Tiêu điểm

Chiêu 'lách' tinh giản bộ máy của một số cơ quan Bộ

Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ rõ việc "không thành lập phòng trong vụ". Tuy nhiên, trước khi Nghị quyết này chính thức được ban hành, một số Bộ đã "nhanh chân" nâng cấp vụ lên cục như Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội...

Thông tin về đề án tinh giản bộ máy của Bộ Công an đã làm nức lòng dư luận. Đây có thể là cơ quan tiên phong quán triệt thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về "Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả"; Nghị quyết số 19-NQ/TW về "Một số vấn đề tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập".

Trong khi Bộ Công an - tưởng chừng là cơ quan khó tinh giản bộ máy nhất - đã đi đầu, thì một số Bộ khác, dường như chưa hưởng ứng thực sự. Một số Bộ đã tiến hành nâng cấp vụ lên cục, hoặc giảm đầu mối nhưng lại gộp lại thành ra thêm cấp tổng cục...

"Nhanh chân" nâng cấp vụ lên cục

Từ tháng 1/2016, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ - khi đó là Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các nội dung của Chương trình tổng thể Cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020; tăng cường công tác chỉ đạo; đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước các cấp về kết quả cải cách hành chính...

Đáng chú ý, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành nghiêm túc thực hiện quy định không thành lập phòng trong vụ hoặc thành lập phòng mới trong cục.

Đến tháng 10/2017, chủ trương không thành lập phòng trong vụ được vào Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 25/10/2017.

Nghị quyết số 18-NQ/TW chỉ rõ: "Các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ chủ động rà soát, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong, giảm cơ bản số lượng tổng cục, cục, vụ, phòng; không thành lập tổ chức mới, không thành lập phòng trong vụ, trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định. Giảm tối đa các ban quản lý dự án".

Tuy nhiên, trong thời gian hơn một năm trước khi Nghị quyết 18 chính thức được ban hành, nhiều cơ quan Bộ đã 'nhanh chân' nâng cấp một số vụ lên cục.

Trong khi vụ không có tư cách pháp nhân, không có cấp phòng, thì cục có tư cách pháp nhân, có con dấu để giao dịch, được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước và ngân hàng theo quy định của pháp luật, và đặc biệt, được thành lập các phòng.

Bộ Xây dựng

Ngày 16/10/2017, 9 ngày trước khi Nghị quyết số 18-NQ/TW chính thức được ban hành, Bộ Xây dựng đã tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Cục Kinh tế - Xây dựng trên cơ sở tổ chức lại và nâng cấp Vụ Kinh tế - Xây dựng.

Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Xây dựng Phạm Văn Khánh giữ chức vụ Cục trưởng. Ông Hoàng Anh Tuấn, bà Trương Thị Thu Thanh - giữ chức vụ Phó Cục trưởng Cục Kinh tế - Xây dựng.

Vụ Kinh tế - Xây dựng (Bộ Xây dựng) được nâng cấp lên thành Cục Kinh tế - Xây dựng.

Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, việc thành lập Cục Kinh tế - Xây dựng nhằm kiện toàn cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng theo Nghị định số 81/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng.

Cục Kinh tế - Xây dựng gồm: Văn phòng; Phòng Định mức và đơn giá; Phòng Kinh tế đầu tư và hợp đồng xây dựng; Trung tâm tư vấn Kinh tế xây dựng.

Bộ Tư pháp

Cũng trong tháng 10/2017, Bộ Tư pháp cũng quyết định bổ nhiệm 3 lãnh đạo Cục Kế hoạch - Tài chính là ông Phan Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng, Quyền Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính giữ chức vụ Phó Cục trưởng Cục Kế hoạch - Tài chính và giữ Quyền Cục trưởng Cục Kế hoạch - Tài chính.

Ông Nguyễn Huy Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính giữ chức vụ Phó Cục trưởng Cục Kế hoạch - Tài chính; bà Trần Thị Kim Phú, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính giữ chức vụ Phó Cục trưởng Cục Kế hoạch - Tài chính.

Trước đó, ngày 16/8/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 96/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp. Nghị định này đã "nâng cấp" Vụ Kế hoạch – Tài chính thành Cục Kế hoạch – Tài chính. Cục Kế hoạch – Tài chính gồm có 4 phòng là Phòng Kế hoạch - Tổng hợp; Phòng Thống kê; Phòng Quản lý ngân sách - tài sản; Phòng Quản lý đầu tư và 1 đơn vị sự nghiệp là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và mua sắm tài sản tập trung.

Trước khi được nâng cấp lên Cục, Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Tư pháp) gồm 5 phòng: Phòng Tổng hợp - Hành chính; Phòng Kế hoạch; Phòng Thống kê; Phòng Quản lý ngân sách - tài sản và Phòng Quản lý đầu tư xây dựng cơ bản.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Cuối tháng 5/2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) đã công bố Quyết định số 736/QĐ-LĐTBXH quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, đồng thời trao các quyết định bổ nhiệm nhân sự chủ chốt của Cục này.

Cục Quan hệ lao động và Tiền lương là đơn vị thuộc Bộ LĐ-TBXH, được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Vụ Lao động - Tiền lương và Trung tâm Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp trao quyết định bổ nhiệm 3 lãnh đạo Cục Quan hệ lao động và Tiền lương.

Cục Quan hệ lao động và Tiền lương vẫn thực hiện các nhiệm vụ như của Vụ Lao động - Tiền lương trước đây nhưng bổ sung thêm 2 nhiệm vụ mới là cho thuê lại lao động và đăng ký, quản lý hoạt động của các tổ chức đại diện người lao động theo quy định của pháp luật lao động.

