Thị trường

Cần Thơ: Dân bức xúc vì dự án nhà ở ‘treo’ 10 năm

(VNF) - Dự án Khu tập thể cán bộ giáo viên Trường Đại học Cần Thơ đang trở nên...nổi tiếng vì đã "treo" 10 năm nay.

Cần Thơ: Dân bức xúc vì dự án nhà ở ‘treo’ 10 năm

Một góc dự án 'treo' 10 năm ở Cần Thơ

Nằm cạnh đường Nguyễn Văn Linh (Ql 91B), thuộc quận trung tâm TP.Cần Thơ, dự án Khu tập thể cán bộ giáo viên (CBGV) Trường Đại học Cần Thơ được phê duyệt vào năm 2003, chính thức mở ra từ năm 2004, nhưng đến nay cán bộ giáo viên và người dân vẫn mòn mỏi chờ giao nền… 

Giá bồi hoàn ‘lạc hậu’

Dự án Khu tập thể  cán bộ giáo viên Trường Đại học Cần Thơ được UBND tỉnh Cần Thơ (cũ) ra Quyết định số1475/QĐ-UB, ngày16/5/2003 phê duyệt qui hoạch chi tiết xây dựng 1/500, giá bồi hòan giải phóng mặt bằng ban đầu, mỗi m2 đất nông nghiệp là 57.900 đồng, đất vườn 63.000 đồng, thổ cư 115.800 đồng. 

Đến năm 2005 giá bồi hoàn đất nông nghiệp tăng lên 370.00đ/m2 và đất thổ cư (đất ở) 800.000 đ/m2, các hộ có nhả ở được hưởng trợ cấp thuê nhà tạm cư, kèm theo lời hứa sẽ được xem xét tái định cư. 

Tuy nhiên, mức giá này vẫn thấp so với thị trường, nên mãi đến năm 2008 chỉ có 22 hộ dân nghèo và vài hộ xung phong  đồng ý nhận tiền bồi hoàn để giao 1,1 ha mặt bằng cho chủ dự án.  

Trên cơ sở có được kết quả giải phóng mặt bằng khá khiêm tốn, ngày 06/5/2010, UBND thành phố Cần Thơ ban hành Quyết định số 3519/QĐ-UBND, điều chỉnh qui hoạch chi tiết 1/500  tăng diện tích dự án từ 10,5 ha lên 11,3 ha, giúp tăng số nền bố trí cho cán bộ giáo viên và phục vụ tái định cư. 

Đồng thời, tỉnh cũng điều chỉnh giá bồi hoàn thiệt hại trong giải phóng mặt bằng nhằm giúp dự án Khu tập thể cán bộ giáo viên Trường Đại học Cần Thơ thoát khỏi cảnh "dự án treo" vào năm 2011-2012. 

Mòn mỏi chờ giao nền

Tuy nhiên, cho đến nay tình hình tại dự án vẫn không mấy tiến triển.

Ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Ban chấp hành Công đoàn Trường Đại học Cần Thơ, đại diện chủ dự án phân trần, để thực hiện dự án, năm 2008, Trường Đại học Cần Thơ (bên A) đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Gia Đạt (bên B), đơn vị có trụ sở khu vực TP.Hồ Chí Minh thực hiện thi công trọn gói, gồm tài trợ vốn giải phóng mặt bằng, san ủi và thi công toàn bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật. 

Nhưng do khó khăn ở khâu giải phóng mặt bằng nên hợp đồng ban đầu với bên B được thay thế bằng các phụ lục. Bên B không phải tài trợ vốn giải phóng mặt bằng, công tác giải phóng mặt bằng được trực tiếp thực hiện giữa bên A với Trung tâm phát triển quỹ đất quận Ninh Kiều,TP.Cần Thơ.

Kể từ năm 2010, bên A chi trực tiếp tiền giải phóng mặt bằng cho các hộ dân bị ảnh hưởng, đồng thời  đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu tái định cư và cơ sở hạ tầng giai đoạn 1,với diện tích hơn 5ha, để bố trí khoảng hơn 350 nền để giao cho cán bộ giáo viên và tái định cư cho dân.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của VietnamFinance, đến nay vẫn chưa có bất kỳ một hộ dân nào nhận được thông báo giao nền tái định cư. Hiện ra trước mắt, dự án vẫn ngổn ngang với hạ tầng chắp vá, cỏ mọc um tùm.

Một số ít cán bộ giáo viên đã được giao nền nhưng không ít tâm tư bởi đã góp đủ số tiền 400 triệu đồng/nền/100m2, nhưng vẫn chưa được giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không thế thế chấp vay vốn trực tiếp từ Ngân hàng để xây dựng nhà cửa đàng hoàng. 

Hiện vẫn chưa rõ hướng giải quyết cụ thể của các cơ quan chức năng đối với dự án này và người dân có lợi ích liên quan vẫn đang tiếp tục phải sống trong trạng thái chờ đợi mà không biết tương lai dự án sẽ ra sao!                                                                    

Tin mới lên