Nhân vật

Chân dung đại gia Dương Công Minh, 'chủ soái' Him Lam

Ông Dương Công Minh sinh năm 1960, quê Quế Võ, Bắc Ninh. Ông tốt nghiệp Cử nhân chuyên ngành Vật giá năm 1984 tại Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân).

Chân dung đại gia Dương Công Minh, 'chủ soái' Him Lam

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Him Lam.

Trước khi ra kinh doanh, ông Minh từng là thiếu tá trong quân đội và có hơn 13 năm làm quản lý tại các doanh nghiệp quân đội.

Tháng 4/2014 tại Đại hội Hoàng Anh Gia Lai, Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Sự cho biết họ vừa chuyển nhượng một dự án bất động sản thành công, mang lại nguồn tiền mặt 1.050 tỷ đồng. Đối tác nào có hơn 1.000 tỷ đồng tiền mặt để "chồng" cho HAGL trong giai đoạn rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản đang ngập trong nợ nần, là câu hỏi mà giới đầu tư hết sức quan tâm. Phải chăng là nhà đầu tư nước ngoài?

Câu trả lời mà chúng tôi có được là một doanh nghiệp trong nước, đứng đầu là một doanh nhân đầy bí ẩn và hầu như không xuất hiện trên truyền thông. Đó là Tập đoàn Him Lam của ông Dương Công Minh, nơi ông giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị và nắm tới 99% vốn.

Từ "cứ điểm" Him Lam

Nếu xếp theo vốn điều lệ, Him Lam nằm trong top doanh nghiệp bất động sản lớn nhất với 6.500 tỷ đồng. VinGroup, tập đoàn bất động sản được xem là lớn nhất đang niêm yết trên sàn chứng khoán, có vốn điều lệ gần 9.300 tỷ đồng.

Him Lam được ông chủ Dương Công Minh gây dựng bằng một quá trình gần 20 năm, nhưng trên website Him Lam ngoài thông tin về hoạt động từ thiện thường xuyên được cập nhật, những thông tin về kinh doanh lại rất ít ỏi.

Ông Dương Công Minh sinh năm 1960, quê Quế Võ, Bắc Ninh. Ông tốt nghiệp Cử nhân chuyên ngành Vật giá năm 1984 tại Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân). Trước khi ra kinh doanh, ông Minh từng là đại tá trong quân đội và có hơn 13 năm làm quản lý tại các doanh nghiệp quân đội.

Cái tên Him Lam cũng xuất phát từ nguồn gốc ấy. "Tên Him Lam được chọn là vì đây là địa danh gắn với chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu. Chúng tôi muốn công ty của mình cũng gây được tiếng vang như thế trong tương lai", ông Trần Văn Tĩnh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Him Lam, giải thích trong một lần trả lời phỏng vấn. Ông Trần Văn Tĩnh cũng xuất thân từ quân đội và là anh họ của ông Minh.

Dương Công Minh ra riêng bằng việc thành lập Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thương mại Him Lam, chủ yếu là xuất nhập khẩu trái cây qua Trung Quốc. Tuy nhiên, sau một lần đi buôn bị lỗ, ông phải bán nhà để trả nợ.

"Khi bán nhà tôi bị dịch vụ "chém" đau. Nhà tôi nếu bán là 350 triệu đồng nhưng hợp thức hóa giấy tờ mất 50 triệu. 50 triệu nhiều quá, tôi tự đi làm, tổng cộng hết chỉ 3 triệu. Tôi lập luôn công ty hợp thức hóa nhà đất với chi phí chỉ 20 triệu", ông Minh nói về cơ duyên đến với lĩnh vực bất động sản trong một lần hiếm hoi trò chuyện về cuộc đời vào cuối năm 2010 với Học viện Lãnh đạo FPT.

Sau lĩnh vực dịch vụ, ông Minh bước vào phát triển dự án và xây dựng nhà ở. Khởi đầu với một dự án nhà ở ở TP. HCM, nhưng hiện tại Him Lam đã vươn ra thực hiện nhiều dự án đô thị lớn trên cả nước. Theo thông tin công bố trên website của Him Lam, tập đoàn này có khoảng 30 dự án bất động sản lớn nhỏ đã và đang đầu tư, với tổng số vốn hơn 20.000 tỷ đồng.

