Tài chính quốc tế

Chính phủ khắp thế giới sôi sục điều tra vụ 'Hồ sơ Panama' gây chấn động

(VNF) - Một ngày sau khi báo chí công bố vụ rò rỉ lượng tài liệu lớn nhất từ trước tới nay có liên quan tới việc rửa tiền, trốn thuế, chính phủ các nước trên khắp thế giới ngày đã bắt đầu tiến hành điều tra nghi vấn một loạt nhân vật giàu có và quyền lực.

Chính phủ khắp thế giới sôi sục điều tra vụ 'Hồ sơ Panama' gây chấn động

Các cuộc điều tra này diễn ra sau khi Hiệp hội Nhà báo điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố một vụ rò rỉ tài liệu mật lớn nhất và gây chấn động nhất từ trước đến nay từ một công ty luật Mossack Fonseca ở Panama, do một nguồn giấu tên cung cấp cho báo Sueddeutsche Zeitung (Đức). 

Tài liệu nặng 3 Terabyte còn gọi là "Panama Papers" (tạm dịch là "Hồ sơ Panama"), ghi lại hoạt động hàng ngày của Công ty luật Mossack Fonseca trong suốt 40 năm (từ khoảng thập niên 1970), trong đó cho thấy thông qua việc lập 214.000 công ty ma ở nước ngoài, công ty này đã giúp các nhân vật có tiền và có quyền che giấu tài sản nhằm rửa tiền và trốn thuế.

Mossack Fonseca là một công ty luật có trụ sở tại Panama, với hơn 40 văn phòng đại diện trên khắp thế giới. Công ty được thành lập vào năm 1977, bởi Jurgen Mossack và Ramon Fonseca. Hiện nay, các hoạt động chính của Mossack Fonseca đang diễn ra tại các "thiên đường thuế" như Thụy Sỹ, đảo Síp, vùng lãnh thổ Virgin Islands thuộc Anh, Panama.

Công ty luật này chuyên cung cấp các dịch vụ pháp lý cho các công ty và tập đoàn ở nước ngoài. Các dịch vụ bao gồm tư vấn luật thương mại, dịch vụ ủy thác, tư vấn đầu tư và quản lý tài sản, hỗ trợ pháp luật tại các vùng nước ngoài. 

Những tên tuổi nổi tiếng liên quan đến tài liệu gây sốc

Những tài liệu này cho thấy sự dàn xếp tài chính liên quan đến 140 chính trị gia và quan chức đang đương nhiệm và đã nghỉ hưu trên toàn thế giới. Trong đó, bạn bè của Tổng thống Nga Vladimir Putin, họ hàng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Anh, Iceland và Pakistan, Tổng thống Ukraine, nhà vua Ả Rập Xê Út,... đều bị cáo buộc có liên quan.

Tài liệu ghi lại các giao dịch bí mật với tổng giá trị 2 tỷ USD được thực hiện giữa các ngân hàng và những công ty có liên quan đến một số người thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ngoài giới chính trị gia, tài liệu còn phanh phui thông tin Juan Pedro Damiani, thành viên ủy ban đạo đức FIFA, có những giao dịch kinh tế với những người liên quan đến các vụ bê bối tài chính thời gian qua của FIFA bao gồm cựu phó chủ tịch Eugenio Figueredo và bố con Hugo và Mariano Jinkis, đội ngũ đã dùng tiền để chiếm quyền phát sóng giải bóng đá ở Nam Mỹ.

Siêu sao bóng đá Lionel Messi cùng bố cũng bị cáo buộc sở hữu một công ty bù nhìn mang tên Mega Star Enterprises Inc đặt ở Panama để chạy các hoạt động trốn thuế. Ngôi sao củaBarcelona đang dính vào các rắc rối về tội trốn thuế tại Tây Ban Nha từ năm 2007-2009.

Danh sách cũng bao gồm tên tuổi của ít nhất 33 cá nhân và công ty bị Chính phủ Mỹ liệt vào "danh sách đen" vì những hoạt động bất hợp pháp như kinh doanh với các trùm ma túy Mexico, các nhóm khủng bố hoặc với các quốc gia bị trừng phạt như Triều Tiên và Iran.

Tài liệu cho thấy các ngân hàng lớn giúp tạo ra những công ty vỏ bọc ở các thiên đường thuế. Hơn 500 ngân hàng, trong đó có cả HSBC, UBS và Société Générale đã tạo ra hơn 15.000 công ty vỏ bọc cho các khách hàng. Hồ sơ Panama có tên 29 tỷ phú trong danh sách tỷ phú thế giới của Forbes.

Theo hãng tin Reuters, việc giữ tài sản trong một công ty ở nước ngoài không phải là điều bất hợp pháp, nhưng các nhà báo phát hiện được những tài liệu rò rỉ nói rằng họ có thể cung cấp bằng chứng về sự che giấu tài sản để trốn thuế, rửa tiền, tránh lệnh trừng phạt, buôn bán ma túy hay các hành vi tội ác khác.

Những nhân vật hàng đầu được ICIJ nêu tên đã phản ứng trước loạt bài báo của nhóm nhà báo này về Panama Papers bằng cách phủ nhận hoặc im lặng. 

Giám đốc của Công ty luật Mossack Fonseca, ông Ramon Fonseca, đã lên tiếng bác bỏ việc công ty này tiếp tay cho hoạt động rửa tiền hoặc trốn thuế và nói rằng bản thân là nạn nhân của một chiến dịch chống lại quyền riêng tư. 

Hàng loạt Chính phủ tuyên bố tiến hành điều tra

Bộ trưởng Tư pháp liên bang Đức Heiko Maas tuyên bố sẽ bổ sung luật chống rửa tiền nhằm chấm dứt các hành động trốn thuế và tài trợ cho khủng bố. Báo Nam Đức ngày 4/4 cho biết, "Tài liệu Panama" liên quan tới hàng nghìn người Đức, trong khi ít nhất 28 ngân hàng của nước này sẽ bị điều tra về khả năng dính líu tới Công ty luật Mossack Fonseca.

Trong khi đó, các công tố viên điều tra tài chính của Pháp ngày 4/4 tuyên bố sẽ tiến hành điều tra vụ gian lận thuế này. Cùng ngày, Chính phủ Anh đã yêu cầu được cung cấp bản sao dữ liệu bị rò rỉ về danh sách khách hàng được Công ty luật Mossack Fonseca ở Panama giúp trốn thuế. Nhà chức trách Anh sẽ kiểm tra thông tin và có biện pháp xử lý bất kỳ trường hợp trốn thuế nào trong vụ việc này.

Văn phòng thuế liên bang Australia cũng đang điều tra 800 công dân nước này liên quan đến hoạt động trốn thuế và rửa tiền với sự trợ giúp của Công ty luật Mossack Fonseca ở Panama.

Các đảng đối lập tại Iceland đã kêu gọi tiến hành một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng Sigmundur David Gunnlaugsson, người đã có tên Tài liệu Panama trong tuần này và một kiến nghị trực tuyến đòi ông Gunnlaugsson từ chức đã thu được hơn 23.000 chữ ký.

Giới chức Tây Ban Nha và Israel cũng cho biết sẽ mở điều tra liên quan vụ việc trên. Một số quốc gia như Thụy Sĩ, Áo, Na Uy, Thuỵ Điển, Ukraine, và Costa Rica cũng thông báo sẽ điều tra các cá nhân, công ty và ngân hàng có tên trong "Tài liệu Panama".

Tin mới lên