Bất động sản

Chiêu chuyển nhượng cổ phần ở dự án tháp SJC

Điều khiến dư luận băn khoăn là trong khi dự án tháp JSC “án binh bất động” suốt nhiều năm liền và được giao cho công ty Nhà nước thực hiện nhưng lại diễn ra ồ ạt việc chuyển nhượng cổ phần của các công ty tư nhân để thu lời.

Chiêu chuyển nhượng cổ phần ở dự án tháp SJC

Dự án tháp SJC sở hữu vị trí đắc địa vẫn đang còn bỏ hoang, gây lãng phí ngân sách Nhà nước. Ảnh: Trần Xuân Tình

Hơn 13 năm trôi qua, mặc dù đã có chủ trương đầu tư, thực hiện các thủ tục pháp lý nhưng vẫn có một dự án bất động sản sở hữu vị trí đắc địa bậc nhất ở Tp. Hồ Chí Minh đang lâm tình cảnh “trùm mền”.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp tư nhân tha hồ đầu tư chuyển nhượng cổ phần tại chính dự án nói trên để kiếm lời hàng trăm tỷ đồng. Chuyện thật như đùa này diễn ra tại dự án tháp SJC.

Làm trái chỉ đạo

Năm 2005, UBND Tp. Hồ Chí Minh chấp thuận chủ trương giao Công ty Vàng bạc Đá quý Tp. Hồ Chí Minh (Công ty SJC), thực hiện dự án khu tứ giác Lê Lợi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lê Thánh Tôn – Nguyễn Trung Trực ở quận 1, với mục đích làm cao ốc văn phòng, thương mại, căn hộ (còn gọi là tháp SJC) với quy mô sau điều chỉnh gồm 6 tầng hầm, 54 tầng nổi với chức năng văn phòng, khách sạn, thương mại – dịch vụ, căn hộ bán và cho thuê, tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng.

Khu đất tứ giác nói trên rộng 3.805 m2 gồm 2 phần; trong đó, một phần do Công ty SJC nhận chuyển nhượng từ Công ty Cosevina vào năm 1992 (diện tích 2.003 m2), phần còn lại do các tổ chức, cá nhân khác quản lý, sử dụng.

Sau khi có chủ trương của UBND thành phố cho phép triển khai hợp tác đầu tư dự án tháp SJC, Công ty SJC đã liên danh với đối tác nước ngoài nhưng không thành. Đến năm 2007, Công ty SJC cùng 3 đơn vị gồm: Công ty cổ phần Hùng Vương, Công ty cổ phần Kinh Đô và Công ty TNHH MTV Chứng khoán Ngân hàng Đông Á lập và ký biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược để đầu tư dự án tháp SJC.

Các bên xác định giá trị tài sản kiến trúc trên đất, quyền được thuê đất, quyền được sử dụng đất, thương quyền của dự án tháp SJC là 14,25 triệu USD. Cụ thể, phần góp vốn của Công ty SJC là 10,5 triệu USD, phần còn lại 3,75 triệu USD sẽ được các bên thanh toán bằng tiền cho Công ty SJC.

Cũng trong năm 2007, Công ty SJC xin UBND thành phố chấp thuận thành lập pháp nhân mới là Công ty cổ phần tháp SJC để thực hiện dự án với cơ cấu góp vốn như sau: Công ty SJC góp 40% vốn điều lệ, Công ty cổ phần Hùng Vương góp 30% vốn điều lệ, Công ty cổ phần Kinh Đô góp 15% vốn điều lệ, Công ty TNHH MTV Chứng khoán Ngân hàng Đông Á góp 15% vốn điều lệ.

Trong khi UBND thành phố chưa chấp thuận đề xuất này thì 4 công ty nói trên đã cùng nhau đến nộp hồ sơ ở Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để thành lập Công ty cổ phần Sài Gòn Kim Cương và đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 4103007991.

Theo đó, Công ty cổ phần Sài Gòn Kim Cương có vốn điều lệ 420 tỷ đồng do Công ty SJC góp vốn 168 tỷ đồng (chiếm 40% vốn điều lệ), Công ty cổ phần Hùng Vương góp 126 tỷ đồng (chiếm 30%), Công ty cổ phần Kinh Đô góp 63 tỷ đồng (15%) và Công ty TNHH MTV Chứng khoán Ngân hàng Đông Á góp 63 tỷ đồng (15%). Sau khi "gạo đã nấu thành cơm", Công ty SJC mới trình Sở Tài chính, UBND thành phố về việc góp vốn thực hiện dự án tháp SJC.

Kế đó, UBND thành phố cho phép SJC được phép góp vốn bằng giá trị tài sản trên đất và giá trị thương quyền để góp vốn thành lập Công ty cổ phần Sài Gòn Kim Cương để triển khai dự án tháp SJC với giá trị là 14,25 triệu USD.

UBND thành phố cho phép Công ty SJC được bàn bạc, trao đổi với các đối tác để hợp tác đầu tư dự án này chứ không chấp thuận chủ trương thành lập pháp nhân mới. Vì vậy việc Công ty SJC tham gia góp vốn thành lập Công ty cổ phần Sài Gòn Kim Cương khi chưa được UBND thành phố chấp thuận là trái quy định.

