Ngân hàng

Chống đô la hóa không đạt mục tiêu khi tỷ lệ găm giữ ngoại tệ tăng lên

(VNF) - Đây là nhận định của ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia tại hội thảo công bố "Báo cáo tổng quan thị trường tài chính 2015".

Chống đô la hóa không đạt mục tiêu khi tỷ lệ găm giữ ngoại tệ tăng lên

Theo ông Trương Văn Phước – Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia, việc chống đô la hoá của Việt Nam đã không đạt được mục tiêu khi không làm giảm tỷ lệ đô la hoá xuống, ngược lại tỷ lệ này lại đang tăng lên.

Theo ông Phước, năm 2015 huy động vốn toàn hệ thống ngân hàng tăng 16,1% so với năm 2014. Trong đó, huy động vốn VNĐ tăng 16,3%, năm 2014 là 19,3%. Huy động ngoại tệ tăng 14,3%, chủ yếu tập trung vào 4 tháng cuối năm 2015 (từ tháng 9 - 12/2015). Tuy nhiên, so với con số huy động vốn năm 2014 chỉ tăng 4,7% thì mức tăng trên 14% của năm 2015 là cao.

"Nguyên nhân là do tháng 8/2015 Trung Quốc phá giá tiền tệ, điều này đã tác động tới tâm lý của người dân và họ đã chuyển sang mua ngoại tệ, gửi vào hệ thống ngân hàng. Người dân vẫn đang kỳ vọng từ tỷ giá", ông Phước nhận định.

Cùng quan điểm, Nguyên Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy cho rằng thị trường đang tồn tại sự mất cân đối giữa huy động - cho vay VNĐ và USD.

"Dù lãi suất huy động ngoại tệ về 0% nhưng vẫn không khiến người dân chuyển ngoại tệ sang gửi tiền đồng vào ngân hàng. Huy động ngoại tệ vẫn nhiều hơn cho vay. Như vậy, việc đưa lãi suất USD về 0% cũng không làm giảm nhu cầu tích trữ ngoại tệ của thị trường, găm giữ ngoại tệ trong dân đang tăng lên", ông Thúy nhận định.

Ông Thúy đề cập đến việc Vietinbank vừa đi vay 200 triệu USD của 18 ngân hàng quốc tế. "Trong bối cảnh hiện nay, tại sao ngân hàng Việt Nam lại phải vay ngoại tệ ở nước ngoài? Lãi suất là bao nhiêu trong khi ở Việt Nam ngân hàng vay người có USD lãi suất là 0%? Cần suy nghĩ nhiều hơn về vấn đề này", ông Thúy nhấn mạnh.

Còn theo Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), hiện nay đang diễn ra tình trạng người dân có USD nhưng không mang ra ngân hàng đổi mà giữ lại để chờ USD tăng giá. Về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, ông Thành cho rằng: "Hiện thị trường đang chờ sự chuyển đổi quyền lực, Thống đốc Nguyễn Văn Bình sẽ nhận nhiệm vụ mới và người khác sẽ lên, vì vậy, chính sách tỷ giá chưa rõ ràng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho tỷ lệ găm giữ ngoại tệ đang tăng lên".

Ông Thành cũng cho hay, với thực trạng của Việt Nam thì việc phải phá giá là cao vì hiện nay tiền VNĐ vẫn đang rất mạnh, nếu không phá giá thì doanh nghiệp sẽ chết.

Tin mới lên