Bên cạnh lĩnh vực nhà ở, khu đô thị mà hầu hết mọi công ty phát triển bất động sản đều tham gia, một lĩnh vực nổi bật khác của Him Lam là kinh doanh sân golf. Dự án đầu tiên của Him Lam trong lĩnh vực này là khu liên hiệp sân tập golf, nhà hàng, phòng hội nghị Him Lam – Ba son tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TP. HCM được hoàn thành vào năm 1999.

Hiện nay ngoài Him Lam – Ba Son, Him Lam hợp tác với một số đối tác đã đầu tư vào các dự án sân golf Long Biên (Hà Nội), dự án sân golf Tân Sơn Nhất (TP. HCM) và sắp tới có thể là một dự án sân golf nữa ở quận 2 mà tập đoàn này vừa mua lại 48% cổ phần.

Nếu như với lĩnh vực nhà ở giúp ông Minh "lấy tiền" của người bình dân và trung lưu thì việc nghĩ đến kinh doanh sân golf từ rất sớm (năm 1999) là cách để ông "lấy tiền" của tầng lớp người giàu bắt đầu hình thành và tăng trưởng nhanh tại Việt Nam. Theo ông Tĩnh, Tổng giám đốc Him Lam, người giàu bao giờ cũng có nhu cầu tìm đến những nơi vừa làm việc vừa có thể giải trí; không thể bắt doanh nhân làm một nơi rồi phải bay đi nơi khác giải trí. Và golf là một loại hình giải trí rất được giới doanh nhân, nhất là doanh nhân nước ngoài, ưa chuộng.

Đến "mặt trận" Liên Việt

Đi lên từ bất động sản, nhưng tham vọng của Him Lam không dừng lại ở lĩnh vực này. Với định hướng trở thành một doanh nghiệp kinh tế đa ngành, Him Lam đã lấn sân sang mảng tài chính bằng việc tham gia thành lập Ngân hàng Thương mại Cổ phần Liên Việt (LienVietBank) vào năm 2008. Hiện ông Minh là Chủ tịch Hội đồng Quản trị ngân hàng này.

Thành lập với số vốn điều lệ ban đầu 3.300 tỷ đồng, đến năm 2011, LienVietBank được một doanh nghiệp nhà nước là Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam tham gia góp vốn bằng giá trị Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện (VPSC) và cả tiền mặt, nâng vốn lên hơn 6.000 tỷ đồng. Tên ngân hàng cũng được đổi thành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank).

Cuộc sáp nhập này cũng được đánh giá là một chiến lược khôn ngoan của Dương Công Minh. LienVietPostBank là mô hình ngân hàng – bưu điện đầu tiên được thành lập ở Việt Nam, thừa hưởng hơn 10.000 điểm giao dịch ở khắp các tỉnh thành trên cả nước từ đối tác VPSC mà nếu tự gây dựng có thể LienViet phải mất hàng chục năm.

Sau hơn 5 năm hoạt động và sau 2 năm sáp nhập, LienVietPostBank đã có vị trí khá tốt trên thị trường so với một ngân hàng trẻ. Tính đến hết năm 2013, vốn điều lệ của LienVietPostBank là 6.460 tỷ đồng, thuộc tốp ngân hàng tầm trung với tổng tài sản gần 80.000 tỷ đồng. Năm 2013, ngân hàng này có kết quả kinh doanh tốt hơn so với mức trung bình của thị trường. Huy động vốn tăng 34%, tín dụng tăng 22,97%, ROE đạt 7,72% so với bình quân nhóm ngân hàng thương mại cổ phần là 3,6%. Với lợi thế mạng lưới chi nhánh rộng lớn, LienVietPostBank đặt ra tham vọng đến năm 2018 sẽ có mặt trên toàn quốc và trở thành "ngân hàng của mọi nhà".

Mặc dù theo một Phó Tổng Giám đốc dưới quyền, ông Minh là người "không thích chơi với các tổ chức nước ngoài" nhưng cuối năm ngoái ông đã quyết định mời Tập đoàn Bưu chính Pháp (La Poste Group) vào tư vấn để phát triển mô hình "ngân hàng – bưu điện" cho LienVietPostBank.

"Riêng trong 5 năm có sự tham gia của La Poste Group, LienVietPostBank sẽ mở thêm tối thiểu 3.000 – 5.000 điểm giao dịch và phát triển các sản phẩm trên hệ thống này", ông Minh phát biểu hôm ký kết với La Poste Group.

