Bất động sản

Cao tốc Bắc-Nam sẽ tác động đến hoàn vốn BOT Quốc lộ 1 thế nào?

(VNF) - Trong tháng 10/2018, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiến hành sơ tuyển nhà đầu tư các dự án cao tốc Bắc - Nam thực hiện bằng hình thức đối tác công - tư (PPP). Dù rất cấp thiết xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam, nhưng điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc hoàn vốn các BOT đang thu phí trên Quốc lộ 1.

Cao tốc Bắc-Nam sẽ tác động đến hoàn vốn BOT Quốc lộ 1 thế nào?

Tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ phát huy hiệu quả cao sau khi đưa vào sử dụng

Theo thiết kế, dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam dài khoảng hơn 2.100 km sẽ chạy qua 32 tỉnh thành với tổng mức đầu tư khoảng hơn 310.000 tỷ đồng.

Theo Bộ Giao thông vận tải, giai đoạn 1 của cao tốc Bắc - Nam dự kiến đầu tư hơn 650 km với tổng kinh phí hơn 118.000 tỷ đồng. Trong đó, 55.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, 63.000 tỷ đồng huy động nhà đầu tư (13.000 tỷ đồng từ vốn chủ sở hữu nhà đầu tư, còn lại được huy động các tổ chức tín dụng).

Lãnh đạo Vụ PPP, Bộ Giao thông vận tải cho biết “ngay sau khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (trong tháng 10/2018), Bộ Giao thông vận tải sẽ lựa chọn nhà thầu tư vấn theo hình thức đấu thầu rộng rãi, tổ chức khảo sát và lập thiết kế kỹ thuật, dự toán các dự án thành phần”.

“Dự kiến, giai đoạn thiết kế kỹ thuật, dự toán triển khai trong khoảng 11 tháng từ tháng 10/2018 - 8/2019. Bộ Giao thông vận tải cũng sẽ cập nhật hồ sơ mời thầu để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong khoảng 7 tháng từ tháng 9/2019 - 3/2020. Theo tính toán, các dự án cao tốc Bắc – Nam sẽ hoàn thành trong 3-4 năm tới”, lãnh đạo Vụ PPP nói.

Trong khi cao tốc Bắc - Nam đang rốt ráo triển khai thì nhiều chuyên gia giao thông lại lo ngại về việc khó hoàn vốn BOT trên các tuyến quốc lộ.

Lý do là thời gian qua đã xảy ra quá nhiều tai tiếng tại các BOT, trong đó chủ yếu liên quan tới vị trí, mức phí tại các trạm BOT. Điều này rõ ràng ảnh hưởng đến phương án tài chính của nhà đầu tư BOT, trong khi nguồn vốn của các nhà đầu tư BOT chủ yếu đi vay ngân hàng.

Một nhà đầu tư BOT trên Quốc lộ 1A (xin được giấu tên) chia sẻ: “Hiện tại, làn sóng BOT phản đối khá mạnh, các dự án đều đã phải giảm phí, kéo dài thời gian thu phí”.

“Giờ nếu có cao tốc Bắc - Nam thì thời gian thu phí sẽ tiếp tục kéo dài, vượt quá thời hạn cho vay của ngân hàng, làm phương án tài chính của dự án đổ bể. Bộ Giao thông vận tải cần có hướng giải quyết sớm vấn đề này”, nhà đầu tư BOT lo lắng.

Liên quan việc khó hoàn vốn cho các BOT, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đánh giá "điều này đã được dự báo trước trong quá trình đàm phán mở rộng BOT Quốc lộ 1. Vì thế, các BOT đều có các điều khoản hợp đồng, thậm chí có dự trù trong phương án tài chính phân tải lưu lượng xe. Trong đó có việc dự trù phân tải bao nhiêu % cho cao tốc, bao nhiêu % cho Quốc lộ 1".

"Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải sẽ cùng các cơ quan liên quan xem xét trên điều kiện thực tế, cập nhật lượng xe và chốt lại phương án tài chính. Bộ Giao thông vận tải cũng sẽ kiểm nghiệm, cập nhật bằng thực tế thời gian dự án đưa vào khai thác, lưu lượng xe hiện tại để 'chốt' lại phương án tài chính của 2 dự án song hành".

“Phương án lưu lượng xe phân sang cao tốc chỉ là một phần và không vượt quá ngưỡng thu phí hoàn vốn, nhanh nhất phải 3-4 năm nữa mới có các dự án cao tốc song hành Quốc lộ 1,” ông Đông nói.

Tin mới lên