Tài chính

Các quốc gia trên thế giới đánh thuế nhà đất ra sao?

(VNF) - Ở nhiều quốc gia, tùy khung giá trị nhà, tùy mục đích sử dụng mà áp mức thuế suất khác nhau. Ngôi nhà thứ hai trở đi, nhà bị bỏ trống không người ở cũng bị đánh thuế cao hơn thông thường.

Các quốc gia trên thế giới đánh thuế nhà đất ra sao?

Mức thuế dành cho mọi công trình xây dựng, nhà ở, cao ốc… tại Campuchia là 0,1% của giá trị công trình theo sự đánh giá của một Hội đồng đánh giá tài sản nhà đất trực thuộc Cục thuế.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện có 174/193 nước trên thế giới thực hiện thu thuế tài sản (thuế thu hàng năm, trong quá trình sử dụng tài sản). Việc đánh thuế tài sản ở mỗi quốc gia không hoàn toàn giống nhau.

Tại Lào, với thuế đất, Cục thuế sẽ phân loại mục đích sử dụng (công nghiệp, nông nghiệp, thương mại…), vị trí (ngoại ô, nội thành…) để tính mức thuế phải đóng trên từng mét vuông. Loại thuế này thay đổi theo năm nhưng ở mức rất thấp. Với thuế tài sản trên đất như nhà ở, các cơ sở hạ tầng, mức thuế giá trị lợi tức gia tăng dao động từ 0 – 24%, tùy vào mục đích sử dụng như nơi cư trú, kinh doanh hay từ thiện.

Tại Campuchia quý I hàng năm, người dân quốc gia này đều nhận được thông báo nộp thuế từ Cục thuế Campuchia. Mức thuế dành cho mọi công trình xây dựng, nhà ở, cao ốc… là 0,1% của giá trị công trình theo sự đánh giá của một Hội đồng đánh giá tài sản nhà đất trực thuộc Cục thuế.

Chính sách thuế này đã được áp dụng từ năm 2010 và đến nay, mức sống tại quốc gia này luôn nằm trong danh sách thấp nhất thế giới. Ngoài ra, các loại thủ tục và chi phí chuyển đổi bất động sản của Campuchia cũng rất dễ dàng.

Tại Hàn Quốc, nhà ở sử dụng cho các mục đích xa xỉ thưởng bị đánh thuế rất cao. Thuế đất Tại Hàn Quốc từ 0,2-0,5% đối với đất và áp dụng mức 4% với riêng đất xây dựng khu golf và đất xây dựng khu du lịch hạng sang. 

Còn đối với nhà ở thông thường, mức thuế sẽ là 0,1-0,4%. Villa, nhà cho sân golf và các dịch vụ xa xỉ bị áp thuế 0,4%, các nhà máy ở khu dân chịu mức thuế 0,5% nhưng ở vùng có mật độ dân số lớn có thể bị áp thuế lên tới 250%. Mức thuế suất 0,25% được áp dụng đối với các tòa nhà mục đích khác. Ngoài ra, đất và nhà ở có giá trị vượt ngưỡng quy định còn phải nộp thuế bất động sản với thuế suất từ 0,5-2%.

Tương tự như Hàn Quốc khi tách riêng phần thuế với đất và nhà, Đài Loan cũng quy định thuế đất 0,2- 5% tùy từng loại đất, diện tích. Còn đối với thuế nhà, quốc gia này áp dụng mức thuế 1,2 - 2% đối với nhà chung cư; khoảng 1,4% đối với nhà riêng; 3 - 5% đối với công trình thương mại.

Trong khi đó, Brunei lại không đánh thuế đất mà chỉ đánh thuế nhà (gồm cả nhà thương mại) với mức 12% giá trị. Philippines quy định các loại nhà chịu thuế gồm nhà ở, nhà kinh doanh, đất ở, đất xây dựng công trình và tính thuế 2% ở Manila, 1% ở tỉnh khác.

Indonesia áp thuế 0,5% đối với nhà, đất có giá trị vượt 8.000.000Rp (gần 600 USD). Còn tỷ lệ này tại Thụy Sỹ là từ 0,5-3%; Hungary: 1,5%; Hy Lạp từ 0,3- 0,8%.

Mức thuế suất áp dụng tại Phần Lan là 1,2% đến 2%. Tuy nhiên, với đất thương mại, công nghiệp, nhà đất vượt quá mức 29.200 USD áp dụng mức cao hơn gấp 1,3 lần.

