Thị trường

Chủ tịch ngân hàng Liên Việt làm Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam

Ngày 24/4, tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), Ban vận động Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã chính thức thành lập Hiệp hội Mắc ca Việt Nam.

Chủ tịch ngân hàng Liên Việt làm Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam

Hiệp hội đã tổ chức đại hội lần thứ nhất và bầu ra ban chấp hành gồm 13 người, do ông Dương Công Minh, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Him Lam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại Bưu điện Liên Việt, làm chủ tịch.

Hiệp hội Mắc ca Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 124/QĐ-BNV, ngày 5/2/2016 của Bộ Nội vụ; có tên gọi chính thức là Hiệp hội Mắc ca Việt Nam; tên giao dịch quốc tế là Vietnam Macadamia Association; tên viết tắt là Macca Vietnam (VMA).

Hiệp hội Mắc ca Việt Nam là tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tập hợp và đại diện cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ cung ứng xuất khẩu, nghiên cứu khoa học công nghệ và đào tạo vì sự phát triển của ngành mắc ca Việt Nam.

Đại hội lần thứ nhất của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cũng đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể trong những năm tới là góp phần cùng đất nước xây dựng ngành công nghiệp mắc ca hiện đại; khai thác chuỗi giá trị lớn, khép kín; thu hút nguồn vốn, nhân lực, tạo ra những sản phẩm tinh chế, phong phú từ mắc ca có giá trị tiêu dùng và xuất khẩu cao.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng dựa trên cơ sở mở rộng diện tích trồng hợp lý, mở rộng thị thị trường tiêu thụ bền vững; thu hút sinh thái; góp phần vào chương trình tái cơ cấu cây trồng ở 2 vùng Tây nguyên và Tây Bắc; phát huy giá trị kinh tế - xã hội – môi trường từ cây mắc ca; ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên nước và biến đổi khí hậu; gắn sự phát triển của các doanh nghiệp trồng, kinh doanh mắc ca với xã hội và nông dân, giúp nông dân vượt khó, làm giàu.

Theo phê duyệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2020 tổng diện tích trồng mắc ca tại vùng Tây Bắc và Tây Nguyên khoảng 9.940ha; trong đó có 2.350ha trồng tập trung; có 12 cơ sở chế biến mắc ca công suất từ 50 – 200 tấn/cơ sở.

Đến năm 2030, cả nước có 34.500ha mắc ca, gồm 7.000ha tập trung và 27.500ha trồng xen; trong đó vùng Tây Bắc có 4.800ha trồng thuần và 3.250ha trồng xen; vùng Tây Nguyên có 2.200ha trồng thuần và 24.500ha trồng xen; cả 2 vùng sẽ có 30 cơ sở chế biến, gồm 20 cở sở tại vùng Tây Nguyên và 10 cở sở vùng Tây Bắc.

Tin mới lên