Tiêu điểm

Cách mạng công nghiệp 4.0 là 'thách thức lớn' nhưng 'Việt Nam có ưu thế'

(VNF) – Ông Vũ Hoàng Liên, chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 Việt Nam còn chưa bắt kịp, cách mạng công nghiệp 4.0 thực sự là một thách thức quá lớn.

Cách mạng công nghiệp 4.0 là 'thách thức lớn' nhưng 'Việt Nam có ưu thế'

Ông Vũ Hoàng Liên, chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam

Chỉ có phép màu mới đưa Việt Nam lên cách mạng công nghiệp 4.0

Chia sẻ tại Diễn đàn CEO Việt Nam "Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 – Được & Mất" diễn ra hôm 7/4, ông Vũ Hoàng Liên cho rằng Việt Nam không thể bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên thế giới. 

"Tôi cho rằng nếu tuần tự lũy tiến, phát triển tự nhiên thì trước sau cái gì cũng lên cả thôi, nhưng khoảng cách vẫn là thách thức mà không biết có thể rút ngắn được không", ông Liên nói. 

Vị chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cũng nhận định để đi tắt đón đầu thì phải có sự đột biến. "Cái đột biến ấy phải có điều kiện, là một phép màu thần diệu nào đó của tạo hóa nhấc chúng ta lên ngồi chễm chệ ở cuộc cách mạng công nghiệp lần 4. Đó là nói vui như vậy, còn nghiêm túc thì tất cả khoa học, công cụ để tạo ra đột biến không nằm ở người dân mà chắc chắn phụ thuộc vào bàn tay của chính quyền. Và chỉ có chính quyền mới tạo ra được đột biến".

Do đó, ông Liên cho rằng nói bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam chỉ có thể bắt kịp về tiêu dùng, "còn về sáng tạo và sản xuất thì tôi nghi ngờ".

Ông Vũ Hoàng Liên: Việt Nam không thể bắt kịp cách mạng công nghiệp 4.0 ảnh 1

Ông Hoàng Văn Liên cho rằng ngay cả cách mạng công nghiệp 3.0 chúng ta cũng chưa bắt kịp

Có quan điểm "mềm mại" hơn ông Liên, CEO Uber Việt Nam – Đặng Việt Dũng, nhận định: "Tôi nghĩ trong ngắn hạn Việt Nam không thể bắt kịp cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng trong trung hạn thì có thể".

Theo giải thích của ông Dũng, cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng về tri thức. Tri thức có 3 yếu tố chính, đều phải thực hiện trong trung hạn: một là giáo dục, hai là chính sách và ba là doanh nghiệp. 

"Bản chất cách mạng công nghiệp 4.0 là cái mới. Cái mới thì các ông đón nhận rất nhanh để phát triển cho kịp xu thế, nhưng cái đó còn phụ thuộc rất nhiều vào chính sách nữa. Trong ngắn hạn thì chính sách phải đảm bảo sự ổn định, do đó, nó có thể chưa kịp cởi trói cho đất nước chúng ta bắt kịp xu hướng mới

"Doanh nghiệp cũng vậy. Công nghệ không phải là chiến lược mà là thành phần cốt lõi của từng doanh nghiệp, từng tư duy quản trị doanh nghiệp. Tôi nghĩ nhiều doanh nghiệp của chúng ta chưa có tư duy đó và tư duy đó cần phải trong trung hạn", ông Dũng phân tích.

Tổng giám đốc Viettel lạc quan về cách mạng công nghiệp 4.0

Trái ngược với 2 quan điểm nêu trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) lại có cái nhìn khá lạc quan về khả năng bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam.

Theo ông Hùng, Việt Nam đang có cơ hội rất lớn trong cuộc cách mạng này, bởi đây là cuộc cách mạng mà gọi nôm na là cái B sẽ thay thế cái A, nên tất cả những ông nào đang có A thì nguy cơ lớn hơn rất nhiều những ông không có. 

"Việt Nam mình đi sau, ba cuộc cách mạng trước chúng ta xây dựng nền tảng chưa đáng bao nhiêu. Trong khi các nước phát triển thì bỏ hàng triệu tỷ USD vào đó rồi (cái A - PV) nên có dám bỏ nó đi không? Chắc chắn rất khó! Mình chưa có cái A mình làm ngay cái B thì rất thuận lợi. Đấy chính là cơ hội cho Việt Nam. Nhiều khi cơ hội đến là vì chúng ta quá nghèo, cơ hội đến là vì chúng ta không biết gì", ông Hùng nhận định.

Ông Vũ Hoàng Liên: Việt Nam không thể bắt kịp cách mạng công nghiệp 4.0 ảnh 2

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng Việt Nam có nhiều lợi thế trong cách mạng công nghiệp 4.0

Người đứng đầu Viettel cũng phân tích: "Nếu chúng ta nghĩ cuộc cách mạng lần thứ tư là cuộc cách mạng về công nghệ thì rất khó cho người Việt Nam. Nhưng, nếu chúng ta nhìn cuộc cách mạng này bằng sự phát hiện vấn đề và nhu cầu, thì người Việt Nam mình vô cùng may mắn, vô cùng có sức mạnh, vì chúng ta là nước thu nhập trung bình thấp, có rất nhiều vấn đề, có rất nhiều khát vọng và đó là lợi thế của Việt Nam".

Ông Hùng cũng cho rằng nếu nhìn cuộc cách mạng này là cuộc cách mạng của các doanh nghiệp lớn, của những người có nhiều tiền, của những người có nhiều công nghệ thì chúng ta không có cơ hội. Nhưng nếu nghĩ đây là cuộc cách mạng là của toàn dân, liên quan đến mọi người dân và mọi người dân đều tham gia được. 

"Vì người Việt Nam rất giỏi phát động một cuộc cách mạng toàn dân. Nếu mình làm cuộc cách mạng 4.0 là một cuộc cách mạng toàn dân thì là lợi thế Việt Nam", ông Hùng khẳng định.

"Thứ nữa, nếu mình nhìn cuộc cách mạng 4.0 là của các doanh nghiệp siêu nhỏ chứ không phải các doanh nghiệp siêu lớn thì Việt Nam cực kỳ lợi thế. Vì chúng ta, doanh nghiệp lớn gần như là không có, đa số là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, thì đó là lợi thế của Việt Nam".

Tin mới lên