Tài chính

CEO Dragon Capital: 'Tránh tình trạng nay là Ta, mai là Tây, mốt lại là Ta'

(VNF) - Theo ông Dominic Scriven, Luật Chứng khoán cần luật hóa tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam để tạo sự ổn định và tin tưởng cho các nhà đầu tư theo phương thức tiếp cận mới.

CEO Dragon Capital: 'Tránh tình trạng nay là Ta, mai là Tây, mốt lại là Ta'

CEO Dragon Capital - ông Dominic Scriven.

Chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên (VBF) giữa kỳ năm 2017, đại diện Nhóm công tác Thị trường vốn, ông Dominic Scriven (CEO công ty quản lý quỹ Dragon Capital) chia sẻ rằng tuy thị trường chứng khoán Việt Nam có quy mô nhưng còn rất nhiều vấn đề phải làm để tăng cường sức lực và chất lượng doanh nghiệp trong nước, đặc biệt theo tinh thần tự cứu mình. Đại diện Nhóm công tác Thị trường vốn đã đưa ra một số đề xuất về giải pháp trong ngắn hạn để thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam.

Luật hóa tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 100%

Cụ thể, theo ông Dominic Scriven, Luật Chứng khoán cần luật hóa tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam để tạo sự ổn định và tin tưởng cho các nhà đầu tư theo phương thức tiếp cận mới. Theo đó, cho phép sở hữu nước ngoài lên đến 100% tại các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, các công ty đại chúng và các quỹ đầu tư trừ trường hợp bộ luật, luật, hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định cụ thể và rõ ràng về tỷ lệ sở hữu nước ngoài nhỏ hơn. 

Từ khi chính sách nới tỷ lệ sở hữu tối đa (room) từ 49% lên 100% cho nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán có hiệu lực ngày 1/9/2015 đến nay, mới chỉ có ít doanh nghiệp hoàn tất thủ tục nâng room. Những khó khăn, vướng mắc được các cơ quan chức năng nỗ lực tháo gỡ, nhưng để tháo gỡ triệt để, có lẽ phải chờ sửa Luật Chứng khoán, dự kiến trong khoảng 2 năm nữa.

Luật Đầu tư 2014 quy định, trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên thì doanh nghiệp đó được xem là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, sẽ thực hiện thủ tục đầu tư áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài.

Quy định này khiến các doanh nghiệp quan ngại, sau khi nới room, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài vượt trên 51% thì doanh nghiệp sẽ gặp một số hạn chế khi đầu tư, kinh doanh, góp vốn, mua cổ phần... Chưa kể, trên thị trường chứng khoán, giao dịch mua bán cổ phần diễn ra thường xuyên, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại thay đổi lên xuống quanh mức 51% liên tục thì xác định địa vị pháp lý doanh nghiệp như thế nào?

Nhóm công tác Thị trường vốn cũng đề xuất Luật Chứng khoán sửa đổi cần quy định các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đại chúng và các quỹ đầu tư thành lập tại Việt Nam được coi là nhà đầu tư trong nước không kể tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các công ty và các quỹ này.

"Về huy động vốn đầu tư nước ngoài, kiến nghị xem lại cách hiểu Nghị định 60/2015. Hiện do sở hữu nước ngoài có thể thay đổi trên dưới 49% trên thị trường, các công ty Việt Nam phải đối phó với Luật đầu tư theo hướng là nay là Ta, mai là Tây, mốt lại là Ta", CEO Dragon Capital nói.

Để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Nhóm công tác Thị trường vốn đề xuất sớm ban hành mẫu chuẩn mực về phát hành và công bố thông tin cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu và sớm thiết lập tổ chức tín nhiệm trong nước

Tăng mức xử phạt đối công ty đã cổ phần hóa mà chưa lên sàn

Để đảm bảo một thị trường chứng khoán lành mạnh, minh bạch, và phù hợp với thông lệ quốc tế, Nhóm công tác Thị trường vốn cho rằng, Luật Chứng khoán sửa đổi cần hình sự hóa các hành vi làm giá, thao túng, hoặc kiểm soát giá cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán mà không dựa trên giá trị có thực của công ty; và trao quyền cho Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước được điều tra và khởi tố những hành vi nói trên.

Nhóm này cũng đề xuất tăng mức phạt đối với vi phạm quy định về quản trị doanh nghiệp của công ty đại chúng. Theo đó, mức phạt vi phạm áp dụng cho hành vi vi phạm quy định về quản trị doanh nghiệp của công ty đại chúng hiện là chưa phù hợp. Ví dụ, mức phạt 50 mươi triệu đồng cho vi phạm quy định về xung đột lợi ích và giao dịch với người có liên quan áp dụng đối với một giám đốc của một công ty niêm yết là quá thấp.

Nhóm này kiến nghị Chính phủ tăng mức phạt vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định về quản trị doanh nghiệp của công ty đại chúng lên 100 triệu đồng hoặc 10 giá trị giao dịch vi phạm, tùy số tiền nào lớn hơn.

Về thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa, lãnh đạo Capital Dragon đề xuất tăng mức xử phạt đối với các công ty đã cổ phần hóa mà chưa lên sàn theo quy định.

Đối với thoái vốn nhà nước sau cổ phần hóa, CEO Capital Dragon đề xuất xem lại và tiến hành hình thức bán vốn theo hình thức bán dựng sổ, giống như điển hình của một số nghiệp tư nhân gân đây như VietJet, Novaland, VPBank.

Đối với quỹ hưu trí tự nguyện, đại diện Nhóm Công tác Thị trường vốn cho rằng chính sách ưu đãi thuế cho việc đóng góp vào quỹ chưa phù hợp. Theo đó, chính sách thuế hiện tại cho phép miễn trừ tối đa 1 triệu đồng/tháng áp dụng đối với cả người lao động và người sử dụng lao động không tạo được động lực và không đủ hấp dẫn để người lao động và người sử dụng lao động tham gia quỹ hưu trí tự nguyện.

Ông Scriven cũng khuyến nghị Chính phủ trình Quốc hội xem lại Luật Chứng khoán, tính đến việc nâng cấp quyền hạn của cơ quan quản lý thị trường là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc thanh tra và xử lý các vi phạm trên thị trường chứng khoán.

Tin mới lên