Bất động sản

Cần Thơ: Nhiều công trình vốn ODA 'đắp chiếu' vì thiếu vốn

Từ năm 2016 theo qui định mới, vốn ODA được xem như vốn ngân sách và phải thông qua Quốc hội mới được bố trí, rồi mới phân bổ cho 63 tỉnh, thành nên gặp nhiều trở ngại…

Cần Thơ: Nhiều công trình vốn ODA 'đắp chiếu' vì thiếu vốn

Trường tiểu học Bình Thủy đang trong tình trạng dang dở vì thiếu vốn

Khởi công từ trước tháng 12/2015, nhưng do chưa cấp vốn kịp thời nên nhiều công trình giáo dục y tế trên địa bàn bốn quận gồm: Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy và Ô Môn của thành phố Cần Thơ trị giá hàng trăm tỷ đồng phải dừng thi công, gây lãng phí và trở ngại đến kế hoạch sử dụng…  
    
Từ nguồn vốn kết dư của Dự án nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL-Tiểu dự án TP Cần Thơ (WB2) khoảng 14 triệu USD, qua đàm phán, Ngân hàng Thế giới (WB) đồng ý cho Cần Thơ sử dụng để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho ngành giáo dục và y tế. 

Nhằm phát huy hiệu quả vốn vay ưu đãi, trước tháng 12/2015, thành phố Cần Thơ và Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức Cần Thơ (Ban ODA) đã cho khởi công hàng trục công trình trường – trạm và ấn định thời gian hoàn thành sau hơn 6 đến 10 tháng thi công. 

Tuy vậy đến nay không ít công trình mới xong phần móng và khung cột trên mặt đất (ước đạt hơn 30%), có những hạng mục chỉ còn phần mái cũng không thể hoàn thiện, do chủ đầu tư nợ nhà thầu giá trị thi công quá lớn, nên nhà thầu không thể vay thêm ngân hàng và mua thiếu chịu vật tư để thi công tiếp.

Ghi nhận tại các công trình trên địa bàn Ninh Kiều và Bình Thủy, hầu hết các công trình đã vắng bóng lực lượng thi công từ nhiều tháng nay, nên cỏ đã mọc xanh trên mặt bằng xây dựng, sắt thép thì hoen rỉ vứt ngổn ngang.

Công ty Cổ phần xây dựng Sóc Trăng trúng thầu 4 công trình trường học tại quận Ô Môn và Ninh Kiểu với tổng giá trị thi công 75 tỷ, giá trị thi công tính chung gần 60 tỷ (hơn 70%) nhưng đến nay mới được chủ đầu tư thanh toán 45 tỷ (khoảng 60% giá trị thi công). 

Tương tự, tại quận Ô Môn, công trình Trường tiểu học Trần Hưng Đạo được bàn giao vào tháng 8/2016 và công trình trường Mầm non Ngôi Sao nghiệm thu kỹ thuật vào tháng 1/2017 với tổng giá trị thi công tính cả dự phòng và phát sinh khoảng 38 tỷ đồng nhưng nay mới được thanh toán khoảng 25 tỷ đồng (65%). 

Theo Sở kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ, để đầy nhanh tiến độ thi công các công trình có nguồn vốn ODA, UBND thành phố Cần Thơ đã rất nỗ lực bố trí và giải ngân vốn đối ứng của đại phương. 

Hiện Cần Thơ có 15 chương trình, dự án vốn ODA với tổng vốn đầu tư 13.279 tỷ đồng (vốn ODA do Trung ương quản lý điều tiết 9.986 tỷ đồng, vốn đối ứng là 3.293 tỷ). Trong đó, kế hoạch bố trí vốn ODA của Trung ương là 2.932 tỷ đồng, mới bố trí 65/932 tỷ (đạt gần 7%), chỉ phục vụ cho dự án kè bờ sông để ứng phó với biến đổi khí hậu, còn các dự án khác Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang rà soát nên chưa bố trí. 

Qua tìm hiểu của các cơ quan chức năng tại thành phố Cần Thơ, trước năm 2016, vốn ODA và vốn ngân sách là nguồn khác nhau, với các công trình đầu tư xây dựng sử dụng vốn ODA  được cấp phát về địa phương theo kế hoạch đăng ký hàng năm với các Bộ ngành Trung ương, từ nguồn cấp phát này, địa phương chỉ phải lo vốn đối ứng và giải ngân theo tiến độ thực hiện, vì thế tiến độ giải ngân vốn ODA có khi đạt tới 400%.

Nhưng từ năm 2016 theo qui định mới, vốn ODA được xem như vốn ngân sách và phải thông qua Quốc hội mới được bố trí, rồi mới phân bổ cho 63 tỉnh, thành nên gặp nhiều trở ngại…

Ông Huỳnh Thanh Sử, Giám đốc Ban ODA của Cần Thơ cho biết, năm 2016 thành phố Cần Thơ đăng ký về Bộ, ngành Trung ương  400 tỷ đồng, nhưng chỉ được cấp phát 150 tỷ đồng (36,25%). 

Với số vốn ít ỏi này đến tháng 6/2016 Cần Thơ đã  giải ngân hết, trong khi để đảm bảo tiến độ các nhà thầu vẫn phải thi công và thi công cầm chừng để chờ vốn về, nhưng  chờ đến cuối quý III đầu quý IV/2016  vốn vẫn không được cấp phát. 

Đến thời điểm này, Ban đã nợ các nhà thầu hơn 150 tỷ  đồng do không có tiền thanh toán các nhà thầu ngưng thi công với hàng chục công trình.

Nếu tính nợ đến thời điểm cuối quý I/2017, số nợ sẽ cao hơn nhiều, do một số nhà thầu được động viên tiếp tục thi công, nếu chậm thanh toán Ban sẽ xác nhận nợ cho đơn vị thi công vay thêm ngân hàng, hoặc mua chịu vật tư… "Tình trạng hiện nay vốn chậm về ngày nào, nợ của chúng tôi tăng thêm ngày đó", ông Sử nói.

Tin mới lên