Tài chính quốc tế

Cáo buộc Nga bắn rơi MH17: Anh, Đức lại ‘đổ thêm dầu vào lửa’

(VNF) - Ngay sau khi Hà Lan chính thức cáo buộc tên lửa bắn hạ máy bay MH17 là của quân đội Nga, phía Đức đã lên tiếng kêu gọi Nga phải hành động có trách nhiệm còn Anh thì cho rằng Điện Kremlin đã ‘xem thường những mạng sống vô tội’.

Cáo buộc Nga bắn rơi MH17: Anh, Đức lại ‘đổ thêm dầu vào lửa’

Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định tên lửa bắn rơi MH17 không thuộc Nga.

Ngày 25/5, Hà Lan chính thức lên tiếng yêu cầu chính phủ Nga chịu trách nhiệm cho vụ rơi máy bay MH17 ở miền Đông Ukraine vào năm 2014, làm tất cả 298 người trên máy bay thiệt mạng.

"Chúng tôi kêu gọi Nga nhận trách nhiệm và hoàn toàn hợp tác trong tiến trình tìm kiếm sự thật, đạt được công lý cho các nạn nhân của chuyến bay MH17", Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Hà Lan Stef Block nói.

Động thái này được đưa ra trong bối cảnh chỉ một ngày trước đó, Đội điều tra hỗn hợp (JIT), bao gồm các đại diện của Hà Lan, Australia, Malaysia, Bỉ và Ukraine, cho biết tên lửa bắn hạ chiếc Boeing 777 số hiệu MH17 của hãng Malaysia Airlines thuộc về lữ đoàn phòng không 53 đoàn Nga đóng tại thành phố Kursk, phía tây Nga.

Ngay sau đó, bà Martina Fietz, Phó phát ngôn viên Chính phủ Đức đã lên tiếng kêu gọi Nga hành động có trách nhiệm và hỗ trợ điều tra vụ rơi máy bay MH17 của Malaysia năm 2014: "Nga nên thể hiện trách nhiệm của mình để thảm kịch có thể được giải thích đầy đủ và các thủ phạm phải chịu trách nhiệm".

 “Chính phủ Đức lấy làm tiếc trước việc JIT vẫn chưa nhận được một phản ứng thỏa đáng từ Moscow với yêu cầu hỗ trợ pháp lý”, bà Fietz nhấn mạnh.

JIT cho biết tên lửa bắn hạ chiếc Boeing 777 số hiệu MH17 của hãng Malaysia Airlines thuộc về lữ đoàn phòng không 53 của Nga.

Bộ trưởng Ngoại giao Anh Boris Johnson cũng lên án Nga, cho rằng “đây là một ví dụ nổi bật cho thấy sự xem thường những mạng sống vô tội của Điện Kremlin".

Trong khi đó, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg hối thúc Nga hợp tác với các nhà điều tra cũng như "thừa nhận trách nhiệm" trong việc bắn hạ MH17.

Cũng trong ngày 25/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định tên lửa bắn rơi chiếc máy bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines hồi năm 2014 không thuộc quân đội Nga.

Tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St.Petersburg (SPIEF-2018) lần thứ 22 đang diễn ra, khi được hỏi về việc liệu tên lửa bắn hạ máy bay MH17 có phải thuộc Nga hay không, Tổng thống Putin trả lời rằng: "Dĩ nhiên là không."

Ông Putin cũng cho rằng Nga không thể tin hoàn toàn vào kết luận của Hà Lan về vụ việc do Moskva không tham gia vào tiến trình điều tra.

Trước đó cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga cho biết tên lửa bắn rơi máy bay MH17 có thể thuộc quân đội Ukraine. Phía Nga nêu rõ mảnh động cơ tên lửa được đưa ra trong cuộc họp báo của Ủy ban điều tra hỗn hợp không thể thuộc quân đội Nga bởi tất cả tên lửa sản xuất năm này đều đã được tái chế vào năm 2011 và nguyên nhân duy nhất mà ủy ban điều tra của Hà Lan im lặng về nguồn gốc động cơ tên lửa sản xuất năm 1986 là do động cơ này thuộc quân đội Ukraine.

Hiện trường vụ máy bay MH17 rơi.

Trong khi đó, sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Hà Lan, Ngoại trưởng Nga Seigei Lavrov tuyên bố Hà Lan đã không thể đưa ra bằng chứng cho cáo buộc Nga liên quan đến vụ rơi máy bay MH17 hồi tháng 7/2014 ở miền Đông Ukraine.

Chuyến bay MH17 rời sân bay Schiphol ở Amsterdam, Hà Lan tới Kuala Lumpur, Malaysia lúc 12h31 ngày 17/7/2014. Chiếc Boeing 777 mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu khi cách biên giới Nga - Ukraine khoảng 50 km. MH17 bị tên lửa bắn ở khu vực Donetsk do phe nổi dậy thân Nga kiểm soát. Tất cả 298 người, trong đó hơn một nửa là người Hà Lan, thiệt mạng.

Trong số hành khách tử nạn có ba công dân Hà Lan gốc Việt, bà Nguyễn Ngọc Minh, sinh năm 1977 và hai con là Đặng Minh Châu (sinh 1997), Đặng Quốc Huy (sinh 2001) đã đang trên đường quá cảnh tại Kuala Lumpur, Malaysia, để về Hà Nội nghỉ hè cùng gia đình.

Nhà chức trách Ukraine và nhiều quốc gia phương Tây cáo buộc lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine đứng sau vụ việc này.

Tuy nhiên, Moskva và những người đứng đầu lực lượng nổi dậy ở Đông Ukraine bác bỏ mọi cáo buộc, khẳng định máy bay đã trúng một tên lửa bắn đi từ khu vực do quân đội Chính phủ Ukraine kiểm soát.

Xem thêm >>Ông Putin dập tắt ý tưởng sẽ sửa đổi hiến pháp để tại vị thêm 1 nhiệm kỳ nữa

Tin mới lên