Nhân vật

Chân dung các tỷ phú tuổi Dậu thành công trên thế giới

(VNF) - Những doanh nhân tuổi Dậu được miêu tả là có tính cần cù, kiên trì không biết mệt mỏi. Họ cũng là người có tính tiến thủ, tham vọng lớn.

Chân dung các tỷ phú tuổi Dậu thành công trên thế giới

Ảnh minh họa

Doanh nhân sinh năm Dậu là những người sinh năm 1945, 1957, 1969, 1981, 1993… Những người tuổi Dậu được miêu tả là có tính cần cù, kiên trì không biết mệt mỏi. Họ cũng là người có tính tiến thủ, có chí hướng lớn.

Trên bảng xếp hạng top 500 người giàu trên sàn chứng khoán Việt Nam 2016, có rất nhiều doanh nhân tuổi Dậu nổi tiếng như Nguyễn Đức Tài, Phạm Thu Hương, Cao Thị Ngọc Dung,…

Còn trên thế giới, nhiều doanh nhân sinh năm Dậu thành công và vô cùng giàu có với khối tài sản hàng chục tỷ USD. Danh sách 100 tỷ phú giàu nhất thế giới được tạp chí Forbes công bố hằng năm tiết lộ nhiều tỷ phú hàng đầu có tuổi Dậu, cùng với tuổi Sửu và tuổi Mùi. Một nửa trong số họ có sẵn những tố chất để thành công.

Các tỷ phú tuổi Dậu tiêu biểu có thể kể đến Sheldon Adeson - ông chủ tập đoàn Las Vegas Sands, Masayoshi Son - Người đứng đầu tập đoàn Softbank, đến tỷ phú trẻ Brian Chesky - đồng sáng lập ứng dụng chia sẻ phòng trọ Airbnb.

Sheldon Adelson - ông chủ tập đoàn Las Vegas Sands (1933 - Quý Dậu)

Tỷ phú Sheldon Adelson là ví dụ điển hình của tài phiệt lập nghiệp từ con số 0 tròn trĩnh. Ông sinh ra trong khu phố Dorchester nghèo của Boston, Massachusetts (Mỹ) vào năm 1933. Cha Sheldon lái xe taxi và bán quảng cáo, mẹ ông là chủ một cửa hàng đan len nhỏ. Sheldon bắt đầu bán báo từ khi còn nhỏ, năm 12 tuổi, ông sở hữu "doanh nghiệp" đầu tiên của mình: bán vật dụng trong nhà tắm.

Ngay từ khi còn trẻ, ông đã trở thành một doanh nhân. Adelson gây dựng thành công một số doanh nghiệp, dấu mốc quan trọng là năm 1970, tỷ phú đã phát triển COMDEX - một trong những triển lãm máy tính lớn nhất thế giới. Thời cơ lúc ấy vô cùng thuận lợi bởi ngành công nghiệp máy tính cá nhân vừa mới bắt đầu nở rộ và phát triển. Các thương hiệu như IBM, Apple và Microsoft bắt đầu tăng trưởng nhanh chóng và chính những triển lãm thương mại Adelson là nơi các công ty này trình bày, giới thiệu sản phẩm của mình đến người tiêu dùng và các công ty khác.

Sheldon Adeson - ông chủ tập đoàn Las Vegas Sands sinh năm 1933 - Quý Dậu

Bước ngoặt đến với ông khi bán được Comdex năm 1995 với giá hơn 800 triệu USD. Năm 1988, Adelson mua lại sòng bạc Sands, bước chân vào ngành casino béo bở. Sau đó, ông tấn công thị trường Macau, Singapore và trở thành một trong những tỷ phú casino giàu nhất thế giới. Ông hiện là Chủ tịch kiêm CEO Las Vegas Sands và đang sở hữu khối tài sản 30,9 tỷ USD.

