Tài chính

Chỉ vì ‘tham’ vài đồng thuế, phí

(VNF) – Chính sách thuế, phí hiện nay có thể khiến một doanh nghiệp suy giảm năng lực cạnh tranh, thậm chí khiến một ngành công nghiệp rơi vào tình thế "không muốn phát triển".

Chỉ vì ‘tham’ vài đồng thuế, phí

Việc Hải Phòng áp dụng chính sách thu phí hạ tầng cảng biển đang khiến doanh nghiệp gặp khó (ảnh minh họa)

Tại Hội thảo "Đảm bảo tính nhất quán trong điều chỉnh chính sách để đạt mục tiêu tăng trưởng" diễn ra sáng nay (19/9), ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế VCCI, đã nêu một ví dụ sinh động về tác động của chính sách thuế phí lên hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo đó, một doanh nghiệp tại Thái Nguyên cho biết kể từ khi thành phố Hải Phòng áp dụng chính sách thu phí hạ tầng cảng biển (20.000 đồng/1 tấn hàng rời), chi phí của doanh nghiệp này đã tăng đột biến lên 300 – 400 triệu đồng/chuyến tàu – dù cho tàu hàng chỉ đậu 2, 3 ngày trên vịnh và không dùng hạ tầng cảng biển. Hệ quả là lợi nhuận của doanh nghiệp giảm mạnh, dẫn đến quy mô sản xuất bị thu hẹp.

"Doanh số hằng năm của doanh nghiệp này là 800 tỷ đồng, nộp ngân sách 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, do chi phí bị đội lên quá cao, kinh doanh không hiệu quả nên chủ doanh nghiệp này cho biết sẽ cắt giảm quy mô hoạt động, thậm chí là đóng cửa. Như vậy quý vị có thể hình dung: Hải Phòng thu được một ít phí cảng biển nhưng đằng sau đó, năng lực cạnh tranh của một doanh nghiệp và nguồn thu ngân sách (30 tỷ đồng) có thể bị ảnh hưởng rất lớn", ông Tuấn nói.

Hệ lụy từ chính sách thuế phí không chỉ tác động đến một doanh nghiệp đơn lẻ mà còn có thể tác động đến cả một ngành công nghiệp. Chẳng hạn như khai khoáng, các chuyên gia vẫn hay hô hào phải hạn chế xuất thô, tăng cường xuất khẩu hàng đã qua chế biến. Tuy nhiên, nếu phân tích kĩ sẽ thấy gốc rễ của tình trạng này nằm ở chính sách thuế hiện nay.

Cụ thể, thuế tài nguyên được tính trên giá trị xuất khẩu. Nếu doanh nghiệp chỉ khai thác và xuất khẩu thô thì thuế tính trên giá trị xuất thô. Còn nếu sàng tuyển, chế biến, tạo thêm giá trị tăng thêm thì thuế tài nguyên lại được tính trên giá trị hải quan xuất khẩu. Có nghĩa là nếu giá trị xuất thô chỉ là 1, giá trị chế biến là 3 thì nhà nước sẽ đánh thuế trên 3. Chính vì vậy doanh nghiệp không có động cơ chế biến sâu, bởi càng chế biến thì mức thuế càng cao.

"Có doanh nghiệp nói tại hội thảo của VCCI, chúng tôi nổ mìn lấy đá khối xuất khẩu lợi hơn rất nhiều so với chế biến rồi xuất khẩu, vì chế biến càng nhiều thì thuế càng nhiều. Cho nên thay vì chế tạo ở Việt Nam để tạo thêm hàng nghìn việc làm, đóng góp ngân sách thì người ta sang Lào, Campuchia để chế biến. Như vậy, một chính sách thuế không cân nhắc cụ thể sẽ tạo ra hệ lụy rất lớn", ông Tuấn bình luận.

Vị Trưởng ban Pháp chế của VCCI cũng đưa thêm một ví dụ khác để thấy rõ hơn sự tác động dây chuyền theo hiệu ứng domino của chính sách tận thu thuế phí, đó là đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng nước ngọt (thuế suất 10%).

Khi bị đánh thuế, giá cả mặt hàng nước ngọt sẽ tăng (theo tính toán giá sẽ tăng thêm 12%); giá tăng khiến hành vi của người tiêu dùng thay đổi, lượng tiêu thụ có thể giảm đi. Lượng hàng tiêu thụ giảm khiến lợi nhuận doanh nghiệp giảm xuống. Hệ quả là nhà nước sẽ thu được ít thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế VAT.

Song câu chuyện chưa dừng ở đó, phản ứng dây chuyền tiếp tục xảy ra bởi khi sản xuất của các doanh nghiệp nước ngọt giảm thì ngành đường cũng sẽ giảm theo. Đường giảm thì nông dân trồng mía bị ảnh hưởng. Tương tự, các doanh nghiệp trong chuỗi như doanh nghiệp bán lẻ, phân phối, vận tải… cũng bị ảnh hưởng theo.

"Khi đưa ra đề xuất đánh thuế một mặt hàng cần có nghiên cứu rất kĩ. Trong đề án của Bộ Tài chính, rất tiếc, phần này lại tương đối vắn tắt. Chúng tôi cũng không biết Bộ Tài chính đã có đánh giá cụ thể chưa?", ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cho rằng, trong lĩnh vực này, rất cần có một tiếng nói, một động thái nhất quán từ phía Chính phủ. Các quy định về thuế phí của địa phương, bộ ngành đều có tính chính đáng nhất định nhưng còn lợi ích toàn cục của quốc gia thì sao? Bởi đằng sau các quyết định tăng thu thuế phí là thu ngân sách lâu dài, là số lao động được sử dụng, là hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nữa.

Tin mới lên