Cục Quan hệ lao động và Tiền lương có Cục trưởng và một số Phó Cục trưởng trong đó có các phòng chức năng và đơn vị trực thuộc: Phòng chính sách lao động; Phòng Quan hệ lao động; Phòng Tiền lương; Văn phòng; Trung tâm Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động (đơn vị sự nghiệp).

Giảm đầu mối nhưng thành lập thêm Tổng cục

Một điểm đáng chú ý trong đề án tinh giản bộ máy của Bộ Công an, theo Trung tướng Trần Đình Nhã, cựu phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội, cựu Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công an), đó là phương án bỏ cấp tổng cục và giảm cấp cục qua việc sáp nhập nhiều đơn vị.

Trong khi đó, mặc dù cũng thể hiện thu gọn các đầu mối, sáp nhập, cắt giảm các đơn vị nhưng một số Bộ lại tiến hành thành lập Tổng cục mới hoặc nâng cấp Cục lên Tổng cục.

Bộ Nông nghiệp

Tháng 8/2017, hai Tổng cục mới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Tổng cục Thủy lợi và Tổng cục Phòng, Chống thiên tai chính thức được thành lập. Đồng thời, Bộ này cũng trao quyết định bổ nhiệm 2 tân Tổng cục trưởng là ông Nguyễn Văn Tỉnh giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi và ông Trần Quang Hoài giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, Chống thiên tai.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng trao các quyết định bổ nhiệm cho 2 Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi và Tổng cục Phòng, Chống thiên tai. Ảnh Nongnghiep.vn

Tổng cục Thủy lợi được thành lập trên cơ sở sáp nhập Cục Thủy lợi và Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai.

Với Tổng cục Phòng, chống thiên tai, đây là lần đầu tiên một cơ quan chuyên trách cấp Tổng cục về phòng chống thiên tai được thành lập.

Về cơ cấu tổ chức, cả Tổng cục Thủy lợi và Tổng cục Phòng, chống thiên tai, mỗi Tổng cục đều có 9 đơn vị trực thuộc.

Với việc thành lập 2 Tổng cục mới, hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có 4 Tổng cục bao gồm: Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục Thủy sản, Tổng cục Thủy lợi và Tổng cục Phòng, chống thiên tai.

Bộ Công Thương

Vốn được hợp nhất từ Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại, Bộ Công Thương có bộ máy cồng kềnh với 35 đơn vị đầu mối. Tháng 11/2016, một trong những nội dung lớn được Ban cán sự Đảng Bộ Công thương đưa ra họp bàn để thông qua là phương án kiện toàn và tái cấu trúc. Dự thảo đề án sau đó đã được công khai lấy ý kiến rộng rãi, trong phương án chỉ còn 28 đơn vị thay vì 35 đơn vị như ban đầu.

Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) được đề xuất nâng cấp lên Tổng cục Quản lý thị trường.

Đến tháng 8/2017, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt Nghị định 98 về cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương. Theo đó, bộ máy của Bộ này giảm còn 30 đơn vị (kế hoạch ban đầu là giảm còn 28 đơn vị).

Bộ thu hẹp đầu mối, nhưng đáng chú ý, Cục Quản lý thị trường lại được "nâng cấp" lên thành Tổng cục Quản lý thị trường.

Theo dự thảo Đề án thành lập Tổng cục Quản lý thị trường do Bộ Công Thương xây dựng, cơ quan này sẽ bao gồm các đơn vị: Văn phòng Tổng cục; Vụ Tổ chức - Xây dựng lực lượng; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Vụ Chính sách Pháp chế; Vụ Tổng hợp và Đối ngoại; Vụ Kiểm tra, giải quyế khiếu nại, tố cáo; Cục Chống buôn lậu; Cục Chống hàng giả; Cục Kiểm soát chất lượng hàng hóa; Trung tâm Truyền thông và Đào tạo quản lý thị trường (đơn vị sự nghiệp công lập).

Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường có 3 đơn vị trực thuộc gồm: Phòng Hành chính - Quản trị, Phòng Thông tin tuyên truyền và Phòng Kế toán.

Cục Chống buôn lậu, Cục Chống hàng giả, Cục Kiểm soát chất lượng hàng hóa có 3 đơn vị trực thuộc gồm: Phòng Hành chính - Tổng hợp; Phòng Tham mưu nghiệp vụ và Đội Quản lý thị trường.

Ngoài ra, tổ chức Quản lý thị trường ở địa phương gồm các Cục Quản lý thị trường tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường.

Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh có các đơn vị: Phòng Tổ chức - Hành chính; Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp; Phòng Thanh tra - Pháp chế. Đối với Hà Nội, TP. HCM và một số địa bàn trọng điểm số lượng phòng có thể nhiều hơn, nhưng không quá 4 phòng.

Ngoài ra có các Đội Quản lý thị trường ở các huyện, quận, thị xã, thành phố hoặc liên huyện thuộc tỉnh và các Đội Quản lý thị trường chuyên ngành hoặc cơ động trực thuộc Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh.

Tổng cục Quản lý thị trường sẽ có tổng cục trưởng và không quá 4 cục phó.

Trên đây là một số dẫn chứng về "bước đi" của một số Bộ trước khi Nghị quyết số 18-NQ/TW được ban hành mà chúng tôi chưa thống kê hết. Chúng sẽ tiếp tục cập nhật danh sách này.

Tin mới lên