Sheldon Adelson cũng là người có đóng góp lớn với đảng Cộng hòa. Năm 2012, ông bỏ ra 100 triệu USD để đảng này có ghế trong Nhà Trắng, trước tiên là Newt Gingrich và sau đó là Mitt Romney. Theo CNN, vị tỷ phú sinh năm 1933 cũng là người tài trợ lớn nhất cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của ông Donald Trump với số tiền lên đến 25 triệu USD. 

Tự nhận là con bạc lớn nhất thế giới nhưng ông "vua" casino nước Mỹ Sheldon Adelson không thích đánh bạc. Ở tuổi ngoài 80, ông vẫn không ngừng mở rộng đế chế của mình sang châu Á. Trong số 3 thị trường tiềm năng mà Tập đoàn Las Vegas Sands muốn xây dựng khu nghỉ dưỡng phức hợp (có casino), Việt Nam cũng nằm trong danh sách, bên cạnh Hàn Quốc và Nhật Bản.

Mukesh Ambani - Chủ tịch tập đoàn dầu mỏ và khí đốt Reliance Industries (1957 - Đinh Dậu)

Sinh năm 1957 tại Aden (Ấn Độ), Mukesh Ambani là con trai cả của Dhirubhai Ambani - người đã đặt nền móng xây dựng lên Tập đoàn dầu mỏ và khí đốt Reliance Industries Limited. Hiện Mukesh Ambani đang là người sở hữu Tập đoàn Reliance Industries, ông giữ vị trí người giàu nhất Ấn Độ trong gần 10 năm qua. Không chỉ là giàu nhất Ấn Độ, tỷ phú Mukesh Ambani từng là người giàu nhất thế giới.

Nếu như người cha có công xây dựng nên tập đoàn Reliance Industries thì Mukesh lại được biết đến là người có công đưa tập đoàn này ra thị trường thế giới. Bởi chỉ sau một thời gian ngắn sau khi người cha mất, Mukesh đã tái cơ cấu lại tập đoàn và mở rộng tập đoàn ra thị trường quốc tế thành công.

Mukesk Ambani - Chủ tịch tập đoàn dầu mỏ và khí đốt Reliance Industries sinh năm 1957 - năm Đinh Dậu

Từ ngày 5/9/2016, 80% người dân Ấn Độ đã được sử dụng mạng 4G miễn phí. Đây là dịch vụ mới Reliance Jio mà tỷ phú Mukesk Ambani cung cấp, trị giá mạng lưới này được ước tính khoảng 20 tỷ USD.

Masayoshi Son – Chủ tịch kiêm CEO Softbank (1957 - Đinh Dậu)

Masayoshi Son hiện là một trong những người đàn ông giàu có bậc nhất tại Nhật Bản. Ông chính là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của tập đoàn Softbank - đế chế truyền thông đồng thời là đơn vị đầu tư mạo hiểm vào hơn 1.300 Công ty công nghệ điển hình như: Yahoo Japan Corp., Zynga Inc, GungHo Online Entertainment Inc, Alibaba hay Cheezburger Network (hệ thống sở hữu nhiều trang web hài), Buzzfeed Inc…

Đã có thời kỳ, chính xác là thời điểm hoàng kim của cơn sốt dot.com, trên toàn thế giới, tài sản của Masayoshin Son tại Softbank và các công ty phần mềm được định giá tới 76 tỷ USD. Khi đó Masayoshin Son là người giàu nhất thế giới chứ không phải Bill Gates.

Masayoshi Son sinh ngày 11/8/1957 (năm Đinh Dậu) trong một gia đình làm nghề nuôi heo ở một khu ổ chuột, tại làng Tusu, vùng Kyushu, Nhật Bản. Năm 17 tuổi, Masayoshi rời xứ sở hoa anh đào đến San Francisco, Mỹ. Sau khi nhập trường cấp ba mới, chàng trai trẻ Nhật Bản đã mạnh dạn lên gặp hiệu trưởng yêu cầu được làm bài thi tốt nghiệp. Bị làm phiền nhiều lần, ban quản lý trường cũng phải chịu đầu hàng và cho phép cậu làm bài thi. Cuối cùng, Masayoshi tốt nghiệp phổ thông sau hai tuần nhập học trước sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người.

