Tài chính quốc tế

[Câu chuyện kinh doanh] Liệu gã khổng lồ ‘già cỗi’ IBM có vượt qua cú chuyển mình công nghệ mới nhất?

(VNF) – Những gã khổng lồ công nghệ thường được ví như những chú khủng long, bởi hầu hết không thể thích ứng được với thời đại mới. Một số ít gắng trụ qua hai hoặc ba cuộc chuyển giao thời đại. Nhưng chỉ duy nhất một công ty tồn tại được qua tất cả các cuộc chuyển giao ấy – đó chính là IBM.

[Câu chuyện kinh doanh] Liệu gã khổng lồ ‘già cỗi’ IBM có vượt qua cú chuyển mình công nghệ mới nhất?

Vị "lão làng" công nghệ IBM đang cố gắng xoay sở trước bước chuyển giao công nghệ mới nhất: điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI).

Trong hơn 100 năm qua, IBM luôn nỗ lực thực hiện sứ mệnh tạo nên một hành tinh thông minh hơn.

Sức mạnh tồn tại của vị "lão làng" công nghệ

IBM (International Business Machines) là tập đoàn công nghệ thông tin (IT) lớn nhất thế giới, có "tuổi thọ" hơn 100 năm với gần 390.000 nhân viên. Được thành lập từ năm 1911, IBM ban đầu là Công ty Computing – Tabulating – Recording (C-T-R), một trong những đơn vị đầu tiên gia nhập vào ngành công nghiệp máy tính. IBM cũng chính là công ty đầu tiên sản xuất máy tính cho chính phủ, sau đó là các cơ sở giáo dục và các doanh nghiệp lớn.

Năm 1981, IBM chính thức bước vào thị trường máy tính cá nhân với máy tính IBM, khởi đầu cuộc cách mạng máy tính cá nhân trên toàn cầu. Một phần nguyên nhân ban đầu làm nên thành công của IBM là các công ty khác đều sản xuất máy tính tương thích với máy tính IBM, khiến cho máy tính IBM trở thành tiêu chuẩn đầu ngành. Sau đó, IBM tiếp tục đầu tư và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), siêu máy tính chơi cờ vua, và công nghệ máy tính tự phục hồi.

Tuy nhiên, thành công lớn nhất của IBM nằm ở khả năng điều chỉnh và thích nghi với những thay đổi trong ngành công nghiệp máy tính và công nghệ. Điều làm nên sự khác biệt của IBM với những gã khổng lồ công nghệ "già cỗi" khác.

Máy tính IBM được xem là tiêu chuẩn đầu ngành vào những năm 1980 - tạo nên thành công bước đầu cho hãng công nghệ này.

Công ty này liên tục khai thác các quy trình cải tiến, phân tích chiến lược kinh doanh và mở rộng sang mảng điện toán đám mây. Để thích ứng với thời đại, IBM chấp nhận loại bỏ và thu hẹp các sản phẩm mà công ty đã phát triển nhiều năm, thậm chí cả những sản phẩm tự phát minh.

IBM tập trung nhiều vào đổi mới, đạt được nhiều bằng sáng chế hàng năm hơn bất kỳ công ty công nghệ nào. Ngoài ra, một trong các yếu tố đặc biệt góp phần vào thành công liên tiếp của IBM trong hơn 1 thế kỷ qua là sự nỗ lực tìm ra giải pháp cho các vấn đề trên toàn cầu, như việc quản lý nguồn nước – Smater Planet hay đóng góp vào sự tăng trưởng tích cực ở các quốc gia như Braxin, Ấn Độ, Trung Quốc và Nga.

Cơ hội tăng tốc trong cuộc chiến công nghệ mới?

Thành công là vậy, nhưng sau 21 quý gần đây liên tục chứng kiến doanh thu giảm mạnh, nhiều người bắt đầu đặt ra nghi vấn về khả năng thích ứng của IBM trước cú chuyển giao công nghệ mới nhất: lĩnh vực điện toán đám mây và trí thông minh nhân tạo (AI). 

Warran Buffett, Giám đốc điều hành của Berkshire Hathaway, gần đây thông báo đã bán 1/3 tổng số cổ phần của mình ở IBM với giá 13,5 tỷ USD. Ông cho biết, "Tôi không còn đánh giá cao IBM như 6 năm trước, thời điểm tôi bắt đầu mua cổ phần ở công ty này".

Tuy nhiên, diễn biến khả quan trong kết quả kinh doanh quý III/2017 của IBM phần nào xóa tan nghi ngờ này. Doanh thu mặc dù vẫn giảm, chỉ đạt 19,2 tỷ USD, nhưng lại cao hơn so với dự đoán ban đầu. IBM tin rằng sự tăng trưởng sẽ tiếp tục trở lại trong quý tới.

Ngoài ra, giá cổ phiếu của công ty này cũng tăng 8,9% vào hôm 18/10, mức tăng cao nhất kể từ năm 2009. Vậy liệu IBM có thể tạo nên cú lội ngược dòng?

