Nhân vật

Chia tay FPT, cựu Giám đốc chiến lược Nguyễn Hữu Thái Hòa đầu quân cho VNPT

(VNF) - Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, cựu Giám đốc Chiến lược của FPT chính thức đảm trách chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chiến lược kiêm Giám đốc chiến lược (CSO) của Tập đoàn VNPT kể từ ngày 15/6/2016.

Chia tay FPT, cựu Giám đốc chiến lược Nguyễn Hữu Thái Hòa đầu quân cho VNPT

Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, cựu Giám đốc chiến lược cho Tập đoàn FPT, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chiến lược - Giám đốc chiến lược của VNPT.

Mới đây, trên trang Facebook cá nhân, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa đăng tải kèm theo hình ảnh danh thiếp mới của mình tại Tập đoàn VNPT với chức danh Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn chiến lược - Giám đốc chiến lược (CSO) cùng dòng chia sẻ: "Công việc mới, Nhiệm vụ mới,... thách thức mới!. Chính thức làm CSO - Phó Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn VNPT từ 15/6/2016".

Nguyễn Hữu Thái Hòa sinh năm 1969 tại Sài Gòn. Ông từng theo học Khoa thanh nhạc và piano cổ điển tại Nhạc viện Tp Hồ Chí Minh (1986-1990); sau đó học kiến trúc nội thất tại Đại học Bách khoa Ryerson, Toronto, Canada (1991-1995); Thạc sỹ Quản trị kinh doanh, Đại học CEIBS, Thượng Hải, Trung Quốc (2005-2007).

Năm 1997, ông Hòa bắt đầu làm việc cho Tập đoàn công nghiệp đa quốc gia Schneider Electric (Pháp) với tư cách là Phó Giám đốc của Schneider Việt Nam. Đặc biệt tại đây, bộ quy trình công nghiệp trong dây chuyền của nhà máy do Thái Hoà soạn thảo đã được Tập đoàn Schneider chọn làm quy trình mẫu để huấn luyện cho các nhà máy vệ tinh của tập đoàn trên thế giới. 

Vào năm 2010, sau 13 năm gắn bó với tập đoàn đa quốc gia này ông về Việt Nam gia nhập FPT, đảm trách nhiệm vụ Giám đốc chiến lược của tập đoàn. 

Chia sẻ quyết định trở về Việt Nam làm việc, ông Hòa từng nói: "Khi đã đi xuyên qua chuỗi giá trị phát triển của các tập đoàn lớn toàn cầu từ phát triển sản phẩm (R&D) đến sản xuất, phân phối, bán hàng và những chiến lược thôn tính, mở rộng toàn cầu hóa, sự dịch chuyển tự Tây sang Đông hơn 2 thập kỷ qua, trong tôi vẫn đọng lại một nỗi cay đắng cho sự tụt hậu của đất nước Việt Nam. Câu hỏi tại sao chúng ta mãi chấp nhận đứng ở một vị trí yếu kém không xứng tầm vóc của một dân tộc thông minh, quật cường như Việt Nam đã thôi thúc tôi quay trở về, nguyện cống hiến hết những ngày đẹp nhất của tuổi thanh xuân trên quê hương mình. Đó là một lựa chọn không dễ dàng trong đáy của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và Việt Nam".

Kể từ đầu tháng 8/2015, theo nguyện vọng cá nhân để dành thời gian thực hiện những mục tiêu đầu tư vào nông nghiệp và giáo dục, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa đã dừng công việc tại FPT.

Sau gần 5 năm ở vị trí Giám đốc Chiến lược tại FPT, ông Hòa cho biết sứ mệnh của mình về căn bản đã hoàn thành, lộ trình chiến lược cho FPT nói riêng và bức tranh ngành công nghệ thông tin nói chung đang rất sáng tỏ. "Giờ là lúc tôi tha thiết muốn tạo sự nghiệp riêng và bước vào những lĩnh vực chiến lược khác đầy kỳ vọng, phát triển đột phá cho Việt Nam như nông nghiệp và giáo dục. Ngoài ra, về mặt cá nhân, tôi quyết định chuyển về sống gần bố mẹ già tuổi 80 để tiện việc chăm sóc các cụ", ông Hòa nói.

Gắn bó với FPT trong nửa thập kỷ, cựu Giám đốc chiến lược FPT cũng chia sẻ nhiều dấu ấn khi được làm việc trong tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam. Ông cho biết, cuối năm 2010, khi ông gia nhập FPT, khi đó có 11.000 cán bộ nhân viên với doanh thu hơn 1 tỷ USD. Năm năm sau, kế hoạch 2015 doanh thu 1,8 tỷ USD và tháng 8 đã đạt con số 23.000 nhân viên.

