Diễn đàn VNF

'Cần nói không với dự án FDI thâm dụng lao động, ô nhiễm môi trường'

(VNF) – Theo GS Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, TP. HCM cần tập trung phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao và kiên quyết không lựa chọn những dự án FDI thâm dụng lao động, gây ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính.

'Cần nói không với dự án FDI thâm dụng lao động, ô nhiễm môi trường'

GS Nguyễn Mại

Tại hội thảo "Thách thức của việc thay đổi chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam", GS Nguyễn Mại đánh giá trong 30 năm qua, Việt Nam đã đạt được các tiến bộ lớn song vẫn còn khá nhiều khiếm khuyết trong chính sách đối với đầu tư nước ngoài.

"Vẫn còn nhiều vấn đề khiến doanh nghiệp FDI quan tâm, chẳng hạn như tính ổn định của pháp luật. Điển hình là luật thuế thay đổi liên tục và quá nhanh, thông tư của Bộ Tài chính ban hành rồi sửa đổi làm cho doanh nghiệp không kịp trở tay, thủ tục thông quan hải quan tuy đã được cải tiến nhưng vẫn mất khá nhiều thời gian so với các nước ASEAN-4, việc thuê lao động nước ngoài có kĩ năng, nhất là quy định từ ngày 1/1/2018 lao động nước ngoài phải đóng bảo hiểm xã hội đến nay chưa có thông tư hướng dẫn…", GS Mại nói.

Theo GS Nguyễn Mại, Việt Nam cần hình thành 4 định hướng lớn về chính sách đầu tư nước ngoài, gồm:

Một là, trong khi vẫn coi trọng các ngành nghề thu hút nhiều lao động ở những địa phương còn kém phát triển thì cần ưu tiên thu hút FDI một số ngành và sản phẩm công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn như công nghệ thông tin, điện tử, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn (SMA), cơ khí chế tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học, vật liệu mới, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển, chăm sóc sức khỏe cộng đồng...

Hai là, trong khi vẫn coi trọng thu hút FDI từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì coi trọng hơn vốn đầu tư từ các tập đoàn kinh tế (TNCs) hàng đầu thế giới trong ngành và lĩnh vực công nghệ cao để tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng lớn và chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Ba là điều chỉnh chính sách ưu đãi đối với dự án FDI theo hướng gắn với hiệu quả kinh tế- xã hội của quá trình phát triển từng vùng kinh tế, từng địa phương.

Đối với các thành phố đã phát triển như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng thì cần tập trung phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và thị trường thế giới; kiên quyết không lựa chọn dự án FDI thâm dụng lao động, gây ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính.

Đối với các địa phương, vùng kinh tế còn kém phát triển thì có thể lựa chọn dự án thâm dụng lao động như dệt nhuộm, may, da dày nhưng phải bảo đảm đầu tư bảo vệ môi trường.

Bốn là, cần coi trọng chính sách kết nối doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước để khắc phục nhược điểm tác động lan tỏa của doanh nghiệp FDI còn hạn chế; phát triển công nghiệp hổ trợ, tham gia chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, từ đó nâng cao tiềm lực kinh tế của doanh nghiệp trong nước, hướng đến mục tiêu một triệu doanh nghiệp tư nhân vào năm 2020.

Nói không với các dự án FDI thâm dụng lao động tại các thành phố lớn

Để thực hiện 4 định hướng chính sách nêu trên, GS Nguyễn Mại cho rằng cần lưu ý 3 giải pháp.

Thứ nhất, khi thay đổi chính sách, luật pháp cần bảo đảm tính hệ thống, công khai, minh bạch, ổn định, có độ trễ nhất định về thời gian thi hành để nhà đầu tư và doanh nghiệp FDI chủ động trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.

Hệ thống văn bản pháp quy từ luật, nghị định của Chính phủ, thông tư của các Bộ phải đồng bộ, nhất quán, được ban hành đồng thời một thời gian đủ dài thời gian đủ dài trước thời hạn có hiệu lực thi hành để doanh nghiệp tiếp cận đầy đủ thông tin, chuẩn bị điều kiện thi hành.

Bên cạnh đó, cần thực hiện đồng bộ "Chính phủ điện tử" trong toàn bộ hệ thống cơ quan nhà nước để giảm thiểu thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Trên cơ sở các mô hình thí điểm đã tỏ ra có hiệu quả như Trung tâm hành chính công, Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch... Chính phủ cần áp dụng ở tất cả tỉnh, thành phố để tạo ra bước đột phá về cải cách thủ tục hành chính.

Ngoài ra, cần tháo bỏ hai nút thắt chính là bộ máy nhà nước và đội ngũ công chức, viên chức.

"Bộ máy thì cồng kềnh, kém hiệu năng, công chức thì thừa nhưng thiếu năng lực và lương tâm nghề nghiệp. Cả hai đang cản trở quá trình phát triển theo hướng cải cách và hội nhập. Đó là hai lực cản cần được giải quyết để định hướng và chính sách mới về FDI được thực hiện có kết quả", GS Mại nhấn mạnh.

Tin mới lên