Ở một số quốc gia khác, việc đánh thuế tập trung từ căn nhà thứ hai trở đi hay các tài sản nhà ở không có chủ sở hữu để tránh tình trạng đầu cơ bất động sản.

Cụ thể như tại Singapore, các bất động sản nhà ở với mức giá dưới 8.000 USD được hưởng thuế bất động sản bằng 0. Đây chủ yếu là căn hộ có một và hai phòng. Mức thuế tài sản dao động từ 4-16% giá trị nhà, đất vượt ngưỡng, trong đó nhà thương mại, nhà công nghiệp là 10%. Thuế bất động sản đối với nhà bỏ trống từ 10-20%.

Tại Anh, thuế dành cho bất động sản được chia làm hai loại bao gồm thuế dành cho nhà thứ nhất và thuế dành cho nhà thứ hai trở đi. Với nhà thứ nhất, mức thuế hiện tại ở Anh được tính lũy tiến 5 bậc dựa trên giá trị nhà.

Với bậc thấp nhất, bất động sản có giá trị dưới 125.000 bảng Anh sẽ được miễn hoàn toàn thuế, trong khi ở mức cao hơn là từ 125.001 bảng Anh tới 250.000 bảng Anh, thuế suất cũng rất nhẹ, chỉ 2%.

Theo số liệu từ Chính phủ Anh, đa số hộ gia đình Anh hiện sở hữu một bất động sản trị giá dưới 250.000 bảng nên với số đông, mức thuế chỉ khoảng 0-2%.

Các bậc thuế tiếp theo chủ yếu đánh vào tầng lớp từ thu nhập trung bình khá tới nhóm siêu giàu tại Anh.

Bên cạnh đó, qua chính sách thuế, Chính phủ Anh cũng không ủng hộ việc đầu cơ nhà khi đánh thuế mạnh hơn vào nhà thứ hai trở đi. Các bậc thuế dành cho nhóm bất động sản này cao hơn so với nhà thứ nhất.

Có thể thấy với nhà thứ hai trở đi, mức thuế được tính sớm hơn và các bậc thuế cũng cao hơn so với nhà thứ nhất có giá trị tương đương.

Tại Mỹ, người sở hữu nhà kể từ khi bắt đầu sở hữu, phải đóng thuế đất cho địa phương. Việc đánh thuế bất động sản do các tiểu bang quy định, mỗi tiểu bang có thuế suất khác nhau. Giá trị bất động sản ở các bang cũng khác nhau. Như tại một số quận tại tiểu bang New York, mức thuế suất áp dụng lên tới hơn 3%. Đây cũng là khu vực có giá bất động sản cao khiến tiền thuế đất nộp hàng năm của quận thuộc hạng cao. Trong khi ở nhiều khu vực, thuế suất thuế tài sản dưới 0,5%.

Khoản thuế này ở nhiều địa phương còn là nguồn thu chính cho ngân sách dùng để chi phí cho trường học, bệnh viện, công viên, đèn đường…

Tại Việt Nam, Bộ Tài chính mới đây đã dự thảo Luật thuế tài sản để trình Quốc hội trong đó đề xuất phương án áp dụng mức thuế tài sản chung (gồm cả đất và nhà) với tỷ lệ 0,3% nếu xác định ngưỡng nhà không chịu thuế dưới 1 tỷ đồng hoặc áp dụng tỷ lệ 0,4% nếu ngưỡng nhà không chịu thuế là 700 triệu đồng.

Phương án thứ 2 dự kiến mang về cho ngân sách khoảng 31.000 tỷ đồng. Đây cũng là phương án đang được Bộ Tài chính đề xuất áp dụng.

Thực tế, việc thu thuế tài sản tại Việt Nam đã có từ trước và đang điều tiết đối với tài sản là đất. Luật sử dụng đất phi nông nghiệp đang quy định thuế suất đất ở là 0,03% với các trường hợp diện tích trong hạn mức.

Đóng góp của các khoản thuế thu trong quá trình sử dụng tài sản (thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp) hiện chiếm khoảng 0,036% GDP.

Theo thống kê, riêng khu vực châu Á, trong giai đoạn 2005-2013, tỷ lệ thu thuế tài sản so với GDP ở các nước phát triển và một số nước đang phát triển là khoảng 2%/GDP.

Tin mới lên