Tài chính

Chi thường xuyên đã lên tới hơn 70%, chi đầu tư chỉ khoảng 30%

Theo đánh giá của WB, mức nợ trực tiếp của Chính phủ của Việt Nam tương đương các nước trong khu vực, nhưng đáng lo nhất là tốc độ nợ tăng nhanh, đã tăng 10% trong 5 năm qua.

Chi thường xuyên đã lên tới hơn 70%, chi đầu tư chỉ khoảng 30%

Bộ Tài chính và Ngân hàng Thế giới (WB) vừa đưa ra Báo cáo chi - tiêu công Việt Nam. Theo báo cáo, thực trạng nợ công cho thấy, Chính phủ đang gặp những thách thức rất lớn để có thể duy trì nợ công an toàn.

Giai đoạn 2011-2015, bội chi ngân sách Việt Nam bình quân lên đến 5,6% GDP/năm. Chi tiêu công tăng nhanh, vay nợ nhiều hơn. Trong khi thu ngân sách vẫn khó khăn và so với GDP lại sụt giảm (do giảm thu từ dầu thô, thuế xuất nhập khẩu, thu từ đất, ưu đãi thuế). Hệ quả, nợ công tăng mạnh trong thời gian qua, từ 58% GDP năm 2014 lên 61% năm 2015. "Điều này gây lo ngại về tính bền vững trong trung hạn", bà Quyên nói.

Trong khi nợ công tăng nhanh, thì chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng ngày càng lớn, hiện chi thường xuyên đã lên tới hơn 70% trong tổng chi ngân sách, còn chi đầu tư chỉ khoảng 30% trong khi tỷ trọng của 2 khoản chi này giai đoạn 2006 - 2010 là 63:37. Điều này được các chuyên gia WB lý giải, chủ yếu do sức ép từ các đợt tăng lương cán bộ công chức, tăng biên chế, tăng chi an sinh. 

Đặc biệt, các khoản lãi vay phải trả ngày càng tăng đang trở thành gánh nặng lớn với ngân sách. Năm 2015, chi trả lãi chiếm khoảng 8% tổng thu ngân sách của năm, nếu tính tổng chi trả nợ đã chiếm 15% số thu. Khoản chi này đang tiệm cận ngưỡng an toàn và cho thấy những rủi ro ngày càng lớn cho ngân sách.

Nợ công (không bao gồm nợ của doanh nghiệp nhà nước) cũng tăng từ 51,7% GDP năm 2010 lên 61% GDP năm 2015. Trong đó, nợ trực tiếp của Chính phủ chiếm 43,3% GDP. Theo đánh giá của WB, mức nợ Chính phủ này tương đương các nước trong khu vực, nhưng đáng lo nhất là tốc độ nợ tăng nhanh, đã tăng 10% trong 5 năm qua, bất chấp thành tích tăng trưởng kinh tế ấn tượng. 

Nếu còn tiếp diễn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những quan ngại nghiêm trọng về bền vững tài khóa. Cùng với đó, việc vay trong nước nhiều hơn cũng gây sức ép về trả nợ trong tương lai gần, khi đa số khoản vay đều ngắn hạn (chỉ 3-5 năm).

Theo tính toán của các chuyên gia WB và Bộ Tài chính, có tới phân nửa các khoản nợ trong nước của Chính phủ sẽ đáo hạn trong 3 năm tới. Dù báo cáo không đưa ra con số cụ thể số tiền phải trả, nhưng theo Bản tin nợ công số 5 (năm 2015) vừa được Bộ Tài chính công bố, nợ trong nước của Chính phủ tới hết năm 2015 còn hơn 54,6 tỷ USD (tương đương hơn 1,19 triệu tỷ đồng); nợ Chính phủ bảo lãnh vay trong nước hơn 9,4 tỷ USD (tương đương hơn 207,45 nghìn tỷ đồng); nợ chính quyền địa phương vay trong nước hơn 3,3 tỷ USD (tương đương hơn 73,6 nghìn tỷ đồng). 

Với phân nửa số nợ trên sẽ đáo hạn trong 3 năm tới, khi đó ngân sách nhà nước sẽ phải dành ra hơn 738 nghìn tỷ đồng (trên 33,6 tỷ USD) để trả nợ vay trong nước (chưa kể các khoản vay nước ngoài tới hạn).

Tin mới lên