Masayoshi Son – Chủ tịch kiêm CEO Softbank sinh năm 1957 - năm Đinh Dậu

Vị tỷ phú 60 tuổi này bắt đầu nổi lên với hình ảnh một CEO liều lĩnh từ hơn 20 năm về trước, khi Yahoo mới thành lập vào giai đoạn 1995. Khi đó, Son đã ngay lập tức tiếp cận lãnh đạo Yahoo để mua gần 40% cổ phần với giá 105 triệu USD. Nhận xét về Masayoshi Son, ông David Yang, sáng lập gia Yahoo cho rằng: "Ai cũng nghĩ ông ấy bị điên. Vì chỉ có điên mới bỏ ra 100 triệu USD mua cổ phần một công ty vừa mới thành lập. Nhưng đơn giản là vì ông ấy đã nhìn được trước viễn cảnh của 15 năm sau". Quả thực, sau hơn 20 năm góp vốn vào Yahoo, SoftBank hiện là cổ đông lớn nhất của Yahoo toàn cầu và nắm chức vụ điều hành của Yahoo Japan.

Nhưng nếu nói về sự liều lĩnh trong đầu tư của vị tỷ phú này, người ta không thể không nhắc tới phi vụ tham gia vào công ty Alibaba nổi tiếng của tỷ phú người Trung Quốc Jack Ma. Còn nhớ, thời điểm năm 2000, Alibaba vẫn là một công ty điện tử nhỏ nhưng chính ở thời điểm Alibaba vẫn "vô danh tiểu tốt" này, Masayoshi Son đã liều lĩnh chi 20 triệu USD để tham gia cổ đông, dĩ nhiên ở thời điểm đó đã có rất nhiều người gọi đó là một hành động điên rồ.

Cho đến thời điểm này, Alibaba đã nổi tiếng toàn cầu, chính thức IPO tài sản chứng khoán New York với vốn hóa 231 tỷ USD, cao hơn cả Amazon và eBay cộng lại, có quy mô 20 nghìn nhân viên và 90 văn phòng trên toàn thế giới. Riêng về cổ phần của SoftBank, hiện được định giá vào khoảng 58 tỷ USD – cao gấp 2.900 lần khoản đầu tư ban đầu, một tỷ suất lợi nhuận được cho là không tưởng.

Masayoshi đã có cuộc gặp với tân Tổng thống Mỹ Donald Trump và sau cuộc gặp ông đã tuyên bố tập đoàn của ông sẽ đầu tư 50 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp tại Mỹ. Nhờ thông tin này, cổ phiếu Softbank đã tăng mạnh giúp Masayoshi trở thành người giàu nhất Nhật Bản. Hiện nay, ông đang sở hữu khối tài sản trị giá 20,9 tỷ USD, theo thống kê của Forbes.

Lei Jun - đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Xiaomi (1969 - Kỷ Dậu)

Không khó để nhận ra những điểm tương đồng giữa Lei Jun và Steve Jobs - vị CEO quá cố, biểu tượng một thời của Apple và là người mà chính Lei Jun cũng vô cùng kính trọng: từ việc cả hai đều là người đứng đầu của một hãng công nghệ lớn (tất nhiên, ta không so sánh độ lớn của 2 công ty) cho tới một phong cách ăn mặc rất giản dị so với khối tài sản kếch sù mà họ sở hữu. Hiện Lei Jun đang sở hữu khối tài sản 8,4 tỷ USD theo thống kê của Forbes.

Lei Jun - đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Xiaomi sinh năm 1969 - Kỷ Dậu

Lei Jun là đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Xiaomi - một trong những hãng sản xuất smartphone lớn nhất Trung Quốc. Xiaomi từng tăng trưởng rất mạnh cách đây vài năm.