"Đó là những thành tựu rất đáng hãnh diện của không chỉ riêng tôi mà toàn bộ cán bộ nhân viên FPT. Tôi hạnh phúc là mình đã đóng góp ít nhiều và chứng kiến sự thay đổi lớn lao đó. Sức mạnh và bản lĩnh thật sự của FPT thật ra còn nằm ở phía trước với giấc mơ toàn cầu", ông nói.

FPT là một chặng đường nhiều kỷ niệm với Nguyễn Hữu Thái Hòa.

Nói về những trải nghiệm khác biệt giữa quá trình làm việc tại FPT so với thời gian làm tại tập đoàn đa quốc gia, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa đã chia sẻ: "Ở Phương Tây, tôi là chuyên gia rất sâu về quản trị chất lượng, nhà quản lý tại châu Á cho một tập đoàn công nghệ điện. Giá trị của tôi được đo bằng những chỉ số cải tiến, tiết kiệm trong các nhà máy, bằng sự cần cù, chi tiết và sáng tạo trong mỗi công cụ quản lý. Mỗi chuyến công tác trong các dự án và giải pháp chất lượng tại khắp nơi ở châu Á và châu Đại Dương đem lại ngay lợi nhuận hàng triệu USD". 

"Ở FPT, tôi nghiên cứu và triển khai về chiến lược CNTT, một ngành trọng yếu cho đất nước Việt Nam. Kinh nghiệm ở FPT đã cho tôi quá nhiều bài học triển khai công việc và cách thức xây dựng hệ thống quản trị ở Việt Nam thật sự khó khăn và gai góc như thế nào. Mô hình kinh doanh của Tập đoàn FPT quá rộng, quá đa dạng với 7 công ty thành viên không giống như các tập đoàn sản xuất một ngành nghề mà tôi từng làm việc. Làm thế nào để có cùng định hướng chiến lược và những mẫu số chung trong một tổ chức của những người xây dựng hạ tầng viễn thông, những lập trình viên IT, những nhà phân phối và bán lẻ, những giáo sư đại học và cả những nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ… Chúng tôi đã cố gắng có các giải pháp phù hợp nhất", ông nói.

Ông Hòa cũng nhấn mạnh: "Qua FPT, tôi cũng hiểu hơn những ẩn số phát triển của Việt Nam thật ra nằm ở đâu, vì sao đất nước chúng ta chưa phát triển dù có cả thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Năm năm làm việc ở FPT với riêng tôi có giá trị tri thức bằng 20 năm làm việc ở nước ngoài"

Nguyễn Hữu Thái Hòa còn được biết đến là một diễn giả nổi tiếng khi chia sẻ về những tư vấn chiến lược, sự cạnh tranh của thương hiệu Việt, khơi gợi cảm hứng khởi nghiệp đối với người trẻ,...

"Trong mỗi bài giảng, mỗi câu chuyện của tôi đều là người thật, việc thật. Bằng cuộc sống, mồ hôi và nước mắt của chính mình trong những vị trí mà tôi đã trãi nghiệm qua là những giá trị chia sẻ không chỉ đo đếm bằng tiền và sự thành đạt. Từ một sinh viên đến Canada với hai bàn tay trắng, đi làm tất cả mọi việc để tự trang trãi việc học và quyết không bỏ ngang để chấp nhận kiếp gia công trong các hãng xưởng, dù cũng có thể vẫn sống được bình thường như mọi người dân Canada khác. Khi tốt nghiệp xong đại học tôi xung phong đi các dự án Toàn cầu hóa mà ở thập niên 90 chỉ là những kẻ có máu phiêu lưu mới dám chọn lựa. Bạn bè cũ tại Canada của tôi giờ vẫn sống ổn định ở bên đó, đã trả xong cái nhà mua góp 20 năm, đã an nhàn hơn rất nhiều so với một chuyên gia xa xứ (Expatriate) như chúng tôi cứ mỗi 3 đến 5 năm lại đem cả gia đình mình sang một quốc gia khác hoàn toàn từ ngôn ngữ, đến văn hóa, xã hội và công việc", ông từng nói.

Chuyên gia chiến lược này từng sống và làm việc 6 năm ở Canada,  4 năm ở Pháp, gần 7 năm ở Hồng Kông và Trung Quốc, cho đến khi quay về Việt Nam 3 năm nay. 

Tin mới lên