Tài chính tiêu dùng

Chống rửa tiền cần sự chủ động của các ngân hàng thương mại

Theo các chuyên gia, các hoạt động rửa tiền thường rất phức tạp và nếu mỗi ngân hàng riêng lẻ sẽ chỉ nhìn được một phần của bức tranh tổng thể. Do đó, phải thông qua hợp tác với cơ quan quản lý và các ngân hàng thì mới có thể nâng cao được hiệu quả phòng chống.

Chống rửa tiền cần sự chủ động của các ngân hàng thương mại

Ngân hàng cần chủ động và tích cực tham gia phòng, chống rửa tiền trong thời đại Fintech.

Chia sẻ tại hội thảo về PCRT trong thời đại công nghệ số do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Công ty TNHH Tư vấn PricewaterhouseCoopers Việt Nam, thành viên của mạng lưới các công ty tư vấn – kiểm toán PwC tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Ngọc, Cục trưởng Cục PCRT thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN cho biết, NHNN (Cục PCRT) đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện hàng loạt hành động, đạt được những chuyển đổi đáng ghi nhận về khung pháp lý PCRT, hướng dẫn các đối tượng có liên quan triển khai các quy định về PCRT tiệm cận với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, để tăng cường hiệu quả của công tác PCRT sẽ cần đến sự chủ động và tích cực tham gia của các ngân hàng thương mại (NHTM) trên toàn hệ thống.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Grant Dennis, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam cho rằng các ngân hàng Việt Nam cần tăng cường các chương trình nhận thức về PCRT ở các cấp, các bộ phận chức năng trong ngân hàng, truyền thông về tầm quan trọng của công tác PCRT trong tổ chức, và trên hết là sự chỉ đạo quyết liệt từ ban lãnh đạo cấp cao và các chế tài nghiêm khắc đối với các vi phạm về rửa tiền trong tổ chức.

Theo ông Grant Dennis, không chỉ dừng lại ở mức độ tuân thủ để đảm bảo uy tín của ngân hàng, việc tăng cường năng lực PCRT sẽ giúp các ngân hàng nâng cao chất lượng hoạt động và giảm thiểu rủi ro khi tham gia vào các giao dịch thanh toán toàn cầu. Muốn vậy, ban lãnh đạo các ngân hàng cần chủ động đưa ra định hướng rõ ràng và giám sát chặt chẽ chức năng quan trọng này.

Bàn về các thách thức đối với công tác PCRT, ông Alex Tan, Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn Điều tra Gian lận của PwC Malaysia cho biết, có rất nhiều khó khăn được nhận diện từ việc triển khai công tác PCRT tại các ngân hàng trong khu vực, trong đó phải kể đến tình trạng ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác PCRT vẫn còn hạn chế, thiếu sự chỉ đạo quyết liệt và làm gương của ban lãnh đạo trong vấn đề PCRT, phân loại rủi ro khách hàng không hiệu quả, các chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động chính (KPI) không phù hợp với trách nhiệm, nhân sự giám sát giao dịch chưa đủ năng lực, kinh nghiệm phù hợp để sàng lọc, nhận diện và đưa ra các báo cáo giám sát giao dịch có chất lượng…

“Ngoài ra, công nghệ không phù hợp cũng là một thách thức lớn, dẫn tới tình trạng dữ liệu kém chất lượng và thiếu hụt dữ liệu, các hoạt động giám sát giao dịch kém hiệu quả và không bao quát được đầy đủ mọi hoạt động”, ông Alex Tan nhận định.

Tại hội thảo một số thông lệ tốt về quản trị và một số giải pháp công nghệ mới, đột phá đang bắt đầu được triển khai tại các thị trường phát triển đã được giới thiệu, như sử dụng công nghệ sinh trắc học để nhận biết khách hàng, hay tự động hóa quy trình người máy (robotic process automation) nhằm giám sát các giao dịch.

“PCRT là một lĩnh vực cần đến sự phối hợp chặt chẽ trong hệ thống ngân hàng. Các hoạt động rửa tiền thường rất phức tạp. Mỗi ngân hàng riêng lẻ sẽ chỉ nhìn được một phần của bức tranh tổng thể mà thôi. Phải thông qua hợp tác với cơ quan quản lý và các ngân hàng khác thì bức tranh toàn cảnh mới được hé mở và công tác PCRT mới có thể nâng cao được hiệu quả…” - ông Richard Major , Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn Tội phạm Tài chính khu vực Đông Nam Á của PwC lưu ý.

Tin mới lên