Ngân hàng

Chính sách lãi suất mới sẽ có tác động như thế nào đến ngân hàng và người đi vay?

(VNF) - Theo Nghị quyết 01/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 1/1/2018 và định hướng của Ngân hàng Nhà nước, giảm lãi suất cho vay tiếp tục là một trong những mục tiêu trọng tâm trong năm 2018 nhằm giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất này hiện vẫn còn khá nhiều băn khoăn.

Chính sách lãi suất mới sẽ có tác động như thế nào đến ngân hàng và người đi vay?

Hiện tại, một số ngân hàng đã bắt đầu rục rịch điều chỉnh lãi suất cho vay, đặc biệt là cho các doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên, doanh nghiệp SME, doanh nghiệp khởi nghiệp,... Đã có 5 ngân hàng gồm Agribank, Vietcombank, Vietinbank, VPBank, BIDV điều chỉnh hạ lãi suất cho vay từ 0,5-1%.

Đây có thể là báo hiệu cho làn sóng giảm lãi suất diện rộng hơn trên hệ thống ngân hàng thời gian tới, đặc biệt trong 5 lĩnh vực ưu tiên.

Giảm lãi suất trên diện rộng: Ngắn hạn hay trung hạn?

Theo các chuyên gia tài chính, nhiều ngân hàng hiện vẫn còn vướng mắc về vấn đề nợ xấu, chi phí hoạt động của các ngân hàng còn cao, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi đang thấp hơn với nhiều nước trong khu vực,... thế nên, áp lực của việc giảm lãi suất ở một số ngân hàng hiện nay là một tín hiệu tốt, nhưng vẫn có nhiều thách thức.

Cụ thể, nếu nhìn vào lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ 5 năm hiện nay là 4,52%, lãi suất phát hành trái phiếu chỉnh phủ 30 năm hiện nay là 6,12%. Đây đều là những lãi suất thấp do có rủi ro gần như bằng 0.

Trong khi đó, các ngân hàng hiện nay do còn thiếu thông tin hoặc thông tin không chính xác và nhiều loại rủi ro phát sinh, đặc biệt là rủi ro tín dụng còn lớn nên lãi suất cho vay các doanh nghiệp vẫn cao. Đây sẽ là thách thức chính của hệ thống ngân hàng, bên cạnh các áp lực về lạm phát, tỷ giá, mục tiêu GDP tiếp tục ở mức cao…

"Việc giảm lãi suất trên diện rộng trong ngắn và trung hạn trong thời gian tới là vô cùng khó, nó tuỳ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: thông tin khách hàng, rủi ro từ phía khách hàng, chi phí hoạt động của ngân hàng, và áp lực từ các cân đối lớn như lạm phát, tỷ giá, …. Các yếu tố này hiện đang là thách thức rất lớn cho việc hạ lãi suất cho vay", Luật sư - Tiến sỹ Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính, CEO Trường Doanh nhân Bizlight, nhận định.

Đồng tình với nhận định thời điểm này chưa thuận lợi cho các ngân hàng giảm lãi suất trên diện rộng, chuyên gia tín dụng của một ngân hàng thương mại bày tỏ, hiện tại tuy thanh khoản dồi dào, nhưng xét ở góc độ cung - cầu, cuối năm cầu vốn vẫn rất cao, trong khi các nguồn vốn ngắn hạn lại khó khăn khiến các ngân hàng khó lãi suất bởi còn phải giữ vốn... phòng thân.

"Chỉ khi nào các ngân hàng về cơ bản đáp ứng các quy định chỉ số về an toàn hoạt động của Ngân hàng Nhà nước, thanh khoản dồi dào, bền vững, thị trường ổn định mới có chương trình giảm lãi suất trên diện rộng. Còn không vẫn rất khó khăn...", chuyên gia này bày tỏ.

Tính lãi theo công thức 365 ngày: Bên nào sẽ có lợi?

Nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính cũng có băn khoăn về Thông tư số 14/2017/TT-NHNN quy định về phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng, có hiệu lực thi hành kể từ 1/1/2018. Theo ông Bùi Quang Tín, thời gian qua, cách tính lãi được thực hiện theo Quyết định số 652/2001/QĐ-NHNN từ năm 2001, có những vướng mắc, cũng như có thay đổi trong các văn bản pháp lý mới ban hành. Trong đó, vướng mắc chính là quy định về số ngày trong một năm tại Quyết định 652 chưa thống nhất với Luật Dân sự hiện hành và số ngày thực tế trong năm.

Tại điều 9 Quyết định 652 quy định cứng thời gian chuẩn để tính lãi theo năm được quy ước là "một năm có 360 ngày". Còn điểm a khoản 1 điều 146 Luật Dân sự năm 2015 quy định về thời hạn, thời điểm tính thời hạn "một năm là 365 ngày"; và ngày thực tế theo lịch thì trong một năm là 365 ngày hoặc 366 ngày (đối với năm nhuận).

Với thông tư vừa ban hành, số ngày của năm để tính lãi được chốt lại là 365 ngày. Như vậy, cách tính tiền lãi = [số tiền gửi thực tế x lãi suất tính lãi (%/năm) x số ngày thực gửi]/360.

Ví dụ gửi tiết kiệm 220 triệu, kỳ hạn 13 tháng, lãi suất 8,8% / năm, gửi này 07/07/2017, đáo hạn là 07/08/2018. Như vậy lãi suất sẽ được tính như sau: tiền lãi = [220.000.000 đồng x (365 + 31) x 0.088]/ 360 = 21.296.000 đồng.

"Nếu áp dụng cách tính 365 ngày, số tiền lãi thực lãnh sẽ chỉ còn có 21.004.273 đồng. Như vậy, người gửi tiền sẽ bị thiệt đi 5 ngày tiền lãi, theo ví dụ trên sẽ bị thiệt 292 ngàn = 1,39% so với số tiền lãi thực chất được lãnh và tương đương với 0,13% trên số tiền gửi. Như vậy, làm cho lãi suất thực gửi cho kỳ hạn 13 tháng giảm đi 0,13%, tức nếu gửi với lãi suất là 8,8%/năm thì lãi suất thực gửi so với trước chỉ còn 8,67% , giảm không đáng kể và được xem như không thay đổi", ông Tín tính toán.

Trong khi đó cũng với công thức trên để tính tiền lãi trả cho món vay cũng tương tự: Tiền lãi phải trả cho món vay = [số tiền vay thực tế x lãi suất tính lãi (%/năm) x số ngày thực vay]/365. Như vậy, tiền lãi vay sẽ giảm đi mức 0,13% trên dư nợ, tức lãi suất vay sẽ giảm đi khoảng 0,13% cho ví dụ trên và người vay sẽ được hưởng lợi.

Tin mới lên