Tài chính quốc tế

[Câu chuyện kinh doanh] Sony: Tưởng ‘chết’ mà lại ‘sống’

(VNF) – Tường chừng như đã không còn lối thoát trong cuộc chiến công nghệ - điện tử đầy khốc liệt, hãng điện tử 70 năm tuổi - Sony bất ngờ trở lại và "lợi hại hơn xưa" sau 5 năm kể từ cuộc cải cách toàn diện của ông Kazuo Hirai, Tổng giám đốc điều hành Sony.

[Câu chuyện kinh doanh] Sony: Tưởng ‘chết’ mà lại ‘sống’

Sau 5 năm cải tổ của ông Kazuo Hirai, Sony đã sẵn sàng trở lại "đường đua" công nghệ.

Báo báo tài chính nửa đầu năm nay của Sony cho thấy, doanh số bán hàng và hoạt động của hãng này đã tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ kinh doanh bán dẫn và dịch vụ tài chính. 

Trong đó, bộ phận kinh doanh bán dẫn của Sony đang cung cấp chip cho hầu hết các smartphone cao cấp hiện nay. Theo Bloomberg, các cảm biến của Sony có thể được tìm thấy trong một nửa số điện thoại trên thế giới, trong đó có cả camera kép ở mặt sau và camera đơn ở mặt trước.

Kết thúc năm tài chính 2016 (từ tháng 3/2016 – 3/2017), Sony đạt 285 tỷ yên (tương đương với 2,65 tỷ USD) lợi nhuận, tăng 19% so với dự báo ban đầu. Trong đó, lợi nhuận ròng tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận ròng của Sony từ năm 2008 - 2017

Theo các chuyên gia, lợi nhuận của Sony có thể đạt tới 500 tỷ yên (tương đương 4,5 tỷ USD) khi kết thúc năm tài chính 2017 (dự kiến kết thúc vào 31/3/2018). Đây là mức lợi nhuận cao kỷ lục trong suốt hai thập niên vừa qua (từ năm 1998 đến nay) mà Sony đạt được.

Riêng ở mảng TV, Sony đã có màn thể hiện rất xuất sắc trong một năm vừa qua. Nếu năm 2016, Samsung vẫn là cái tên dẫn đầu trong phân khúc TV cao cấp với 35,5% thị phần thì đến nửa đầu năm 2017, Sony đã mạnh mẽ vươn lên ngôi đầu bảng phân khúc TV cao cấp giá trị 1.500 USD với thị phần 39%, tăng từ 17,5% trong năm ngoái (theo số liệu thống kê từ Công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu IHS).

Những thành quả "ngọt ngào" hiện tại của Sony khiến nhiều người khó có thể tưởng tượng lại được viễn cảnh đen tối mà Sony đã phải đối mặt gần 10 năm trước đây.

Từ gã khổng lồ thành kẻ tí hon

Năm 2012 đánh dấu cơn ác mộng tồi tệ nhất trong lịch sử Sony khi công ty này báo lỗ kỷ lục 455 tỷ yên (tương đương với 5,7 tỷ USD). Khó có thể tưởng tượng được một trong những công ty công nghệ - điện tử đầu tiên, được ví là đầu tàu công nghệ của Nhật lại lâm vào cảnh khốn đốn trong kinh doanh.

Được thành lập từ năm 1946, Sony đã mất hàng chục năm để xây dựng đế chế và đứng trên đỉnh cao. Vậy mà chỉ cần 20 năm để biến một gã khổng lồ thành kẻ tí hon.

Năm 2012 đánh dấu cơn ác mộng tồi tệ nhất trong lịch sử Sony khi công ty này báo lỗ kỷ lục 455 tỷ yên (tương đương với 5,7 tỷ USD).

Kết thúc năm 2015, doanh thu trên hầu hết "mặt trận" của Sony đều thua kém đối thủ. Chỉ tính riêng quý cuối, doanh thu smartphone của Sony đạt 3,2 tỷ USD, chỉ bằng 1/20 doanh thu iPhone của Apple. Doanh thu mảng TV đạt 2,3 tỷ USD, tương đương 43% doanh thu màn hình của Samsung trong cùng một quý. Thậm chí, mảng chip bán dẫn cũng kém Samsung tới 200 triệu USD doanh thu.

Nguyên nhân khiến Sony mất vị thế đã được đem ra mổ xẻ và phân tích nhiều lần. Nhưng nhìn chung, những vấn đề mà Sony gặp phải cũng chính là các "tử huyệt" của ngành công nghệ - điện tử Nhật Bản.

Vấn đề mà Sony gặp phải cũng chính là các "tử huyệt" của ngành công nghệ điện tử Nhật Bản.

Từ trước đến nay, các tập đoàn điện tử Nhật Bản vẫn luôn xem trọng thị trường trong nước, là ưu tiên số một cho các sản phẩm của mình. Điều này cũng có nghĩa là các sản phẩm công nghệ - điện tử của các hãng đều được thiết kế và sản xuất phù hợp với thị trường nội địa.

