Nhân vật

Chân dung Aung San Suu Kyi, cố vấn cao cấp của Myanmar

(VNF) - Hy sinh hạnh phúc cá nhân vì sự nghiệp chính trị, trải qua hơn 15 năm bị quản thúc, bà Aung San Suu Kyi đã trở thành một biểu tượng quốc tế vì sự kiên cường trong cuộc đấu tranh vì dân chủ tại Myanmar. Bà được ví như "ngọn hải đăng của niềm hy vọng" cho người dân Myanmar.

Chân dung Aung San Suu Kyi, cố vấn cao cấp của Myanmar

Bà Aung San Suu Kyi được ví như "ngọn hải đăng của niềm hy vọng" cho người dân Myanmar.

"Khi tôi 10 hay 11 tuổi, tôi rất muốn vào quân đội như cha của tôi vì tôi nghĩ đó là cách tốt nhất để phục vụ đất nước của mình", bà Suu Kyi chia sẻ về người cha của mình.

Aung San Suu Kyi sinh ngày 19/6/1945 tại Rangoon (nay là Yangon). Cha bà là tướng Aung San, người vẫn được Myamar xem như người anh hùng vĩ đại vì đã có công lớn trong việc giải phóng Myamar khỏi ách thống trị của thực dân Anh và phát xít Nhật, đưa nước này trở thành một quốc gia độc lập.

Ảnh gia đình bà Aung San Suu Kyi.

Tuy nhiên, ngày 19/7/1947, tướng Aung San và một số nhà lãnh đạo đòi độc lập khác bị ám sát. Khi đó, tướng Aung San mới 32 tuổi còn cô con gái út Suu (tên thân mật của bà Aung San Suu Kyi) mới lên 2.

"Mẹ tôi là "tâm điểm" trong gia đình, bà ấy có thể làm bất cứ điều gì mà những người đàn ông có thể làm được", Aung San Suu Kyi nói về mẹ của mình.

Mẹ của Suu Kyi, bà Khin Kyi cũng là một nhân vật chính trị tên tuổi, một nhân vật rất được kính trọng trong chính giới Myamar (từng làm đại sứ Myamar tại Ấn Độ). Sau khi chồng mất, bà dành mọi kỳ vọng và tình yêu thương cho ba người con, đặc biệt là cô con gái út Suu Kyi.

"Mẹ tôi thường nói rằng con người không có tri thức giống như một bông hoa không có hương thơm. Tôi thích hoa thơm", bà Suu Kyi nói về nỗ lực trau dồi thi thức của bản thân.

Bà Suu Kyi từng học Đại học Oxford tại Anh, nơi bà nghiên cứu triết học, chính trị và kinh tế.

Từ năm 1985 đến năm 1987, Suu Kyi tập trung nghiên cứu để lấy bằng thạc sĩ văn học Myanmar tại trường Nghiên cứu Phương Đông và châu Phi (SOAS), thuộc Đại học London. Bà được bầu làm Ủy viên Danh dự của SOAS năm 1990. 

Trong hai năm, bà là ủy viên tại Viện nghiên cứu cao cấp của Ấn Độ (IIAS) ở Shimla. Bà cũng làm việc cho chính phủ liên bang Myanmar.

Trong thời gian bị giam, bà Suu Kyi cũng vùi mình nghiên cứu và tập luyện thể lực. Bà ngồi thiền, trau dồi kỹ năng tiếng Pháp và tiếng Nhật, và thư giãn bằng cách chơi piano.

"Tất nhiên tôi rất tiếc vì không thể dành thời gian cho gia đình. Ai cũng muốn được sống bên những người thân của mình. Tôi cũng muốn được ở bên gia đình của tôi, được chứng kiến con trai tôi lớn lên. Nhưng tôi không hề đắn đo gì về việc ở lại với người dân nơi đây", bà nói về quyết định rời xa chồng con sau 16 năm chung sống.

Bà Suu Kyi và ông Michael Aris, một học giả người Anh đã gặp nhau lần đầu năm 1964 khi Aung San Suu Kyi đang là sinh viên năm đầu tại Oxford.

"Tôi muốn đảm bảo ông ấy biết ngay từ đầu rằng đất nước có ý nghĩa rất nhiều đối với tôi, và nếu tôi cần quay về Myanmar, thì ông ấy đừng cố gắng xen giữa đất nước của tôi và tôi", Suu Kyi kể về câu chuyện nói với chồng một ngày trước đám cưới của họ, theo một cuộc phỏng vấn năm 2012 của bà với BBC.

Bà Suu Kyi và chồng, ông Michael Aris, một học giả người Anh.

Họ có 2 con trai: Alexander sinh năm 1973 và Kim sinh năm 1977. Dù lớn lên ở Anh nhưng ông bà vẫn dạy dỗ hai con theo phong tục Myamar và hướng dẫn con sống theo tinh thần Phật giáo.

Cuộc sống bên chồng con của bà Aung San Suu Kyi cứ diễn ra êm ả suốt 16 năm như thế cho đến một đêm của năm 1988 khi Aung San Suu Kyi bất ngờ nhận tin sét đánh: mẹ bà bị đột quỵ.

Bà Suu Kyi quay trở về Yangon vào năm 1988 để chăm sóc mẹ bị bệnh. Thời điểm bà quay về quê hương cũng là lúc Myanmar đang đứng giữa một cuộc chính biến. Bà sau đó trở thành lãnh đạo cuộc nổi dậy chống tướng Ne Win. Suu Kyi thành lập đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD). Quân đội đàn áp các cuộc biểu tình và tiến hành đảo chính vào ngày 18/9/1988.

