Tài chính

‘Cá mập’ VinaCapital Ventures tiết lộ ‘khẩu vị’ đầu tư

(VNF) - VinaCapital Ventures tìm kiếm 2 thứ là “mô hình kinh doanh đã được chứng minh" và "chiến lược ngách", ông Trần Nhật Khanh - Giám đốc Đầu tư công nghệ và đối tác của VinaCapital chia sẻ.

‘Cá mập’ VinaCapital Ventures tiết lộ ‘khẩu vị’ đầu tư

Ông Trần Nhật Khanh - Giám đốc Đầu tư công nghệ và đối tác của VinaCapital tại VinaCapital Ventures

Cuối tháng 8 vừa qua, VinaCapital đã chính thức ra mắt VinaCapital Ventures có giá trị 100 triệu USD, chuyên đầu tư mạo hiểm vào các công ty khởi nghiệp.

Tuy nhiên, VinaCapital Ventures không đi theo mô hình quỹ mà là công ty cổ phần.

“Chúng tôi cấu trúc nó theo mô hình của công ty cổ phần vì chúng tôi không hướng đến một tiến trình bán vốn. Với mô hình này, chúng tôi không có thời gian đầu tư bắt buộc”, ông Trần Nhật Khanh nói với Dealstreet Asia.

Theo ông Trần Nhật Khanh, cấu trúc này cũng giúp VinaCapital Ventures theo đuổi các mô hình tài chính chiến lược khác như liên doanh và đồng đầu tư với các tập đoàn.

Ông Khanh chia sẻ rằng VinaCapital Ventures đang thực hiện 2 loại hình đầu tư: “Đầu tiên là vốn đầu tư mạo hiểm thông thường, chúng tôi sẽ lấy một số cổ phần thiểu số đáng kể trong các công ty khởi nghiệp như LOGIVAN và FastGo. Loại hình thứ hai là quan hệ với các đối tác lớn, đồng đầu tư và liên doanh với các quỹ PE (chỉ nhắm đến các công ty trưởng thành) và tập đoàn ở Việt Nam”.

“Vì những hình thức đầu tư khác nhau này, một công ty cổ phần sẽ thực sự có ý nghĩa hơn. Nó cho chúng ta sự linh hoạt để tăng thanh khoản cho các lần thoái vốn cũng như tầm nhìn dài hạn cho sự hợp tác giữa VinaCapital với các tập đoàn,” ông Khanh nói.

Giám đốc Đầu tư công nghệ và đối tác của VinaCapital nhận định về môi trường đầu tư tại Việt Nam: “Trong hai đến ba năm qua, rất nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm lớn đã nhắm đến Việt Nam. Về môi trường đầu tư ở Việt Nam, chúng tôi biết rằng không có nhiều khoản đầu tư trong các vòng gọi vốn B và C. Đó là lý do tại sao chúng tôi làm việc rất chặt chẽ với những công ty ở giai đoạn đầu: vườn ươm, gia tốc và quỹ hạt giống. Chúng tôi đang tìm hiểu thêm về việc xây dựng một cộng đồng đầu tư”.

Ông Trần Nhật Khanh cũng nói rằng ông thấy triển vọng thực hiện các khoản đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam trong trung hạn, nhờ vào hệ sinh thái được cải thiện và sự tăng cường hỗ trợ của Chính phủ trong những năm gần đây.

VinaCapital Ventures hiện đang đầu tư khoảng 2 đến 10 triệu USD vào các startup. VinaCapital Ventures tìm kiếm 2 thứ là “mô hình kinh doanh đã được chứng minh" và "chiến lược ngách”.

“Thứ nhất, mô hình kinh doanh đã được chứng minh – hoặc là công ty đã bắt đầu kiếm được tiền hoặc mô hình kinh doanh được chứng minh ở các nước tương tự như Việt Nam về nhân khẩu học, các yếu tố kinh tế và những yếu tố tương tự”.

“Thứ hai là chiến lược ngách (the strategic angle). Chúng tôi xem xét các cơ hội liên doanh hợp tác và đầu tư với các doanh nghiệp chủ chốt ở Việt Nam. Chúng tôi đang suy nghĩ về các tập đoàn bất động sản, F&B và bán lẻ để đầu tư vào sự đổi mới trong các ngành công nghiệp này. Vì vậy, chúng tôi sẽ xem xét chủ yếu về chiến lược và không có tiêu chuẩn cố định cho quy mô mà chúng tôi sẽ thực hiện”, ông Khanh giải thích.

Ông Trần Nhật Khanh tiết lộ, trong thời gian tới VinaCapital Ventures “có sự tập trung hơn vào không gian fintech”.

Ngoài ra, VinaCapital Ventures cũng đang xem xét các mô hình kinh doanh có thể không phải là fintech ở thời điểm hiện tại nhưng có tiềm năng phát triển cơ sở người dùng, nơi có sức mua phù hợp. Đó là những kịch bản tiềm năng cho các dịch vụ fintech sau này.

“Tôi nghĩ trong 6-12 tháng tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tham gia điều tiết. Chúng ta có thể kỳ vọng sự bùng nổ của các công ty địa phương mới trong vòng 1 đến 2 năm tới. Và trong ngành dịch vụ tài chính, các ngân hàng đều đang cố gắng đổi mới và biến đổi kỹ thuật số để cắt giảm chi phí”, ông Khanh phân tích.

Ông Khanh cũng dự đoán “điểm bùng phát của thị trường fintech sẽ sớm hơn nhiều so với thị trường chia sẻ xe”.

Tin mới lên