Công nghệ

Các thương vụ IPO 'bom tấn' của startup công nghệ Trung Quốc năm 2018

(VNF) - Hôm 3/5, giới đầu tư xôn xao trước thông tin IPO của Xiaomi – được dự báo là thương vụ IPO lớn nhất thế giới kể từ năm 2014. Tuy nhiên, tiếp nối Xiaomi sẽ là một loạt thương vụ IPO “bom tấn” của các start-up công nghệ Trung Quốc trong năm 2018.

Các thương vụ IPO 'bom tấn' của startup công nghệ Trung Quốc năm 2018

Năm 2018 sẽ chứng kiến "làn sóng" IPO tỷ USD của các startup công nghệ Trung Quốc

2018 được dự báo là năm bùng nổ của những thương vụ IPO "bom tấn" khi loạt startup công nghệ của Trung Quốc chuẩn bị lên sàn.

Mở màn là “phát súng” của Xiaomi - nhà sản xuất di động thông minh Trung Quốc vừa nộp đơn xin chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Hồng Kông hôm 3/5 vừa qua.

Xiaomi dự kiến huy động ít nhất 10 tỷ USD, đưa mức định giá của công ty lên 100 tỷ USD, Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết.

Ngoài smartphone, Xiaomi cũng đầu tư vào các startup sản xuất nhiều sản phẩm từ thiết bị đeo cho tới nồi cơm điện. Năm 2017, doanh thu từ hệ sinh thái Xiaomi đã tăng gấp đôi, đạt mức 20 tỷ Nhân dân tệ.

IPO của Xiaomi được dự báo là IPO lớn nhất thế giới kể từ năm 2014 và là một trong những IPO “khủng” của các startup công nghệ Trung Quốc chuẩn bị thực hiện trong năm nay.

Trong làn sóng IPO tỷ USD này còn có startup gọi xe lớn nhất tại Trung Quốc Didi Chuxing, công ty thanh toán di dộng hàng đầu Ant Financial, dịch vụ âm nhạc trực tuyến Tencent Music của gã công nghệ khổng lồ Tencent hay startup giao đồ ăn và đánh giá nhà hàng Meituan-Dianping.

Ông Hans Tung - đối tác quản lý của quỹ đầu tư mạo hiểm GGV Capital - có rót vốn vào Didi và Xiaomi nhận định: “Các công ty này đã phát triển lên đến "quy mô đủ để hấp dẫn các nhà đầu tư tổ chức".

“Những công ty này có thể phải đối mặt với thị trường đầy biến động, tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn đang chờ đón những IPO khổng lồ đầy tiềm năng của những startup lớn nhất của Trung Quốc này”.

Didi Chuxing

Năm 2016, Didi “hất cẳng” Uber ra khỏi thị trường Trung Quốc sau cuộc chiến cạnh tranh tốn hàng tỷ USD.

Từ đó, công ty này đã nhận được nhiều tỷ USD vốn đầu tư. Sau vòng gọi vốn vào tháng 12 năm ngoái (2017), Didi đã được định giá lên đến 56 tỷ USD.

Didi đang tích cực mở rộng ra các thị trường quốc tế với việc mua một đối thủ tại Brazil vào tháng 1 và ra mắt dịch vụ tại Mexico vào tháng 4 năm nay.

Didi đang cân nhắc thực hiện IPO vào cuối năm nay, động thái được cho là đi trước Uber - dự kiến lên sàn vào năm sau.

Ant Financial

Ant Financial có thể là công ty thứ hai trị giá chục tỷ USD được tỷ phú Jack Ma - ông chủ tập đoàn Alibaba, chào sàn.

Tháng trước, công ty này được cho là đang chuẩn bị cho một vòng gọi vốn định giá công ty ở mức 150 tỷ USD trước thềm IPO.

 Nhánh tài chính của Alibaba được biết đến với dịch vụ thanh toán di động Alipay, có hàng trăm triệu người dùng tại Trung Quốc và đang mở rộng ra nước ngoài.

Tại Trung Quốc, Ant Finantial đang triển khai thử nghiệm hệ thống ghi điểm tín dụng từ lượng dữ liệu người dùng khổng lồ, và một sản phẩm cho phép người dùng đầu tư số tiền nhỏ trong tài khoản Alipay của họ vào một quỹ thị trường tiền tệ khổng lồ.

Các nhà phân tích dự báo Ant Financial sẽ theo chân Alibaba niêm yết trên sàn chứng khoán New York.

Meituan-Dianping

Meituan-Dianping thường tự gọi mình là "Amazon của nhóm dịch vụ". Trong vòng gọi vốn gần đây nhất, Meituan-Dianping được định giá gần 30 tỷ USD, tương đương với startup chia sẻ phòng nghỉ Airbnb của Mỹ. Meituan-Dianping đang chuẩn bị IPO vào cuối năm nay.

Từ một ứng dụng chuyên đưa ra mã giảm giá nhà hàng tương tự như Groupon, giờ đây Meituan-Dianping đang cung cấp nhiều loại dịch vụ từ gọi xe, giao đồ ăn, đặt bàn và thậm chí mua vé máy bay - tất cả thông qua một ứng dụng di động duy nhất.

Công ty này mới lấn sân sang dịch vụ chia sẻ xe đạp bằng việc mua lại startup Mobile vào đầu tháng 4/2018.

Tencent Music

Tencent Music được trình làng cách đây 10 năm, vào năm 2007, khi mà ý tưởng người dùng nghe nhạc trả tiền là một trong những điều nực cười nhất tại Trung Quốc.

Thế nhưng hiện nay, Tencent Music đang thống trị thị trường nghe nhạc trực tuyến ở Trung Quốc với các nền tảng QQ Music, KuGou và Kuwo có tổng cộng 600 triệu người dùng, dù trong đó chỉ có khoảng 15 triệu người dùng trả phí.

Tencent đã tận dụng sự lên ngôi của di động thông minh, cho ra đời các ứng dụng nghe nhạc trực tuyến và mô hình nghe nhạc miễn phí (người dùng được miễn phí nhưng phải nghe quảng cáo), từ đó thu hút được hàng triệu người đăng ký.

Theo nguồn tin thân cận của CNN, Tencent Music dự kiến nối gót Spotify - ứng dụng nghe nhạc trực tuyến vừa chào sàn New York vào tháng trước, thực hiện IPO trong năm nay với mức định giá khoảng 24 tỷ USD, lớn gấp đôi hiện nay (12 tỷ USD).

 

Tin mới lên