Theo ông Jean-Paul Forceville, Tổng vụ Đối ngoại của La Poste Group, mô hình ngân hàng – bưu điện tuy mới ở Việt Nam, nhưng đã xuất hiện từ lâu trên thế giới và là con đường mà tất cả quốc gia đều sẽ đi theo, vấn đề chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Mô hình này tập trung vào hoạt động ngân hàng bán lẻ để tiếp cận đại bộ phận dân chúng, nhất là người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

"Cũng giống như Việt Nam, mô hình bưu điện trên thế giới thường có 3 lĩnh vực hoạt động: bưu chính, chuyển phát và tài chính. Tuy nhiên, trong khi 2 hoạt động đầu tiên đang ngày càng giảm sút thì nhu cầu hoạt động tài chính ngày càng tăng", ông Forceville nói.

Chỉ 1 năm sau khi thành lập LienVietBank, năm 2009, ông Dương Công Minh tiếp tục cho ra đời Công ty Liên Việt Holdings. Liên Việt Holdings có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, do chính do ông Dương Công Minh làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị.

"Thông qua hoạt động đầu tư vốn vào các công ty trong cùng hệ thống Him Lam – Liên Việt, Liên Việt Holdings đã tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các công ty trong tập đoàn có chung lợi ích kinh tế, đồng thời có điều kiện để tích tụ vốn, tối đa hóa lợi nhuận và phân tán rủi ro. Các đơn vị thành viên và liên kết của Liên Việt Holdings đóng góp những giá trị gia tăng hữu ích cho phát triển của Liên Việt Holdings trong lĩnh vực đầu tư", Liên Việt Holdings nói về chiến lược của mình trên website.

Holdings là mô hình thích hợp cho các ông chủ có định hướng kinh doanh đa ngành. Các holdings không trực tiếp sản xuất kinh doanh mà hoạt động theo hình thức huy động vốn rồi giải ngân, hỗ trợ chiến lược và nhân sự cho công ty con.

Không chỉ có Liên Việt, mô hình holdings đang trở thành xu hướng ở các doanh nghiệp Việt Nam. Có thể kể đến một số trường hợp tiêu biểu như Masan Group, Sovico Holdings, PVI Holdings, Eurowindow Holdings…

Hiện tại, Liên Việt Holdings tham gia đầu tư trực tiếp vào nhiều lĩnh vực tài chính, bất động sản, khoáng sản, xây dựng hạ tầng đê đập, giao thông vận tải, xây dựng dân dụng, công nghiệp… Theo thông tin công bố đến nhà đầu tư, chỉ chưa đầy sau hơn 1 năm thành lập (tính đến hết tháng 5/2010), Liên Việt Holding đã huy động được hơn 1,2 tỷ USD.

Ngoài bất động sản và tài chính, một lĩnh vực kinh doanh khác dù chưa đem lại lợi nhuận lớn cho Him Lam nhưng theo ông Minh sẽ mang lại hiệu quả kinh tế không kém nếu xét về dài hạn, đó là xuất khẩu lao động. Ông Minh cho rằng Việt Nam có 2 nguồn tài nguyên lớn là đất đai và con người. "Đất đai thì Him Lam có công ty bất động sản rồi, con người thì hiện nay lao động trẻ của Việt Nam còn rất lớn. Và trong 10-15 năm nữa, lao động Việt Nam sẽ xuất khẩu đến hầu hết các nước. Tỉ lệ lợi nhuận lĩnh vực này không hề thấp. Và chúng tôi tạo việc làm cho rất nhiều lao động", ông nói.

Chân dung "chủ soái"

"Cuộc đời tôi không có thất bại. Tôi chỉ toàn thấy thành công và may mắn", Dương Công Minh trả lời khi được hỏi thất bại lớn nhất trong cuộc đời ông là gì.

Trên thực tế, đối với những người cộng tác cùng ông đã lâu, may mắn không phải là thứ duy nhất tạo nên thành công của Dương Công Minh ngày hôm nay. Nó còn xuất phát từ một tầm nhìn chiến lược của vị doanh nhân này. Ngay trong cách đặt tên Him Lam đã là một câu chuyện thú vị.

Tại sao không phải Mường Thanh, Hồng Cúm mà lại là Him Lam? Tổng Giám đốc Him Lam Trần Văn Tĩnh chia sẻ, từ lúc ấy, trong đầu họ đã nghĩ đến chuyện một ngày không xa Him Lam sẽ vươn ra tầm thế giới. Vì thế, chọn một cái tên không dấu, dễ đọc thì sẽ dễ hòa nhập hơn khi công ty tiến hành đầu tư các dự án ở nước ngoài hoặc dự án dành cho người nước ngoài.

