Tài chính quốc tế

[Câu chuyện kinh doanh] McDonald's đang âm thầm trở thành công ty bất động sản như thế nào?

(VNF) - Thành công với vai trò kinh doanh chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh, McDonald's đang âm thầm trở thành công ty bất động sản như thế nào?

[Câu chuyện kinh doanh] McDonald's đang âm thầm trở thành công ty bất động sản như thế nào?

McDonald's: Nhà hàng hay công ty bất động sản?

Khởi đầu từ một nhà hàng nhỏ tại California

Được thành lập bởi Richard và Maurice McDonald’s vào đầu những năm 1940, McDonald’s đi tiên phong trào lưu xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ nhanh - một hệ thống đơn giản sử dụng hiệu quả mô hình dây chuyền tại các nhà hàng để chế biến hamburger.

McDonald’s ban đầu chỉ phục vụ bánh hamburger và các bữa ăn gia đình tại một nhà hàng ở thị trấn nhỏ tại California. Đây được coi như là một cú hít lớn thời đó khi mà khách hàng mệt mỏi trong việc chờ đợi hàng giờ để thưởng thức bữa ăn tại các nhà hàng lân cận khác.

Du khách bắt đầu đổ xô đến nhà hàng của anh em McDonald’s để có được những món ăn ngon với giá cả phải chăng mà chỉ mất vài phút chờ đợi.

Dù thành công như vậy, McDonald’s đã mất một thời gian khá dài để trở thành một trong những thương hiệu nhà hàng hàng đầu thế giới. Công ty này chỉ nộp đơn đăng ký nhãn hiệu vào năm 1961, và giới thiệu linh vật là chú hề Ronald McDonald cùng năm đó.

Nhà hàng McDonald's đầu tiên trên thế giới

Ray Kroc, một doanh nhân sinh ra tại Chicago, đã giúp đỡ anh em nhà McDonald mở rộng cơ hội kinh doanh sang vùng Nam California. McDonald’s mở thêm 9 nhà hàng vào cuối những năm 1950 và nhanh chóng trở thành thương hiệu hàng đầu.

Ngày nay, McDonald’s quản lý hơn 36.000 nhà hàng trên toàn thế giới, phục vụ mọi thứ từ bữa sáng với chiếc bánh McMuffins đến những món ăn độc đáo như McShrimp. Là một trong những tập đoàn toàn cầu thực sự trên thế giới, các nhà hàng của McDonald’s có thể được tìm thấy ở hầu hết các quốc gia.

Sự phát triển này đã thu hút được nhiều lời khen ngợi từ các nhà phân tích kinh doanh và cả những lời khinh miệt từ các nhà bảo tồn văn hoá, những người cho rằng McDonald’s đã góp phần gây xói mòn văn hóa của nhiều quốc gia. Đặt đạo đức của công ty sang một bên, thành công của chuỗi nhà hàng này vẫn là không thể phủ nhận, và nó là một trong những thành công lớn nhất của thế kỷ 20.

Nhà hàng hay công ty bất động sản?

Khoảng 85% các nhà hàng của McDonald’s vào năm 2016 được đại diện bởi các cơ sở nhượng quyền thương mại. Theo đó, sẽ có nhiều thương hiệu nhà hàng mang tên McDonald’s nhưng lại không do chính McDonald's điều hành.

Thay vì chỉ thu phí bản quyền và bán các thiết bị nấu ăn, McDonald’s còn kiếm lời từ việc mua các tài sản bất động sản và sau đó cho những người được nhượng quyền thương mại mua lại ở mức chênh lệch rất cao.

Theo blog Wall Street Survivor, McDonald’s duy trì khoảng 82% doanh thu từ các cơ sở được nhượng quyền, so với chỉ khoảng 16% doanh thu từ các địa điểm hoạt động do chính công ty này điều hành.

McDonald's xuất hiện ở hầu hết các quốc gia trên thế giới

Trong một phân tích năm 2015 về việc nhượng quyền thương mại của McDonald, Businessweek đã trích dẫn các ước tính của Janney Capital Markets như sau: Tổng doanh thu mỗi năm cho một cơ sở được nhượng quyền là khoảng 2,7 triệu USD, với 1,7 triệu USD lợi nhuận gộp sau khi tính đến chi phí thực phẩm và giấy ăn. Trừ đi các khoản chi phí khác như tiền thuê địa điểm, lương, quảng cáo, khuyến mại, vật tư vận hành, bảo hiểm, ... lợi nhuận trung bình chỉ còn khoảng 154.000 USD một năm cho một bên nhận quyền.

Theo đó chi phí cho việc thuê cửa hàng mà mỗi cơ sở được nhượng quyền phải trả cho McDonald's chiếm khoảng 22% lợi nhuận gộp trung bình hàng năm.

Chuỗi nhà hàng này hiện có hơn 30 tỷ USD tài sản bất động sản với hơn 36.000 địa điểm trên hơn 100 quốc gia và lợi nhuận hàng năm rơi vào khoảng 4,5 tỷ USD.

Số lượng nhà hàng được nhượng quyền tăng lên nhanh chóng, trong khi đó những nhà hàng do chính công ty này điều hành đã giảm đáng kể trong thập kỷ qua.

Tập trung vào bất động sản phần nào giúp công ty này giảm được số thuế phải đóng. Quy định của Hoa Kỳ có một số điều khoản thuận lợi cho các nhà đầu tư và người cho thuê bất động sản.

Nếu xem xét về mặt khấu hao, một số loại tài sản, chẳng hạn như ô tô sẽ mất giá trị theo thời gian và số thuế phải trả cũng sẽ giảm theo mức giá trị bị mất đi.

Bất động sản, mặt khác, thường tăng giá trị theo thời gian. Tuy nhiên, IRS (Cơ quan quản lý thuế của Hoa Kỳ) cho phép các chủ bất động sản trích khấu hao từ tiền thuê chịu thuế.

Trong năm 2016, McDonald’s đã ghi nhận mức khấu hao là 1,39 tỷ USD, nhưng không rõ bao nhiêu trong số đó là khoản khấu hao từ bất động sản cho các thương hiệu được nhượng quyền thuê lại.

Trong hai thập kỷ gần đây, giá trị bất động sản đã tăng lên không ít, điều này có nghĩa là giá trị tài sản thế chấp bất động sản của công ty này cũng đã tăng lên. Vì vậy, khi McDonald’s muốn mượn tiền để mở rộng đầu tư, chuỗi nhà hàng này có thể đi vay với mức lãi suất thấp.

Tốc độ tăng của doanh thu của McDonald’s giảm đáng kể trong những năm gần đây

Tuy nhiên, trong những năm gần đây tốc độ tăng của doanh thu từ bán đồ ăn nhanh đã có dấu hiệu chững lại và giảm đáng kể. Do đó, McDonald’s đang nỗ lực thực hiện nhiều cải cách như việc ra mắt nền tảng đặt đồ ăn qua di động hay cam kết chỉ sử dụng thịt bò tươi, để có thể theo kịp với những thương hiệu đồ ăn nhanh bình dân khác như Chipotle hay Panera Bread Company.

Nhưng ngay cả khi những ý tưởng này thất bại, gã khổng lồ McDonald’s có lẽ vẫn kiếm được không ít tiền từ việc cho thuê bất động sản.

Tin mới lên