Kết quả kinh doanh ảm đạm của IBM trong một thời gian dài.

Sau trải nghiệm suýt đối mặt với "tử thần" vào đầu những năm 1990, khi doanh số máy tính của IBM gần như sụp đổ, công ty này đã tìm ra một công thức để đi đầu về công nghệ. Dưới thời đại của Louis Gerstner và Sam Palmisano, IBM nhanh chóng thích ứng với Internet và là một trong những hãng IT lớn đầu tiên phát triển phần mềm mã nguồn mở.

IBM đã không chần chừ bán đi các lĩnh vực kinh doanh không đem lại nguồn thu đáng kể, như mảng máy tính cá nhân và máy chủ cấp thấp, đồng thời kiên trì với một lộ trình tài chính giúp công ty này có thể sinh lời trong 5 năm tới. IBM cũng chi hàng tỷ USD để mua cổ phiếu quỹ, nhằm cải thiện thu nhập trên mỗi cổ phiếu (ESP).

Nhưng chính việc bám trụ các chỉ số tài chính khiến IBM có một khởi đầu muộn trong cuộc cách mạng điện toán đám mây, xu hướng mà chính IBM phát hiện đầu tiên. Kết quả, giờ đây IBM cũng chỉ là một người chạy đua trong cuộc chiến này, xếp sau cả Amazon và Microsoft với khoảng cách lớn.

IBM quyết tầm đầu tư vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).

Chấp nhận thua trên mảng điện toán đám mây, IBM nỗ lực trở thành tập đoàn đầu tiên "chơi lớn" về trí thông minh nhân tạo (AI), dựa trên công nghệ Watson – đưa ra các dự đoán dựa vào những dữ liệu lặp lại có sẵn. 

IBM đã đầu tư hàng tỷ USD vào lĩnh vực này, đặc biệt là ở mảng chăm sóc sức khỏe. Điển hình là công ty này đã giúp các bệnh viện sử dụng dữ liệu thông tin có sẵn để đánh giá rủi ro sức khỏe của bệnh nhân. 

Những biểu hiện không mấy khả quan ở mảng IT gần đây khiến cho nhiệm vụ vừa xử lý các bộ phận kinh doanh cũ, vừa phải nhanh chóng tăng trưởng các mảng mới của IBM càng khó thực hiện. Ngoài điện toán đám mây và AI, IBM còn đang phát triển mảng an minh mạng, các dịch vụ di động và các sản phẩm dựa trên blockchain (công nghệ đứng sau đồng tiền ảo Bitcoin). "Như thể IBM đang phải ra sức chạy ngược chiều trên một thanh cuốn di chuyển", Frank Gens, chuyên gia phân tích tại IDC, nhận xét.

Trong 5 năm qua, IBM đã không chạy đủ nhanh, khiến cho doanh thu giảm khá nhiều. Nhưng với các giải pháp của mình, công ty này cam kết sẽ không tiếp tục trượt dốc nữa. Doanh thu ở những mảng cốt lõi (bán sản phẩm và dịch vụ trong máy tính) của IBM đã giảm 9% trong quý gần nhất. 

Ngược lại, mảng điện toán đám mây và AI lại tăng 10% trong quý III/2017. Hai lĩnh vực này tiếp tục đóng góp 45% doanh thu cho IBM, tăng hai điểm phần trăm so với quý trước. Martin Schroeter, Giám đốc tài chính của công ty, cho biết: "Chúng tôi đang đi đúng lộ trình mà IBM đã hứa từ đầu năm".

Ngoài ra, ông Schroeter dự kiến doanh thu sẽ cao hơn 300 – 400 triệu USD nhờ một phiên bản mainframe với được giới thiệu gần đây của IBM đang bán chạy.

IBM cần tiếp tục đưa ra nhiều bằng chứng hơn để thuyết phục các nhà đầu tư về khả năng phục hồi của mình.

Về mảng AI, mặc dù tình hình tài chính chưa mấy sắc nét, nhưng công ty này vẫn giữ tinh thần lạc quan. IBM đề cao mảng AI như "một sợi chỉ bạc xuyên suốt khắp các sản phẩm của công ty", theo lời ông Schroeter. 

IBM cho rằng ngày càng nhiều các khách hàng quan tâm và sử dụng công nghệ này để làm nền tảng cho các dịch vụ mới như tư vấn thuế hay chăm sóc khách hàng tự động. Hãng cũng đảm bảo các sản phẩm AI như nhận diện giọng nói và dịch thuật luôn có sẵn như một dịch vụ trực tuyến và dễ dàng tích hợp với sản phẩm của các doanh nghiệp.

Trước mắt, các lĩnh vực kinh doanh mới chưa sinh lời nhiều bằng những mảng cũ. Nhưng giá cổ phiếu IBM có dấu hiệu phục hồi gần đây cho thấy các nhà đầu tư vẫn cho IBM một cơ hội nữa. Công ty này cần tiếp tục đưa ra những bằng chứng cho thấy sự kỳ vọng của các nhà đầu tư trong cú lội ngược dòng này là xứng đáng.

Tin mới lên