Tiêu điểm

Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc gọi vấn đề an toàn thực phẩm là ‘quốc nạn’

(VNF) - Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.794 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.

Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc gọi vấn đề an toàn thực phẩm là ‘quốc nạn’

Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII do Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã gọi vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm hiện là ‘quốc nạn’.

Ông Nhân cho hay chuẩn bị cho kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.794 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, trong đó có 694 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 3.100 ý kiến, kiến nghị của nhân dân qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. 

"Về "quốc nạn" mất an toàn thực phẩm như phản ánh và bức xúc của cử tri và nhân dân đã nêu, với trách nhiệm của mình, ngay trong năm 2016 này, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ phối hợp với Chính phủ xây dựng chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2021 và huy động toàn bộ hệ thống Mặt trận và các tổ chức thành viên từ Trung ương tới cơ sở và các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện", ông Nguyễn Thiện Nhân nói. 

Đại diện Mặt trận Tổ quốc cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp trong phạm vi chức năng, trách nhiệm của mình có giải pháp căn cơ, hiệu quả để giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm và phối hợp, tạo điều kiện để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực hiện chương trình phối hợp nêu trên.

Vẫn theo ông Nguyễn Thiện Nhân, cử tri và nhân dân cả nước lo lắng, bất bình trước việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng các công trình trái luật pháp quốc tế; bố trí vũ khí, quân đội tại các đảo, bãi đá thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; hành hung, cướp phá tài sản, ngư cụ của ngư dân.

"Đề nghị Đảng, Nhà nước có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả hơn nhằm giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo vệ ngư dân, tăng cường công tác đối ngoại và thông tin kịp thời, đầy đủ trên các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến tình hình Biển Đông", ông nhấn mạnh.

Nhiều nội dung khác liên quan trực tiếp đến các vấn đề dân sinh cũng được đưa vào báo cáo này.

Chẳng hạn, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng đa cấp lừa đảo gây hậu quả nghiêm trọng. Một số vụ việc diễn ra trong thời gian dài, phạm vi rộng ở nhiều địa phương, gây thiệt hại lớn cho nhiều người dân nhưng chậm được phát hiện, ngăn chặn và xử lý.

"Cử tri và nhân dân đề nghị Bộ Công thương và chính quyền các cấp siết chặt việc cấp phép kinh doanh và giám sát chặt chẽ việc bán hàng đa cấp, xử lý nghiêm các vi phạm", báo cáo nhấn mạnh.

Một nội dung khác là việc thực hiện cho vay hỗ trợ mua nhà ở với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Nhiều người dân khi thực hiện ký hợp đồng tín dụng không hiểu rõ nội dung về thời hạn áp dụng lãi suất vay ưu đãi, mặt khác, một số ngân hàng chưa giải thích rõ về các điều khoản trong hợp đồng theo quy định, dẫn đến tình trạng người dân bất ngờ, lúng túng trước thông tin áp dụng lãi suất thương mại thông thường đối với dư nợ giải ngân sau ngày 01/6/2016.

"Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát và có giải pháp kịp thời để bảo đảm những người có thu nhập thấp đã ký kết vay theo gói hỗ trợ trên tiếp tục được hưởng lãi suất ưu đãi theo mức hỗ trợ ban đầu để ổn định cuộc sống", ông Nhân nói.

Tin mới lên