Lòng vòng chuyển nhượng cổ phần

Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, trong quá trình góp vốn thành lập Công ty cổ phần Sài Gòn Kim Cương có 2 công ty không đủ năng lực tài chính là Công ty cổ phần Hùng Vương và Công ty TNHH MTV Chứng khoán Ngân hàng Đông Á. Cụ thể, Công ty cổ phần Hùng Vương vay 7,875 triệu USD của Công ty cổ phần Kinh Đô (nay là Tập đoàn KIDO) để góp vốn vào Công ty cổ phần Sài Gòn Kim Cương và thực chất Công ty cổ phần Hùng Vương chỉ đứng tên hộ cho Công ty cổ phần Kinh Đô.

Đối với Công ty TNHH MTV Chứng khoán Ngân hàng Đông Á, do khó khăn về tài chính nên đã nhường khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Sài Gòn Kim Cương cho cá nhân bà Cao Thị Ngọc Dung, bù lại sẽ được trả phí môi giới không thấp hơn 0,5% tổng giá trị thanh toán.

UBND Tp. Hồ Chí Minh khẳng định, việc Công ty cổ phần Hùng Vương và Công ty TNHH MTV Chứng khoán Ngân hàng Đông Á tham gia góp vốn thành lập Công ty cổ phần Sài Gòn Kim Cương thực chất là đầu cơ, môi giới kiếm lời, không nhằm đầu tư thực hiện dự án.

Đáng chú ý là việc chuyển nhượng cổ phần ồ ạt tại Công ty cổ phần Sài Gòn Kim Cương để thu lợi. Cụ thể, năm 2009, Công ty TNHH MTV Chứng khoán Ngân hàng Đông Á chuyển nhượng toàn bộ 5.861.737 cổ phần đang sở hữu tại Công ty cổ phần Sài Gòn Kim Cương cho bà Lâm Thị Hoà, qua đó đem lại lợi nhuận 112,234 tỷ đồng cho bà Cao Thị Ngọc Dung. Sau đó, bà Cao Thị Ngọc Dung trả phí môi giới 1,123 tỷ đồng cho Công ty TNHH MTV Chứng khoán Ngân hàng Đông Á.

Tương tự, năm 2009, Công ty cổ phần Hùng Vương và Công ty cổ phần Kinh Đô chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho 2 cá nhân là ông Vũ Bá Chương và Phùng Xuân Minh thu về lợi nhuận gần 557 tỷ đồng. Đến tháng 10/2011, ông Vũ Bá Chương và Phùng Xuân Minh lại chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho Công ty cổ phần Đầu tư Vạn Thịnh Phát (của gia tộc giàu có Trương Mỹ Lan) và Công ty cổ phần Đầu tư Kim Cương Xanh với giá tổng giá trị 718,3 tỷ đồng.

Tiếp đó tháng 11/2012 Công ty cổ phần Đầu tư Vạn Thịnh Phát chuyển nhượng toàn bộ cổ phần đang sở hữu cho Công ty cổ phần Tập đoàn phát triển hạ tầng và Bất động sản Việt Nam với tổng giá trị gần 575 tỷ đồng, thu về lợi nhuận 234,69 tỷ đồng.

Đến tháng 9/2014, bà Lâm Thị Hoà chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho Công ty cổ phần Tập đoàn phát triển hạ tầng và Bất động sản Việt Nam với giá trị 145,5 tỷ đồng. Tiếp đến tháng 1/2016, Công ty cổ phần Đầu tư Kim Cương Xanh chuyển nhượng cổ phần cho Công ty cổ phần Tập đoàn phát triển hạ tầng và Bất động sản Sài Gòn Star với giá trị 143,6 tỷ đồng. Để đến tháng 1/2016, Công ty cổ phần Tập đoàn phát triển hạ tầng và Bất động sản Việt Nam chuyển nhượng 18.757.560 cổ phần cho Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng và Bất động sản Sài Gòn Star với tổng giá trị 467 tỷ đồng.

Đến đây, việc sở hữu cổ phần tại Công ty cổ phần Sài Gòn Kim Cương đã thay đổi như sau: Công ty SJC sở hữu 40% vốn điều lệ, Công ty cổ phần Tập đoàn phát triển hạ tầng và Bất động sản Việt Nam sở hữu 18% vốn điều lệ và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng và Bất động sản Sài Gòn Star sở hữu 42% vốn điều lệ.

Điều khiến dư luận băn khoăn là trong khi dự án tháp JSC “án binh bất động” suốt nhiều năm liền và được giao cho công ty Nhà nước thực hiện nhưng lại diễn ra ồ ạt việc chuyển nhượng cổ phần của các công ty tư nhân để thu lời. Rõ ràng, việc để trống khu đất đắc địa nói trên trong những năm qua đã làm lãng phí tài sản Nhà nước, tạo dư luận không tốt trong xã hội, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị thành phố.

Hiện nay, Công ty cổ phần Sài Gòn Kim Cương được gia hạn triển khai dự án đến năm 2020, nếu không hoàn thành sẽ bị thu hồi. Thế nhưng, hiện tại khu đất vàng này vẫn chỉ là bãi đất trống sau thời gian dài được sử dụng làm bãi giữ xe.

Tin mới lên