Tuy nhiên, quy mô dân số già hóa khiến thị hiếu và nhu cầu về sản phẩm công nghệ - điện tử của người dân Nhật Bản có sự khác biệt nhất định so với phần còn lại của thế giới. Thiếu nhanh nhạy, sáng tạo và già cỗi trong tư duy khiến sản phẩm điện tử của Nhật khó có thể cạnh tranh lại về tốc độ và mẫu mã so với các đối thủ năng động đến từ Hàn Quốc hay Trung Quốc.

Không chỉ vậy, các hãng điện tử Nhật còn hạn chế thuê các đối tác nước ngoài có chi phí sản xuất rẻ hơn để gia công các linh kiện hay sản phẩm cho mình, khiến giá cả sản phẩm thiếu tính cạnh tranh. Tồi tệ hơn là bộ máy cồng kềnh, quan liêu, có đến gần chục cấp với hàng ngàn nhân công của họ, gây ra trở ngại lớn về quản lý và hạn chế tính linh hoạt.

Cuộc cách mạng mang tên Kazuo Hirai

Kể từ khi lên nắm quyền (tháng 4/2012), Tổng giám đốc điều hành, ông Kazuo Hirai đã đưa ra một chiến lược đầy tham vọng mang tên One Sony. Ông xác định 3 thị trường trọng điểm: thứ nhất là thiết bị, dịch vụ mạng và trò chơi, điện ảnh và âm nhạc; thứ hai là tập trung vào 2 công ty Products & Solutions và Video & Sound; và cuối cùng là TV và smartphone.

"Chúng tôi cần phải thực hiện cải cách với tốc độ nhanh, điều này có nghĩa là phải ra quyết định nhanh và thực hiện nhanh hơn", ông Kazuo Hirai nói.

Trong đó, ông Hirai đặt mục tiêu Sony trở thành người dẫn đầu trong cuộc chơi hình ảnh kỹ thuật số, game và di động. Hiện tại, kế hoạch của ông Hirai đã đạt được 2/3 mục tiêu dựa trên các hoạt động thực tế của Sony trong 5 năm qua.

Mảng trò chơi với máy điều khiển PlayStation 4 được xem là "công thần" việc cứu Sony khỏi "vũng lầy" khủng hoảng. Từ năm 2014, doanh số bán PlayStation 4 đã vượt mặt các đối thủ lớn như Microsoft và Ninetendo trong nhiều tháng liên tiếp. Nhờ vậy, khi mới kết thúc nửa đầu năm 2014, Sony đã báo lãi ròng 25,7 tỷ yên trong mảng này.

Máy điều khiển trò chơi PlayStation 4 đã cứu Sony ra khỏi "vũng lầy" khủng hoảng.

Ở mảng kinh doanh chip, bao gồm cả mảng cảm ứng hình ảnh, Sony thành công thu về khoản lợi nhuận hoạt động 120 tỷ yên trong năm nay, trong khi đó, năm ngoái mảng này lỗ 7,8 tỷ yên.

Tiếp đó, ông Hirai mạnh tay cắt giảm chi phí trong mọi bộ phận, từ TV đến smartphone và rút khỏi những mảng kinh doanh không có lãi như máy tính xách tay Vaio. Đây là bước quan trọng trong chiến lược thu hẹp sản phẩm và đánh vào chất lượng của vị CEO 56 tuổi này.

Thoát khỏi tư tưởng "nhân công trọn đời" đã bám sâu vào tâm trí các nhà lãnh đạo Nhật Bản, khiến bộ máy công ty cồng kềnh và thừa thãi, ông Hirai trực tiếp cắt giảm số lượng lớn nhân viên của hãng. Số lượng nhân viên trên toàn cầu của Sony đã giảm tới 37.400 người, xuống còn 125.000 người vào thời điểm một năm trước.

Ông Kazuo Hirai đã mạnh tay cắt giảm hàng ngàn nhân sự của Sony nhằm tái cơ cấu tại tổ chức công ty này.

Ông Kazuo Hirai cho rằng, không chỉ đưa Sony trở lại "đường đua" công nghệ, ông còn cần giúp hãng này tăng tốc trở lại. CEO của Sony tuyên bố: "Chúng tôi cần phải thực hiện cải cách với tốc độ nhanh, điều này có nghĩa là phải ra quyết định nhanh và thực hiện nhanh hơn".

Tuy nhiên, trong triều đại được xem là huy hoàng của ông Hirai cũng vấp phải một "vết đen" - vụ tấn công của Triều Tiên vào hãng Sony vào cuối năm 2014. Ngoài ra, việc Sony thiếu hụt các bộ phim bom tấn cũng khiến doanh thu quý I/2017 của hãng này không như kỳ vọng.

Theo đánh giá từ hãng tin Bloomberg, có ba điều đáng chờ đợi ở Sony trong thời gian tới là: liệu hãng này có thể tăng lượng thuê bao trực tuyến ngoài game cho mảng phim ảnh và âm nhạc hay không; họ sẽ hợp tác với ai để phát triển phim ảnh và tài sản sở hữu trí tuệ; và cách cải tiến các thiết bị máy tính kết nối hay còn gọi là Internet of Things (IoT).

Tin mới lên