"Chữ G bao quanh chữ Him Lam trong logo là viết tắt của từ Group (tập đoàn), nghĩa là từ khi khởi nghiệp với một công ty nhỏ bé, chúng tôi đã mong muốn trong tương lai không xa Him Lam sẽ trở thành một tập đoàn", ông Tĩnh nói.

"Anh Minh là một người rất nhạy bén, có thể đọc cuộc chơi và nắm bắt cơ hội rất nhanh", ông Nguyễn Xuân Châu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thủy sản Việt Long Sài Gòn, nhận xét về vị sếp cũ của mình. Ông Châu từng có thời gian làm Phó Tổng Giám đốc phụ trách lĩnh vực kinh doanh tiếp thị tại Công ty Cổ phần Him Lam.

Trong khi đó, nói về chiến lược kinh doanh của mình, ông Dương Công Minh cho rằng, biết sử dụng nguồn lực của nhà nước, tận dụng những chính sách của nhà nước để phát triển mới là khôn ngoan. Dự án hỗ trợ xóa đói giảm nghèo ở Đồng bằng Sông Cửu Long là một ví dụ. LienVietPostBank cho dân nghèo vay vốn để xóa đói giảm nghèo, bù lại ngân hàng này được Nhà nước hỗ trợ đến 6% lãi suất.

Hay mới đây là câu chuyện đầu tư vào Vietopia, mô hình giáo dục giải trí trong nhà của Him Lam. Tổng vốn đầu tư của dự án này lên đến 25 triệu USD, nhưng với tính chất xã hội và mang tính giáo dục cao, dự án này được sử dụng vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (World Bank) thông qua Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP. HCM (HFIC) với mức lãi suất rất ưu đãi.

Bên cạnh sự nhạy bén, theo ông Nguyễn Xuân Châu, ông Minh cũng là một người rất nóng nảy và độc trị. "Ngoại trừ mảng bán hàng, các mảng còn lại anh Minh đều can thiệp", ông Châu kể về thời gian làm việc ở Him Lam.

Ông Minh cũng từng thừa nhận rằng, "Him Lam không phải là công ty gia đình trị mà là độc trị. Chỉ mình tôi là người quyết định thôi. Và người đứng đầu Him Lam sau này sẽ là con trai tôi! Trong 10 người cao nhất của Him Lam chỉ có 3 người trong gia đình tôi, nhưng chủ của Him Lam sau này chỉ có thể là con trai tôi".

Độc tài trong quản trị và điều hành, nhưng Dương Công Minh cũng được xem là một trong những doanh nhân hào phóng nhất Việt Nam. Theo thông tin trên website của Him Lam tổng số tiền tập đoàn này bỏ ra xây dựng trường học từ thiện cho đến nay đã lên đến hơn 500 tỷ đồng. Và theo cam kết của ông Minh, cho đến năm 2015, Him Lam sẽ xây cho mỗi tỉnh trên cả nước một trường học đạt chuẩn quốc gia.

Ngoài ra, Him Lam và Liên Việt cũng giúp bê tông hóa, kiên cố hóa cho hơn 30.000 căn nhà ở miền Tây Nam bộ và xóa 23.000 căn nhà dột nát của tỉnh Bắc Giang. Dương Công Minh thừa nhận, các chương trình từ thiện cũng là cách xây dựng thương hiệu Liên Việt. "Ở Việt Nam giai cấp công nhân với nông dân làm chủ, họ phải thích mình thì mình mới làm việc được, nên mình phải lấy lòng họ", ông nói.

Ông cũng là một trong những doanh nhân có xu hướng đóng góp trở lại cho quê hương, họ tộc nhiều nhất. Him Lam là một trong những doanh nghiệp có người lao động xuất thân từ tỉnh Bắc Ninh nhiều nhất. Ngoài ra, dường như tất cả các quỹ tài trợ của họ Dương ở Việt Nam đều được Dương Công Minh tài trợ và hiện ông là Phó Chủ tịch Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

Trong lễ vinh danh và khen thưởng các con em họ Dương vào đầu năm 2014 mới đây, ông đã dành ra gần cả tỷ đồng để tài trợ cho quỹ khen thưởng và chính ông là người trao giải. Một điều thú vị trong buổi lễ vinh danh là ông cũng chính tay trao giải thưởng cho con gái của mình là Dương Phương Mai vì thành tích đậu thủ khoa vào Đại học Harvard của Mỹ.

Tin mới lên