Tài chính

Chính thức thu phí dự án BOT tuyến tránh Hà Nam từ ngày 24/11

Theo tính toán, giá vé của ba loại vé lượt, vé tháng và vé quý trạm Nam Cầu Giẽ giảm tới 30% so với giá vé các trạm BOT đang thu phí trên Quốc lộ 1.

Chính thức thu phí dự án BOT tuyến tránh Hà Nam từ ngày 24/11

Chính thức thu phí dự án BOT tuyến tránh Hà Nam từ ngày 24/11. Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+

Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Quyết định 3591/QĐ-BGTVT cho phép Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng FCC tổ chức thu phí tại Trạm thu phí Nam Cầu Giẽ (Km216+600), Quốc lộ 1, tỉnh Hà Nam kể từ 0 giờ ngày 24/11/2016 để hoàn vốn cho dự án đầu tư xây dựng Quốc lộ 1 đoạn tránh thành phố Phủ Lý và tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km215+775 - Km235+885, tỉnh Hà Nam theo hợp đồng BOT (Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao).

Theo quyết định của Bộ Giao thông Vận tải, mức thu phí đường bộ tại Trạm thu phí Nam Cầu Giẽ được thực hiện theo quy định tại Thông tư 44/TT-BTC ngày 3/3/2016 của Bộ Tài chính.

Cụ thể, mức phí sử dụng đường bộ đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng qua trạm Nam Cầu Giẽ là 25.000 đồng/vé/lượt, 750.000 đồng/vé/tháng và 2.025.000 đồng/vé/quý; Xe 12 - 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn là 40.000 đồng/vé/lượt, 1,2 triệu đồng/vé/tháng và 3,24 triệu đồng/vé/quý…

Đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng FCC cho biết, mức thu phí sử dụng đường bộ đối với các loại phương tiện qua Trạm thu phí Nam Cầu Giẽ thấp nhất so với các trạm thu phí BOT trên toàn tuyến Quốc lộ 1 hiện nay. Theo tính toán, giá vé của ba loại vé lượt, vé tháng và vé quý trạm Nam Cầu Giẽ giảm tới 30% so với giá vé các trạm BOT đang thu phí trên Quốc lộ 1.

Ông Muôn Văn Chiến, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng FCC (nhà đầu tư) cho biết, ngay từ thời điểm xây dựng phương án tài chính, doanh nghiệp dự án đã tính toán và chủ động đề xuất mức thu phí đối với tất cả các loại phương tiện qua trạm ở những mức thấp theo khung quy định của Thông tư 159/2013 của Bộ Tài chính để trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

"Việc chủ động đề xuất giảm 30% giá vé cho các phương tiện so với các trạm thu phí BOT khác trên tuyến Quốc lộ 1 chắc chắn ảnh hưởng đến doanh thu của dự án và nhà đầu tư do thời gian dài hơn. Tuy nhiên, quan điểm của nhà đầu tư ngay từ khi tham gia vào dự án hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư là đảm bảo hài hòa lợi ích của cả ba bên: nhà nước, người dân và doanh nghiệp", ông Muôn Văn Chiến chia sẻ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong tổng số 6 cửa thu phí tại trạm Nam Cầu Giẽ đã có hai cửa được lắp đặt các thiết bị kỹ thuật áp dụng công nghệ thu phí tự động không dừng theo yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải.

Dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn tránh thành phố Phủ Lý và tăng cường mặt đường Quốc lộ1 đoạn Km215+775 - Km235+885 có tổng chiều dài 43,4km, tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu 2.046 tỷ đồng do liên danh: Công ty Cổ phần FECON, Công ty Cổ phần Xây dựng COTECCONS và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (CIENCO1) làm nhà đầu tư.

Theo đánh giá, đây là công trình có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao năng lực vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường giao lưu kinh tế giữa tỉnh Hà Nam với các tỉnh lân cận trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Bên cạnh đó, dự án đưa vào sử dụng sẽ đóng vai trò lớn trong việc kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh Hà Nam.

Trước đó nhà đầu tư dự án đã thực hiện việc thu phí thử nghiệm, đến thời điểm này, nhà đầu tư cho biết đã hoàn thiện toàn bộ điều kiện để thu phí chính thức vào 0 giờ ngày 24/11 tới.

Tin mới lên