Thị trường

Chính thức ‘khai tử’ các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo

(VNF) – Tối 4/1, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký quyết định bãi bỏ các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo quy định tại Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo ban hành kèm theo Quyết định số 6139/QĐ-BCT.

Chính thức ‘khai tử’ các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo

Bộ Công Thương đã ban hành quyết định bãi bỏ các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo

Cụ thể, theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh tình hình thị trường xuất khẩu gạo khó khăn, cạnh tranh gay gắt, để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu gạo, ngày 19/9/2016, Bộ đã có công văn số 8768/BCT-XNK kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép bãi bỏ Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo ban hành kèm theo Quyết định số 6139/QĐ-BCT.

Được sự chấp thuận và thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại văn bản số 10257/VPCP-KTTH ngày 28/11/2016, ngày 4/1/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký quyết định chính thức bãi bỏ Quyết định số 6139.

Theo Quyết định này, các tiêu chí, điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo như: quy định khống chế số lượng tối đa 150 đầu mối xuất khẩu gạo, quy định khống chế địa bàn đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát thóc gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo tại 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quy định tiêu chí thành tích xuất khẩu gạo… đã được chính thức bãi bỏ.

Việc bãi bỏ các tiêu chí, điều kiện này nhằm loại bỏ các quy định điều kiện kinh doanh không phù hợp với quy định của Luật Đầu tư năm 2014, đảm bảo tính minh bạch của thể chế, môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh xuất khẩu gạo, góp phần thúc đẩy xuất khẩu gạo và tăng cường tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân.

Quyết định 9139/QĐ-BCT đã

Trong một thời gian dài, ngành nghề kinh doanh xuất khẩu gạo đã bị Quyết định 6139/QĐ-BCT "kìm kẹp" bằng những quy định vô lý

Đây được xem là động thái mang tính chất "giải phóng" cho ngành nghề kinh doanh xuất khẩu gạo, vốn bị "kìm kẹp" lâu nay bởi các quy định vô lý như: doanh nghiệp phải có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa, phù hợp quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành; có ít nhất 1 cơ sở xay, xát lúa gạo với công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ mới được xuất khẩu gạo...

Các quy định này bị đánh giá là đã "giết chết" theo đúng nghĩa đen nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo, hay ngăn cản các doanh nghiệp khác muốn xuất khẩu.

Cùng với các quyết định bãi bỏ và đơn giản hóa 123 thủ tục, bãi bỏ Thông tư 37, Thông tư 07, việc bãi bỏ các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã cho thấy những bước đi mạnh mẽ của ngành Công Thương trong cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ kiến tạo, loại bỏ các "nút thắt" thể chế, tạo "sân chơi" bình đẳng giữa các doanh nghiệp, bảo đảm sự cạnh tranh, quyền lợi tối cao cho người tiêu dùng…

Tin mới lên