Tiêu điểm

Cập nhật: Chuẩn bị công bố toàn văn nội dung thỏa thuận TPP

(VNF) - Theo nguồn tin riêng của VietnamFinance, toàn văn nội dung thỏa thuận của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được công bố trong chiều ngày hôm nay 5/11, tức là tròn 1 tháng sau khi được 12 quốc gia cùng ký kết.

Cập nhật: Chuẩn bị công bố toàn văn nội dung thỏa thuận TPP

Dệt may được dự báo là ngành hưởng lợi lớn từ TPP

Đây là điều được cộng đồng doanh nghiệp không chỉ ở 12 nước tham gia TPP mà còn ở các quốc gia khác quan tâm vì liên quan trực tiếp đến các hoạt động thương mại và đầu tư toàn cầu trong thời gian tới.

Tại Việt Nam, tài liệu tóm tắt về TPP đã được Bộ Công Thương công bố ngay sau khi thỏa thuận được ký kết, tuy nhiên chi tiết các thỏa thuận thì vẫn đang được bỏ ngỏ vì còn chờ các quốc gia khác cùng công bố.

Và mặc dù toàn văn thỏa thuận có thể được công bố vào ngày 5/11, nhiều khả năng chỉ mới có bản tiếng Anh và các doanh nghiệp có thể sẽ phải đợi thêm để có được bản tiếng Việt.

Tại cuộc họp báo thông báo về kết quả đàm phán TPP diễn ra hồi đầu tháng 10, Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Trần Quốc Khánh cho biết các quốc gia cũng sẽ cần từ 18 tháng đến 2 năm để thông qua hiệp định này.

Sau khi kết thúc đàm phán, Việt Nam đã và đang cùng các nước TPP rà soát pháp lý để bảo đảm lời văn và các biểu cam kết thể hiện đúng kết quả đàm phán. "Đây là công việc phức tạp. Để làm nhanh, đòi hỏi nỗ lực cao độ của tất cả các đoàn đàm phán", ông Khánh cho biết.

Bên cạnh đó, các bên cũng cần dịch thuật và công bố rộng rãi nội dung Hiệp định trên cơ sở hoàn tất sớm rà soát pháp lý. Đồng thời, cần dành thời gian thỏa đáng để các đại biểu Quốc hội, người dân và các doanh nghiệp nghiên cứu nội dung Hiệp định trước khi hiệp định được ký kết.

Về phía Việt Nam, theo Bộ Công Thương, tham gia TPP với tư cách là một trong những thành viên đầu tiên sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế, giúp Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ quốc tế.  
    
Trong khi đó, về mặt kinh tế, theo tính toán của các chuyên gia kinh tế độc lập, trong điều kiện các yếu tố khác đều thuận lợi, TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025; xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025.  

Tin mới lên