Tài chính tiêu dùng

Cánh cửa tiêu dùng mở: Nhà sản xuất và dịch vụ hưởng lợi

Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng ghi nhận những kết quả khả quan.

Cánh cửa tiêu dùng mở: Nhà sản xuất và dịch vụ hưởng lợi

Ảnh minh họa.

Năm nào cũng vậy, dịp cuối năm cận Tết Nguyên đán luôn là thời điểm nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Thế nên từ nhiều tháng nay, hầu hết các trung tâm buôn bán điện máy, xe máy, nội thất trên cả nước đều ghi nhận lượng khách hàng tăng đột biến, trong đó ngày càng nhiều khách hàng chọn hình thức mua hàng trả góp.

Theo đánh giá của một chuyên gia tài chính, việc sử dụng hình thức vay mua trả góp của người dân càng tăng thì không chỉ ngành tài chính mà ngành hàng sản xuất và dịch vụ cũng có nhiều cơ hội tăng trưởng nhanh.

Thừa nhận điều này, một lãnh đạo Ngân hàng Maritime Bank cho biết, đối với ngành ngân hàng, trong bối cảnh khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, việc dịch chuyển dòng vốn tín dụng sang khu vực khác như khu vực hộ gia đình, doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp sản xuất nhỏ… như một lời giải phù hợp trong trung hạn cho bài toán duy trì tăng trưởng kinh tế. 

Theo ước tính của vị này, tín dụng tiêu dùng sẽ tăng trưởng trung bình 30% trong 3 năm tới. Các doanh nghiệp kinh doanh hộ nếu biết nắm bắt cơ hội, thì năm 2018 sẽ là năm ghi nhận thành công, vị lãnh đạo ngân hàng nói thêm.

Quả vậy, có thể thấy rằng, việc dịch chuyển dòng vốn tín dụng sang khu vực hộ gia đình của một số ngân hàng là chiến lược riêng. Nhưng rõ ràng hướng đi này lại thúc đẩy cả nền kinh tế phát triển.

Đơn cử, tại một ngân hàng, khi phân loại tín dụng tiêu dùng theo mục đích sử dụng, dễ nhận thấy dòng vốn tín dụng tiêu dùng từ hệ thống ngân hàng hướng tới các khoản cho vay lớn như mua bán, sửa chữa nhà ở và phương tiện giao thông. 

Trong bối cảnh NHNN đang kiểm soát chính sách cho vay lĩnh vực bất động sản thì với diễn biến trên được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thị trường từ phía cầu, đặc biệt phân khúc trung cấp. Điều này không chỉ giúp cho các nhà kinh doanh bất động sản bán được hàng, mà các ngành khác như sắt thép, nội thất, thiết bị vệ sinh, ngành may, ngành dệt… cũng phát triển tương đồng.

Việc sử dụng hình thức vay mua trả góp của người dân càng tăng thì không chỉ ngành tài chính.

Ở khía cạnh khác, các ngân hàng liên tục hướng đến các khoản cho vay có giá trị nhỏ sẽ thúc đẩy thị trường bán lẻ của Việt Nam. Theo số liệu từ một ngân hàng thương mại cổ phần, hàng hóa tiêu dùng lâu bền như tivi, tủ lạnh... trung bình chiếm 28% tổng giá trị cho vay của mỗi ngân hàng. Điều này giúp cho các nhà sản xuất điện tử, điện máy… ngày càng tăng trưởng về quy mô cũng như năng lực sản xuất.

Nhìn chung, tâm lý chi tiêu của người mua mở hơn, họ sẵn sàng tiếp cận các dịch vụ vay mượn nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động học tập, du lịch và chữa bệnh… Đối với các nhà sản xuất, nhà phân phối, họ có thể tận dụng lượng khách hàng tại chỗ để bán hàng, góp phần tăng doanh số trong thời gian ngắn nhất.

Đánh giá về lợi ích có được, TS-LS. Bùi Quang Tín cho rằng, người tiêu dùng là người được hưởng lợi trực tiếp và nhiều nhất từ hình thức tài chính tiêu dùng. Tuy nhiên, hình thức này thúc đẩy sức mua, qua đó đẩy mạnh quá trình sản xuất, lưu thông hàng hóa của thị trường, đặt các nhà sản xuất vào môi trường cạnh tranh hơn để đưa ra thị trường những sản phẩm tốt nhất, từ đó hỗ trợ cho việc phát triển kinh tế nói chung.

Cùng quan điểm, ông Đinh Thế Hiển nói rằng, những năm gần đây, thị trường bán lẻ chứng kiến rất nhiều "ông lớn" tham gia, đua nhau mở cửa hàng mới. Có điều, khi nhà sản xuất được hưởng lợi thì giờ đây người tiêu dùng cần đòi hỏi phải khắt khe hơn về chất lượng sản phẩm.

"Bây giờ đã hết thời xin được mua trả góp nên người mua đừng quan niệm có gì mua nấy. Trái lại, người mua hàng phải khắt khe hơn, lựa chọn doanh nghiệp bán lẻ nào có chất lượng tốt nhất, đặc biệt chú trọng vào khâu chăm sóc khách hàng, hậu mãi…", ông Hiển nhấn mạnh.

Thực ra, về chất lượng sản phẩm, hầu như các hãng bán lẻ lớn hiện nay đều có nguồn hàng như nhau, giá cả cũng không có sự chênh lệch nhiều. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng như công ty tài chính đã liên kết rất rộng với các điểm bán lẻ nên người mua có thể lựa chọn vay mua bất cứ điểm kinh doanh nào. Do đó, đối với một mặt hàng vay mua trả góp, chất lượng kết hợp với chính sách hậu mãi sau bán hàng chính là yếu tố quan trọng để người tiêu dùng lựa chọn…

Tin mới lên