Chủ trương của đảng NLD là tranh đấu bất bạo động. Mặc dù bị cấm, Suu Kyi vẫn đi khắp nơi để phát động phong trào vì tự do và dân chủ. Bà từng đi thẳng vào mũi súng đã lên đạn của binh sĩ chắn đường để tỏ thái độ phản kháng. Tháng 12/1988, mẹ của Suu Kyi qua đời. "Mẹ dạy tôi một điều căn bản là bất công không bao giờ đứng vững vĩnh viễn",

Bà Aung San Suu Kyi chụp cùng con trai.

Tại Myanmar, đường đi nước bước của Aung San Suu Kyi bị quân đội theo sát. Năm 1989, bà bị quản thúc tại nhà rồi bị cô lập. Từ đó, bà không thể quay về để gặp chồng con mình.

Khi Michael Aris phát hiện ông bị ung thư giai đoạn cuối, ông đã 30 lần nộp đơn xin visa vào Myanmar để được gặp mặt vợ lần cuối nhưng đều bị từ chối. Cả Giáo hoàng John Paul II và Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã ra tay can thiệp nhưng thất bại.

Quân đội Myanmar ra điều kiện: Aung San Suu Kyi có thể trở về Oxford để nói lời vĩnh biệt chồng nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc bà sẽ bị lưu đày vĩnh viễn khỏi đất mẹ. Aung San Suu Kyi buộc phải đứng trước sự lựa chọn sinh tử: gia đình và tổ quốc và cuối cùng bà đã chọn tổ quốc.

"Tôi đã may mắn hơn rất nhiều người cộng sự của tôi. Cha tôi là tướng Aung San, vì vậy họ đã đối xử "nương nhẹ" với tôi. Những cộng sự của tôi thì khác, họ bị bắt, tra tấn dã man và bị giam hàng năm trời trong những hoàn cảnh thực sự kinh khủng", bà nói về quãng thời gian khó khăn nhất của cuộc đời.

Từ năm 1989 đến 2010 là giai đoạn bà Suu Kyi trải qua 15 năm bị quản thúc. Bà bị quản thúc ở Yangon trong 6 năm, cho đến khi được thả vào tháng 7/1995. Bà một lần nữa bị quản thúc tại nhà vào tháng 9/2000, khi cố gắng đến thành phố Mandalay, bất chấp lệnh hạn chế đi lại.

Bà Aung San Suu Kyi hồi trẻ.

Bà được thả vô điều kiện vào tháng 5/2002, nhưng chỉ hơn 1 năm sau đã phải ngồi tù, sau một cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ bà và một đám đông do chính phủ hậu thuẫn.

"Thời kỳ khó khăn nhất trong quá trình chuyển đổi là khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã thấy được thành công trước mắt. Chúng ta phải cẩn trọng để không bị cám dỗ bởi ảo ảnh của thành công", bà Suu Kyic chia sẻ.

Tháng 5/1990, dù Suu Kyi vẫn bị giam lỏng, đảng NLD của bà thắng lớn (82%) trong cuộc bầu cử. Tuy nhiên, Liên đoàn Khôi phục Trật tự và Pháp luật Quốc gia (SLORC) không công nhận kết quả này.

Năm 1991, Suu Kyi được trao giải Nobel Hòa bình vì những cống hiến của bà cho cuộc đấu tranh phi bạo lực vì dân chủ và nhân quyền. Vào thời điểm đó, bà chịu hai năm quản thúc tại gia trước những cáo buộc gây chia rẽ quân đội. Giai đoạn từ năm 1989 tới 2010, bà bị giam lỏng gần 15 năm.

Bà Aung San Suu Kyi có sở thích cài hoa lên đầu.

Hai năm sau khi được phóng thích, bà Suu Kyi chính thức trở thành thành viên Hạ viện Myanmar trong cuộc bầu cử ngày 1/4/2012. Suu Kyi (giữa) và các nhà lập pháp của NLD tại một phiên họp thường kỳ của Hạ viện Myanmar vào tháng 2/2012. Bà tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội do quân đội hậu thuẫn.

"Một vị sư trụ trì 90 tuổi mà tôi biết đã cho tôi hai lời khuyên. Ông nói với tôi rằng để đạt được hạnh phúc, con người ta phải học cách chịu đựng nỗi đau. Ông cũng cảnh báo tôi rằng bất cứ ai muốn theo đuổi chính trị đều phải chịu sự dèm pha của người đời", Suu Kyic nói.

Tuy đảng của bà nhận được nhiều sự ủng hộ, bà cũng không thể trở thành tổng thống, do một điều khoản hiến pháp của Myanmar cấm bất cứ ai có vợ, chồng hay con là người nước ngoài được giữ chức vụ này.

Bà là người nổi tiếng nhất và được yêu mến nhất ở Myanmar.

Những nhà phê bình cho rằng bà đã thất bại trong việc thiết lập quan hệ làm việc tốt với Tổng thống Thein Sein, hoặc thuyết phục quân đội thay đổi các điều trong hiến pháp. Bà còn bị cho là một cái bóng quá lớn che lấp các chính trị gia có tiềm năng, những người có thể thách thức uy quyền của bà.

Bà cũng làm phật lòng một số người ủng hộ nước ngoài vì vấn đề tôn giáo. Tuy nhiên, bà vẫn là người nổi tiếng nhất và được yêu mến nhất ở Myanmar.

Bà Suu Kyi hiện giữ chức cố vấn nhà nước, ngoại trưởng, bộ trưởng phụ trách Văn phòng chính phủ và được coi là người nắm thực quyền của quốc gia.

Tin từ Bộ Ngoại giao cho hay, nhận lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống nước CH LB Myanmar Aung San Suu Kyi sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 19-20/4.

>> Sau loạt tin đồn ‘thất thiệt’, Tổng thống Myanmar chính thức từ chức

Tin mới lên