Tài chính quốc tế

[Câu chuyện kinh doanh] Boeing: Điều gì làm nên hãng sản xuất máy bay trăm năm tuổi?

(VNF) - Hơn 100 năm trải qua nhiều cuộc thăng trầm và kết liễu số phận của không ít đối thủ cạnh tranh, Boeing vẫn đang tiếp tục tồn tại mạnh mẽ và phát triển không ngừng. Vậy điều gì đã làm nên thành công của hãng sản xuất máy bay này?

[Câu chuyện kinh doanh] Boeing: Điều gì làm nên hãng sản xuất máy bay trăm năm tuổi?

Điều gì làm nên hãng sản xuất máy bay trăm năm tuổi?

Boeing được thành lập tại thành phố Seattle, Washington bởi William E. Boeing và George Conrad Westervelt, một kỹ sư của Hải quân Hoa Kỳ vào ngày 15/7/1916. 

William Boeing đã sớm nhận thấy tiềm năng của ngành công nghiệp mới mẻ và đầy hứa hẹn này. Nhà sáng lập của hãng sản xuất máy bay Boeing tốt nghiệp Đại học Yale và ban đầu làm trong ngành công nghiệp gỗ, nơi ông đã trở nên giàu có. 

Công việc này cũng giúp ông thu thập được những kiến thức về các cấu trúc bằng gỗ mà sau này trở nên có giá trị trong việc thiết kế và lắp đặt máy bay.

Ngày nay, doanh nghiệp ông thành lập đã bước sang năm hoạt động thứ 101. Nhiều người cho rằng Boeing sẽ không thể tiếp tục tồn tại thêm 100 năm nữa khi mà nhìn vào chỉ số công nghiệp Dow Jones, chỉ có duy nhất một trong 30 cổ phiếu trong danh mục đã đạt 200 năm tuổi là General Electric, được sáng lập bởi Thomas Edison. 

Kể từ lần đầu chỉ số này ra mắt vào năm 1896; không ít công ty đã phá sản và bị loại ra khỏi danh mục theo dõi. Hơn 90% các công ty từng chế tạo máy bay ở Mỹ đã phải chịu số phận tương tự.

Tuy vậy, vẫn chưa thể nói trước điều gì khi Boeing vẫn còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ và hiện đang là hãng sản xuất máy bay lớn nhất trên thế giới. Vậy điều gì đã làm nên thành công của tập đoàn trăm năm tuổi này?

Đổi mới đột phá

Điều làm nên sự khác biệt của Boeing với tất cả các hãng sản xuất máy bay khác là việc liên tục đưa ra các sản phẩm mới không những đánh bại đối thủ mà còn có thể thay đổi môi trường cạnh tranh. 

Khi Quân đội Hoa Kỳ yêu cầu một máy bay ném bom "đa động cơ" vào năm 1934, tất cả các đối thủ của Boeing cho rằng điều đó có nghĩa là hai động cơ. Tuy nhiên, Boeing đã tạo ra chiếc máy bay B-17 nổi tiếng với bốn động cơ. 

Tương tự, trong khi các đối thủ cạnh tranh đang nỗ lực chạy đua với sự thành công của máy bay phản lực 707 vào những năm 1960 thì Boeing đã cho ra mắt chiếc jumbojet (máy bay phản lực dân dụng thương mại cỡ lớn thân rộng) đầu tiên trên thế giới.

"Chim ưng biển" V-22 Osprey

Boeing hiện nay vẫn tiếp tục đổi mới không ngừng với "Chim ưng biển" V-22 Osprey, máy bay đa năng với khả năng cất cánh thẳng đứng như trực thăng nhưng di chuyển với vận tốc của máy bay chiến đấu và hạ cánh trên đường băng như các máy bay phản lực thông thường.

Chiếc Boeing 787 Dreamliner của hãng cũng vượt trội hơn hẳn so với bất kỳ chiếc máy bay Airbus nào sẽ được cung cấp trong tương lai gần. Mặc dù nhà sản xuất máy máy bay phản lực châu Âu đôi khi có thể đánh bại Boeing về mặt giá cả, nhưng công nghệ vẫn có phần yếu thế hơn.

Chiến lược linh hoạt

Trong môi trường kinh doanh đầy biến động, không ít những "gã khổng lồ" đã phải dừng cuộc chơi. Baldwin, nhà sản xuất đầu máy xe lửa lớn nhất trên thế giới, thất bại trong việc chuyển đổi từ động cơ hơi nước sang động cơ diesel, đã hoàn toàn biến mất khỏi thị trường. 

Tương tự như vậy, McDonnell Douglas là công ty hàng đầu thế giới trong những năm 1960 và 1970, nhưng lúng túng trong quá trình chuyển đổi sang máy bay tàng hình chống lại việc phát hiện từ rada, do đó cuối cùng đã bị Boeing thâu tóm.

Boeing 777 – phi cơ hàng không dân sự lớn nhất thế giới

Thế hệ các nhà quản lý của Boeing đã học được cách thích ứng với một thị trường đầy biến động. Khi công ty đánh mất vị trí dẫn đầu với máy bay chiến đấu vào những năm 1930, Boeing đã chuyển sang tập trung sản xuất máy bay ném bom.

Khi Airbus đe dọa thị trường máy bay thương mại vào những năm 90, hãng lập tức đưa ra chiếc boeing 777 – phi cơ hàng không dân sự lớn nhất thế giới tại thời điểm đó. Nhiều đối thủ cạnh tranh như Douglas, Martin, McDonnell không bao giờ có khả năng hồi phục từ những mất mát nhưng Boeing đã tìm ra cách thích nghi bất kể thách thức đó là gì.

Kết hợp thương mại-quân sự

Có một giai thoại phổ biến rộng rãi trong văn hoá chính trị Mỹ là chính phủ đề cao tự do hóa thương mại. Nhưng trên thực tế, chính phủ vẫn là động lực chủ chốt của tiến bộ các ngành công nghiệp, từ việc phát minh các chi tiết lắp lẫn cho đến đường sắt xuyên lục địa hay là internet. 

Vai trò của Chính phủ đặc biệt quan trọng trong sự thành công của các công ty hàng không, bởi vì chính phủ chính là khách hàng duy nhất của các máy bay và tên lửa quân sự, và quản lý hầu như tất cả các sản phẩm hàng không thương mại.

Boeing thúc đẩy kết hợp thương mại - quân sự

Boeing đã học được bài học này từ sớm, khi các hợp đồng vận chuyển hàng không với bưu điện đã giúp hãng tiếp tục các hoạt động kinh doanh trong suốt thời kỳ giữa hai thế chiến. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, những thiết kế thành công nhất của Boeing đã được sử dụng cho cả quân đội và hàng không dân dụng. Máy bay phản lực 707 cũng được dựa trên một thiết kế đã được sử dụng để sản xuất hàng trăm máy bay tiếp nhiên liệu và máy bay radar cho Không quân Hoa Kỳ.

Hơn 100 năm trải qua nhiều cuộc thăng trầm và kết liễu số phận của không ít đối thủ cạnh tranh, Boeing vẫn đang tiếp tục tồn tại mạnh mẽ và phát triển không ngừng. Tuy vậy trong một thị trường đầy biến động như hiện nay, vẫn chưa có gì chắc chắn để nói về tương lai của Boeing.

Từ khoá: Boeing,
Tin mới lên