nói rằng mọi người muốn nhiều hơn "một Thủ tướng ủng hộ Brexit".

Bà May hứa sẽ đưa cả hai bên ‘Ở lại và ra khỏi EU’ đến với nhau và "lãnh đạo cả nước". Nhưng Andrea Leadsom và Michael Gove, hai ứng viên tranh ghế Thủ tướng nước Anh, nói ứng viên giành chiến thắng phải là người đã ủng hộ Brexit. Các ứng viên này đã khẳng định lập trường trong hàng loạt cuộc phỏng vấn.

Ông Michael Gove, Bộ trưởng Tư pháp nước Anh, đã bảo vệ chiến thuật của ông khi đối mặt với những lời chỉ trích. Ông nói với nhà báo Andrew Marr của BBC rằng "sẽ là phản bội đất nước" nếu ông cho phép Boris Johnson, cựu Thị trưởng London, bỏ chạy.

Ông Gove cũng cho hay, ông sẽ thiết lập một "ngũ giác" của năm bộ trưởng cao cấp, gồm đa số là những người ủng hộ Brexit, nhằm tiến hành các cuộc đàm phán về EU. Theo ông, chỉ những người đã ủng hộ Brexit sẽ có "cương vị" lãnh đạo.

Bộ trưởng Tư pháp nói với The Sunday Times: "Đó là vấn đề về trách nhiệm dân chủ. Mọi người đã bỏ phiếu cho Brexit sẽ mong đợi một người tin vào đó để bảo vệ cho họ. Nếu bạn sắp bầu lãnh đạo, Thủ tướng đương kim đã quyết định từ chức, khi đó logic là bạn cần phải có một người ủng hộ Brexit và tin vào nó để lập luận và vận động cho nó, để làm lãnh đạo trong các cuộc đàm phán".

Còn bà Leadsom, Bộ trưởng Năng lượng nước Anh lại nói với tờ Sunday Telegraph rằng "sẽ là kỳ lạ" nếu nhà lãnh đạo là một người không tin vào việc nước Anh rời khỏi EU. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Anh cuối tuần này, bà Leadsom nói: "Thủ tướng từ chức vì ông đã không tin vào nó, vì vậy nó sẽ là kỳ lạ nếu lại chỉ định một người nào đó cũng không tin vào Brexit. Tôi không nghĩ rằng đó là điều đúng đắn".

Trước đó, dư luận nước Anh bắt đầu sôi sục về các nhân vật sẽ lên làm lãnh đạo đảng Bảo thủ và thay thế Thủ tướng David Cameron đàm phán với Liên minh châu Âu để rút khỏi tư cách thành viên trong EU.

Theo những nhận định ban đầu, thì Bộ trưởng Nội Vụ Theresa May có phần thắng thế, trong khi cựu Thị trưởng London Boris Johnson lại bất ngờ tuyên bố vào phút chót là sẽ không ra ứng cử.

Người ta khá bất ngờ khi thấy ông Boris Johnson, người nổi bật nhất trong cuộc vận động cho Brexit và luôn xuất hiện trên mặt báo trong vai trò đối lập với Thủ tướng David Cameron, lại tuyên bố rút lui ngay trước giờ chốt danh sách ứng viên vào ngày 30/6.

Cuộc đua giành ghế lãnh đạo được khởi sự sau khi ông David Cameron tuyên bố vào ngày 24/6 là sẽ rời chức vụ Thủ tướng vào tháng 10, sau khi thông báo kết quả của cuộc trưng cầu dân ý. Thủ tướng nước Anh nói ông sẽ để cho người kế nhiệm chính thức công bố Vương quốc Anh sẽ rời EU theo Điều 50 của Hiệp ước Lisbon.

Tin mới lên