Xiaomi đã rất thành công với những chiếc điện thoại kiểu dáng đẹp, tính năng kĩ thuật cao nhưng giá chỉ bằng một nửa so với các thiết bị tương tự của Apple hay Samsung. 

Tuy nhiên, với các sản phẩm như MiPhones và MiPads, nhiều người vẫn chỉ trích rằng chiêu bài của Xiaomi là xây dựng một đế chế bắt chước Apple. Nhưng doanh nghiệp này cũng lấn sân sang nhiều lĩnh vực đầu tư khác: thu mua cổ phần của hàng chục các doanh nghiệp mới mở - những doanh nghiệp chế tạo mọi thứ từ máy lọc không khí cho đến bóng đèn tiết kiệm điện. 

Brian Chesky - đồng sáng lập ứng dụng chia sẻ phòng trọ Airbnb (1981 - Tân Dậu)

Từ một cầu thủ khúc côn cầu, Brian Chesky dần lột xác và hiện là CEO của Airbnb, cũng là một trong những người sáng lập công nghệ trẻ, giàu có nhất ở Mỹ với khối tài sản hàng tỷ USD.

Brian Chesky (35 tuổi) là một trong những tỷ phú doanh nhân điển trai nhất thế giới. Lớn lên tại Niskayuna, New York. Năm 1999, Chesky theo học tại trường Trường Thiết kế Rhode Island. Thậm chí, vị CEO trẻ tuổi còn từng là đội trưởng của đội khúc côn cầu và nghiên cứu thiết kế. Tại đây, anh đã gặp Joe Gebbia – người sau này cùng anh tâm huyết gây dựng và phát triển Airbnb.

Brian Chesky - đồng sáng lập ứng dụng chia sẻ phòng trọ Airbnb sinh năm 1981 - Tân Dậu

Năm 2007, tại một hội nghị thiết kế với mục đích bán ra tất cả các khách sạn, Gebbia đã lóe lên ý tưởng cho thuê không gian cho những người chưa tìm được nơi để ở.

Vốn không thể trả nổi tiền thuê nhà ở San Francisco vì quá đắt đỏ, Brian Chesky và Joe Gebbia quyết định chia sẻ bớt bằng cách cho những người khách lạ ở chung phòng. Họ lấy một số đệm hơi của Gebbia ra khỏi tủ và "bán" không gian ngủ trong căn hộ cho những người tham dự triển lãm thiết kế giao thương.

Tiếp đó, họ dọn dẹp gác xép sao cho có thể kê vừa 3 tấm đệm hơi, cùng sáng kiến phục vụ thêm bữa ăn sáng. Tháng 8/2008, cùng với đồng sáng lập thứ ba - Nathan Blecharczyk, Gebbia và Chesky đã khởi động Airbedandbreakfast.com (AirBed and Breakfast: Giường hơi và bữa ăn sáng), một start-up cho thuê không gian trực tuyến – tiền thân của Airbnb sau này. Trong đó, Brian Chesky chịu trách nhiệm về tầm nhìn cũng như sự phát triển của Airbnb.

Sau chưa đầy 9 năm, ý tưởng cho thuê đệm hơi ban đầu này đã hình thành nên start-up 25 tỷ USD Airbnb đình đám nhất nhì thế giới. Kể từ đó, Airbnb không chỉ được rút ngắn tên gọi, mà còn vươn tới hơn 34.000 thành phố và đến năm 2016, đã có hơn 60 triệu khách sử dụng. Công ty hiện là start-up đứng thứ 2 tại Hoa Kỳ. Tháng 9/2016, họ huy động được 555 triệu USD, được định giá 30 tỷ USD.

Theo tạp chí Forbes, Chesky sở hữu 13% cổ phần trong Airbnb và tài sản ròng khoảng 3,3 tỷ USD, giúp anh hạ cánh ở vị trí số 7 trong danh sách những doanh nhân giàu có nhất thế giới dưới tuổi 40. 

Tin mới lên