Thị trường

Chính phủ bắt đầu xem xét việc tạm ngừng nhập khẩu máy đào tiền ảo

(VNF) - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự, trong đó có đề xuất việc tạm dừng nhập khẩu máy đào tiền.

Chính phủ bắt đầu xem xét việc tạm ngừng nhập khẩu máy đào tiền ảo

Chính phủ bắt đầu xem xét việc tạm ngừng nhập khẩu máy đào tiền ảo

Theo đó, Phó Thủ tướng giao cho Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét việc tạm ngừng nhập khẩu máy xử lý dữ liệu tự động khai thác tiền ảo theo thẩm quyền và quy định pháp luật hiện hành.

Việc xem xét tạm dừng nhập khẩu đối với máy đào tiền ảo được căn cứ trên đề nghị của Bộ Tài chính hồi cuối tháng 5 trước hiện tượng biến tướng của loại hình thanh toán này, gây hệ lụy cho người tiêu dùng.

Bộ Tài chính cho rằng, quy định hiện hành, máy xử lý dữ liệu tự động không nằm trong danh mục hàng cấm nhập khẩu và không thuộc danh mục quản lý chuyên ngành hay hàng hoá gây mất an toàn nên doanh nghiệp được phép làm thủ tục nhập khẩu một cách dễ dàng.

Thế nhưng, thời gian qua, việc sử dụng máy xử lý dữ liệu tự động giải mã bitcoin, litecoin cho mục đích khai thác tiền ảo có nhiều dấu hiệu cho thấy sự phức tạp trong công tác quản lý, dễ bị các đối tượng lợi dụng để sử dụng như tiền tệ hoặc một phương pháp thanh toán khác. Điều này đã vi phạm Nghị định 101 của Chính phủ về việc thanh toán không dùng tiền mặc đã được sửa đổi bổ sung.

Theo Bộ Tài chính, vụ lừa 15 nghìn tỷ đồng xảy ra tại TP. HCM mới đây là điển hình cho thấy sự bất cập trong công tác quản lý khi có tới hơn 32.000 người đã bị lừa thông qua mô hình đầu tư tiền ảo iFan, Pincoin. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước cần cần có biện pháp quản lý chặt chẽ với việc nhập khẩu và sử dụng mặt hàng này.

Do vậy, để ngăn chặn kịp thời các sự vụ khác có thể xảy ra, trước mắt, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng biện pháp tạm dừng nhập khẩu đối với các loại máy đào tiền ảo kể trên.

Cũng liên quan đến vấn đề quản lý tiền ảo, trước đó ngày 11/4, Văn phòng Chính phủ cũng có công văn số 3318 truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ liên quan tới vụ lừa đảo tiền ảo iFan hơn 15.000 tỷ đồng. Theo đó, lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo các Bộ Công Thương, Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Công an và Ngân hàng Nhà nước theo chức năng nhiệm vụ được giao khẩn trương xem xét, xử lý vụ lừa tiền ảo hơn 15.000 tỷ đồng xảy ra hồi đầu tháng 4/2018.

Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã ban hành chỉ thị về tăng cường quản lý hoạt động liên quan tới Bitcoin, tiền ảo. Cuối tháng 3, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã yêu cầu Bộ Tư pháp nhanh chóng hoàn thiện khung khổ pháp lý về quản lý, xử lý tiền ảo, tài sản ảo.

Việc quản lý tiền ảo bắt đầu trở thành vấn đề cấp bách khi ngày 8/4 hàng chục nhà đầu tư đã kéo đến trụ sở Công ty cổ phần Modern Tech tại Nguyễn Huệ, quận 1, TP. HCM giăng băng rôn tố cáo công ty này đã chiếm đoạt hơn 15.000 tỷ đồng bằng hình thức kêu gọi rót vốn mua đồng tiền ảo Ifan, Pincoin (được trả lãi). Số tiền 15.000 tỷ đồng được giải thích là quy đổi từ 650 triệu USD ICO (huy động vốn) thành công từ iFan, Pincoin và một số đồng tiền ảo khác do Modern Tech đại diện.

Theo cộng đồng những người tẩy chay và tố cáo iFan và Pincoin, cách thức tham gia kênh đầu tư tiền ảo này na ná mô hình kinh doanh đa cấp. Công ty Modern Tech cam kết với nhà đầu tư mua tiền ảo iFan và Pincoin rằng khoản lợi nhuận thấp nhất 48% một tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng tại các sự kiện tổ chức hoành tráng năm 2017. Nếu mời được thành viên mới vào hệ thống sẽ được hưởng thêm 8% số tiền người mới tham gia.

Số liệu thống kê mới đây của Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh - Cục Hải quan TP. HCM cho thấy, chỉ tính riêng từ đầu năm đến hết ngày 10/6, đơn vị này đã làm thủ tục cho 3.664 máy xử lý dữ liệu tự động khai thác tiền ảo trên mạng nhập khẩu về địa bàn thành phố. Các loại máy được nhập về chủ yếu là máy tính xử lý dữ liệu tự động Bitcoin, Antminer, ngoài ra còn có một số máy thuộc dạng máy chủ server ảo…

Các lô hàng trên do doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức nhập khẩu và làm thủ tục hải quan qua Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh TP. HCM . Trong đó, 4 doanh nghiệp nhập khẩu hơn 3.000 máy, số còn lại do các cá nhân, tổ chức không có mã số thuế nhập khẩu. Theo cơ quan Hải quan, một trong 4 doanh nghiệp này đã nhập khẩu gần 2.300 máy từ đầu năm, dù mới thành lập và hoạt động được 8 tháng.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, chỉ tính từ năm 2017 đến nửa đầu tháng 4/2018, cả nước đã nhập khẩu khoảng 15.600 máy đào tiền ảo, gồm máy xử lý dữ liệu bitcoin, dữ liệu bitmain, máy xử lý thuật toán, thiết bị xử lý dữ liệu thuật toán, máy xử lý dữ liệu tự động và máy xử lý dữ liệu tự động dùng cho hệ thống quản lý điều khiển từ xa, nội bộ.

Số lượng máy đào tiền ảo nhập khẩu về chủ yếu tập trung tại 3 thành phố lớn gồm TP. HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Cụ thể, năm 2017, lượng máy nhập về là hơn 9.300 bộ. Trong đó, hơn 2.300 bộ nhập về Hà Nội, khoảng 7.000 bộ nhập về TP. HCM, còn lại là Đà Nẵng.

Năm 2018, chỉ tính riêng hơn 4 tháng đầu năm, lượng máy đào tiền ảo nhập về Việt Nam đã đạt con số hơn 6.300 bộ, tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn gồm Hà Nội và Sài Gòn. Trong đó, Sài Gòn nhập 2.009 bộ, Hà Nội nhập hơn 4.300 bộ.

Tin mới lên